Trong vai các nhân viên thử việc tại chuỗi cửa hàng Klever Fruits trong nhiều tháng, phóng viên Thời đại Plus - Báo Gia đình và Xã hội ghi nhận không ít điều bất thường tồn tại trong hệ thống bán hoa quả nhập khẩu lớn nhất Hà Nội.
Lúc vào nhận việc, các nhân viên mới được hướng dẫn quy tắc lọc hàng như sau: Cho hoa quả vào khay và dùng màng phin đóng lại sau đó dán 3 loại tem (tem nhãn hàng Klever Fruits, tem tên sản phẩm và tem check). Tem check là loại tem dùng để đánh dấu ngày hoa quả được chuyển từ kho ra cửa hàng để bày bán.
Một cửa hàng bán hoa quả |
Quy định đánh tem check được nhân viên đi trước hướng dẫn nhân viên mới với nội dung, khi hàng được lấy từ thùng bày ra hộp để cho vào tủ trưng bày thì sẽ để check trắng. Cuối ngày bắt đầu đánh một dấu (x - 1 ngày) rồi tiếp tục cộng dồn theo số ngày mà khay hoa quả đó chưa được bán. Khay có nhiều check (tồn nhiều ngày) thì sẽ ưu tiên đẩy bán. Tem check sẽ được dán dưới đáy của mỗi khay hoa quả.
Mỗi ngày sẽ có một bảng check ghi số ngày hoa quả còn tồn ở cửa hàng. Dựa vào bảng check này, nhân viên biết được số hoa quả nào đang cần đẩy bán trước, số hoa quả nào nên đẩy bán sau. Loại hoặc giỏ hoa quả nào có nhiều check, tức tồn nhiều ngày thì sẽ được ưu tiên bán trước. Kế toán, quản lý của Klever Fruits sẽ kiểm tra, cửa hàng hay nhân viên nào để hoa quả tồn nhiều ngày thì sẽ bị phạt.
Một cựu nhân viên của Klever Fruits cho biết: "Ví dụ, cửa hàng có 3 khay cam được chuyển từ kho và có số ngày đã bày bán lần lượt là 1, 5 và 8 ngày (tương ứng 1, 5, 8 dấu check).
Theo số check này thì khay 8 ngày sẽ được ưu tiên bán trước nhưng khách hàng vào cửa hàng lại vô tình chọn khay mới bày được một ngày (1 dấu check). Như vậy, còn khay 5 và 8 ngày và để qua mặt kiểm soát nội bộ thì nhân viên của Klever Fruits sẽ đảo vị trí khay 8 ngày vào khay 1 ngày vừa bán và khay cam 8 ngày sẽ có giấy "khai sinh mới" là 1 ngày".
Những khay xấu, nhiều ngày luôn được đặt lên trên nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng và bằng nhiều cách nhân viên phải đẩy bản được khay đấy đi càng sớm càng tốt.
"Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, khách hàng không lấy khay nhiều ngày mà chọn khay ít ngày. Như vậy sẽ tồn lại khay xấu, khay ế nhiều ngày và lúc này nhân viên sợ kế toán, quản lý kiểm tra sẽ bị phạt nên việc đảo ngày như là một hình thức để che mắt kế toán, quản lý cửa hàng", một nhân viên Klever Fruits tại cửa hàng 52 Nguyễn Chánh chia sẻ.
Kết quả bám cửa hàng của phóng viên Báo Gia đình và Xã hội cho thấy, cách thức đổi ngày sinh cho hoa quả của nhân viên Klever Fruits vô cùng tinh vi. Thông thường, nếu bán xong mặt hàng nào, nhân viên sẽ xé tem check ngày và đổi lại ngày mới luôn để tránh nhầm lẫn.
Nếu khách quá đông thì đành phải để cuối ngày kiểm tra lại. Sự việc tráo đổi này chỉ có nhân viên và trưởng ca trong cửa hàng ngầm hiểu với nhau. Vì vậy, ngay cả kế toán, quản lý cửa hàng và khách hàng cũng không hề biết được khay hoa quả được bán ra đã bao nhiêu ngày.
