Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Có nên mua thịt lợn nhập khẩu?

Đại Đoàn Kết 09:48 04/01/2020

Lượng thịt lợn nhập khẩu đã tăng mạnh trong khoảng một tháng trở lại đây, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán 2020. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng trong nước vẫn chưa mặn mà với thịt lợn nhập khẩu.

Lượng thịt nhập khẩu tăng mạnh

Trong bối cảnh nguồn cung thịt lợn đang thiếu hụt, việc nhập khẩu thịt lợn là giải pháp quan trọng để giải tỏa sự thiếu hụt này.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), việc nhập khẩu thịt lợn trong tháng 10 và tháng 11/2019 đã có chiều hướng tăng mạnh do nhu cầu mặt hàng này đang tăng nhanh vào dịp cuối năm và giáp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020. Riêng trong tháng 11/2019, lượng thịt lợn nhập khẩu đạt hơn 15 nghìn tấn với kim ngạch 15,9 triệu USD, tăng 164% về lượng và 113% về kim ngạch so với tháng 11/2018.

--Thịt lợn nhập khẩu là giải pháp quan trọng khi nguồn cung trong nước thiếu

Tính chung trong 11 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt lợn của nước ta đạt hơn 111 nghìn tấn với kim ngạch 124 triệu USD, tăng 108% về lượng và 97% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Cơ cấu chủng loại thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là thịt cốt lết, thịt cắt miếng, chân giò, móng giò… từ các nước có ngành chăn nuôi phát triển như Ba Lan, Đức, Pháp, Mỹ hay Hà Lan. Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng này trong 11 tháng năm 2019 là 1.117 USD/tấn, tương đương 25.950-26.000 đồng/kg.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Bộ đã ký Thỏa thuận song phương về kỹ thuật và kiểm dịch động vật với 19 nước với tổng số 1.641 DN nước ngoài được phép xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn vào Việt Nam và đang có khoảng 140 doanh nghiệp Việt Nam thực hiện nhập khẩu thịt lợn từ các nước.

Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương cũng cho biết, đã đề nghị Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động tổ chức làm việc, trao đổi với Hiệp hội và các DN xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các DN nhập khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thú y) trong hoạt động nhập khẩu để đa dạng hóa nguồn cung thịt lợn, đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế và diễn biến cung cầu trong nước tùy từng thời điểm.

Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu cũng đã đề nghị các Sở Công thương và lực lượng Quản lý thị trường tại khu vực biên giới thực hiện nghiêm các biện pháp tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, mua bán trái phép lợn sống và các sản phẩm từ lợn qua biên giới trên địa bàn. Đồng thời các Sở Công thương theo dõi sát diễn biến hoạt động thương mại và trao đổi cư dân biên giới đối với hàng hóa nông, thủy sản nói riêng cũng như đối với lợn sống và các sản phẩm từ thịt lợnđể phối hợp với cơ quan chức năng (Hải quan, Biên phòng, Thú y...) trên địa bàn chủ động ứng phó với hiện tượng vận chuyển, mua bán trái phép, chống đầu cơ, tích trữ, gây bất ổn đến tình hình thị trường trong nước.

Người tiêu dùng chưa mặn mà

Bà Nguyễn Thu Phương (ở phố Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, mặc dù thịt lợn tăng giá mạnh trong thời gian qua, nhiều người đã chuyển sang mua những loại thực phẩm khác, song gia đình bà vẫn chọn sản phẩm thịt lợn tươi sống để làm bữa ăn chính trong gia đình chứ không phải là thịt lợn nhập khẩu.

“Cả gia đình tôi thích ăn thực phẩm tươi sống, có giá trị dinh dưỡng cao chứ không phải là những sản phẩm đông lạnh đã qua thời gian vận chuyển vì chắc chắn độ tươi ngon thua xa thịt lợn bán ở chợ truyền thống” – bà Phương cho hay.

--Người tiêu dùng chưa mặn mà với thịt lợn nhập khẩu

Trên thực tế, mặc dù nguồn cung thịt lợn đã giảm nhiều và được cảnh báo là sẽ thiếu hụt trong dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, tuy nhiên, cũng như bà Phương nhiều người vẫn không mặn mà với các loại thịt đông lạnh nói chung, trong đó có thịt lợn. Nguyên do là bởi, phần lớn người tiêu dùng chưa tin tưởng về nguồn gốc xuất xứ, độ an toàn vệ sinh thực phẩm của các loại thịt này.

Bởi vậy, cho dù nhà quản lý có nỗ lực bao nhiêu trong việc tăng nguồn cung thịt lợn bằng cách nhập khẩu, nhưng khi chưa thể thay đổi thói quen của người tiêu dùng thì vấn đề vấn chưa được giải quyết.

Như vậy, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, tới đây, trong chiến lược của ngành chăn nuôi 2020 -2030, sẽ giảm nguồn cung thịt lợn trong cơ cấu rổ thực phẩm của người dân Việt Nam, không thể để bữa ăn mà có tới 70% tỷ trọng là thịt lợn. Đây là giải pháp hữu hiệu trong việc cân đối nguồn cung thực phẩm, giảm độ “khát” thịt lợn của người tiêu dùng thời gian tới.

Theo khảo sát của Bộ Công thương, trong những ngày đầu năm 2020, giá lợn hơi tại Hà Nội phổ biến 93.000 đồng/kg; Hưng Yên giảm 1.000 đồng/kg xuống 94.000 đồng/kg; Hà Nam xuống 92.000-93.000 đồng/kg; Quảng Ninh, Thái Bình, Tuyên Quang, Sơn La... giá phổ biến là 93.000 đồng/kg.

Link gốc : http://daidoanket.vn/thi-truong/thit-lon-nhap-khau-nguoi-tieu-dung-chua-man-ma-tintuc456106

Bạn đang đọc bài viết Có nên mua thịt lợn nhập khẩu? tại chuyên mục Hỏi đáp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Hỏi đáp
Khi cơ quan chức năng mạnh tay với các tổ chức cho vay nặng lãi dưới dạng tín dụng đen công khai, thì trên mạng internet và kho ứng dụng (app) trên điện thoại tín dụng đen lại vô cùng nở rộ.