Hồng dẻo sắp hết hạn dùng cho khách ăn thử?
Mới đây, vào tháng 11/2019, Klever Fruits vừa tung ra một chương trình tặng hồng dẻo Hàn Quốc để tri ân khách hàng với những hóa đơn từ 800.000 đồng trở lên. Khi có những thắc mắc về hạn sử dụng của những khay hồng làm quà tặng thì nhân viên ở một số cửa hàng được hướng dẫn trả lời với nội dung là hoa quả có hạn sử dụng đến một năm nên khách hàng hoàn toàn yên tâm khi sử dụng.
Nhân viên Klever Fruits trả lời khách hàng là vậy nhưng thực tế thời hạn sử dụng của số hồng này luôn là ẩn số mà ít người rõ. Trong quá trình thu thập thông tin, phóng viên còn ghi nhận được lời từ một nhân viên bán hàng lâu năm cho biết: "Nếu trong trường hợp bán không hết, công ty sẽ chạy liên tục (chạy khuyến mại - PV) hoặc cùng lắm là lấy về thay mác hạn sử dụng".
Liên quan đến số quà tặng cho khách hàng là sản phẩm hồng dẻo, trước đó, trong nhóm chát nội bộ của hệ thống Klever Fruits mà phóng viên thâm nhập ghi nhận thông tin chỉ đạo của một người có tên Nguyen Xuan Hai có nội dung sau:
"Sáng ngày 6/3/2018, quản lý thị trường đến kiểm tra tại cửa hàng 276 Kim Ngưu. Cửa hàng này bị một lỗi nặng là vẫn còn các hộp hồng dẻo hạn sử dụng tháng 2/2018 (tức là đã hết hạn). Mặc dù được hướng dẫn rõ là bán hết hoặc sử dụng ăn thử cho hết, bóc hạn sử dụng ra nhưng cửa hàng không làm".
Điều trùng hợp là Tổng Giám đốc của Công ty TNHH K.L.E.V.E có tên là Nguyễn Xuân Hải. Ông Hải không ở Việt Nam nên mọi điều hành của ông Hải đến các nhân viên và toàn hệ thống đều được thực hiện qua nhóm nội bộ trên mạng internet.
Nếu đúng đây là chỉ đạo của người đứng đầu hệ thống Klever Fruits thì những hoài nghi về hạn sử dụng của số sản phẩm mà đơn vị này "tri ân khách hàng" không phải không có cơ sở.
Trong trường hợp, nếu đúng Klever Fruits sử dụng sản phẩm "cận, hết date" để cho khách ăn thử và làm quà tặng cho khách thì sẽ ít người vui vẻ nhận những món hàng đó. Tìm hiểu của phóng viên Báo Gia đình và Xã hội cho thấy, những loại quả khó bán như táo xanh, bưởi, kiwi xanh nếu để lâu ngày, có nhiều check sẽ được tách ra cho vào giỏ quà để đẩy bán. "Ưu tiên những hàng nhiều check cho vào giỏ đóng", một nhân viên tại cửa hàng 174 Trần Duy Hưng hướng dẫn cách đóng giỏ.
Ngoài ra, những mặt hàng được bày ra kệ trưng bày tại các cửa hàng Klever Fruits sau khi để ở nhiệt độ phòng 15 tiếng đồng hồ tiếp tục được đưa vào tủ lạnh để bảo quản qua đêm, sáng hôm sau lại mang ra trưng bày.
Với cách bảo quản này và cách đổi ngày tồn kho tinh vi ở trên, liệu hoa quả có đảm bảo dinh dưỡng khi đến tay người tiêu dùng hay không là câu hỏi chưa có lời đáp.
Chi tiết trên Thời đại Plus - Báo Gia đình và Xã hội.