Hiện nay, tại TP.HCM tình hình hàng giả và hàng nhái diễn biến phức tạp. Theo thống kê, trong 10 tháng qua, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra tại các chợ, trung tâm thương mại đã phát hiện 280 trường hợp vi phạm, tạm giữ gần 9.500 sản phẩm và phạt tiền hơn 1,9 tỷ đồng. Không chỉ tràn lan ngoài thị trường mà hàng giả, hàng nhái còn được phân phối trên mạng xã hội gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý.
Trong đó, khi người tiêu dùng mua qua mạng nhận phải hàng giả thì không ai bảo vệ. Máy tính, đồng hồ giả được trưng bày tại diễn đàn chống hàng, gian hàng giả tại TP.HCM. Máy tính, đồng hồ giả được trưng bày tại diễn đàn chống hàng, gian hàng giả tại TP.HCM.
Công ty TNHH điện tử Minh Tuấn, có hơn chục năm kinh doanh trong lĩnh vực loa âm thanh với nhãn hiệu BMB nổi tiếng của Nhật. Thời gian gần đây, công việc kinh doanh trở nên khó khăn do thương hiệu giả BMB tràn lan trên mạng, giá chỉ bằng một nửa hàng thật. Là công ty phân phối độc quyền sản phẩm này tại Việt Nam, nhưng hiện nay chỉ cần gõ trên google thì sẽ xuất hiện hàng chục trang website bán loa hiệu BMB trên cả nước. Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Công ty TNHH điện tử Minh Tuấn chia sẻ, với công nghệ phát triển như hiện nay, hàng giả làm rất tinh vi. Cách bán hàng online là họ chụp hình ảnh sản phẩm, thông số kỹ thuật… sản phẩm của công ty để đăng lên online. Họ bán cũng bằng với giá của công ty, sau đó, họ sập giá (giảm giá 50%), khi giao hàng thì giao hàng giả. Họ cạnh tranh giá như vậy nên công ty phân phối chính hãng không thể cạnh tranh bán hàng được, từ đầu năm đến nay công ty này thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng. Còn người tiêu dùng rất khó phân biệt được hàng thật hàng giả và chỉ đến khi mua về sử dụng 1 thời gian thì mới vỡ lẽ .
Khi đó, khách hàng mang sản phẩm đến công ty để bảo hành, hoặc khiếu nại thì khách hàng cũng đành ngậm ngùi. Còn về phía công ty thì cũng không biết kiện ai và kiện như thế nào khi hàng mình đang phân phối bị làm giả?
Ông Trí bức xúc: “Đây là câu chuyện bức xúc mà không chỉ riêng tôi mà hàng ngàn doanh nghiệp đang bị. Online bán hàng giả, sập giá giả, bây giờ cơ quan nhà nước cũng không biết căn cứ vào điều luật nào để thực thi. Hãy cho chúng tôi biết, luật và điều luật nào với mô hình bán hàng online giả, phi thương thương mại thì khi khiếu kiện tôi bám vào đó tôi kiện”. Theo Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM thì đầu năm đến nay có hơn 20 trường hợp người tiêu dùng khiếu nại về mua hàng trên mạng chất lượng không như quảng cáo, mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng... Các trường hợp khiếu nại nhiều là mua hàng tiêu dùng trong gia đình.
Đối với các sàn thương mại, website của doanh nghiệp có đăng ký với cơ quan chức năng thì hiệp hội còn có địa chỉ, xác định được pháp nhân để liên hệ làm việc, còn những địa chỉ bán hàng của cá nhân trên mạng không đăng ký với các cơ quan chức năng thì không thể khiếu nại, khiếu kiện vì không biết được địa chỉ thật, không xác định được pháp nhân của người bán hàng. Một số trường hợp sau khi bán hàng xong, bị phản hồi tiêu cực ngay lập tức họ khóa ngay tài khoản.
Trong trường hợp Hiệp hội tiếp cận được thì thiếu cơ sở pháp lý để làm việc. Bởi, họ bán hàng không có phiếu giao hàng và nhận tiền mặt. Hiệp hội chỉ biết vịn vào luật khiếu nại và tố cáo để đấu tranh. Bởi vậy, theo các ngành chức năng và doanh nghiệp thì để cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả hiệu quả hơn thì cần bổ sung và hoàn thiện pháp luật về chống hàng giả, hàng nhái, trong đó có hành vi bán hàng giả thông qua bán hàng online; cần trao thêm quyền cho các cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm, tăng mức xử phạt.
Ngành chức năng cần điều chỉnh các quy định trong quản lý mạng xã hội, trong đó Bộ Công Công thương cũng nên ra siết chặt quy định quản lý bán hàng online. Nếu ai đưa hàng lên mạng bán thì phải đăng ký, nếu không thì sẽ bị xử lý.
Ông Ngô Bách Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM cho rằng: “Hiện nay bán hàng trên mạng chưa có cơ chế quản lý nào, cho nên chúng tôi cũng rất nhức đầu khi xử lý các trường hợp khiếu nại, khiếu kiện. Bán hàng trên mạng điện tử hiện nay không có ai bảo vệ người tiêu dùng”.
Trước tình trạng này, sắp tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ triển khai trang website để kết nối giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan chức năng để thông tin, phản ánh những trường hợp hàng gian, hàng giả.
Ông Trần Văn Dũng, đại diện Tổng Cục Quản lý thị trường tại TP.HCM cho biết: “Tổng cục đang làm báo cáo điện tử hàng ngày, hàng giờ toàn ngành. Sắp tới chúng tôi triển khai, khi ở bất cứ địa phương nào có đoàn, đội đi kiểm tra trong đó có kiểm tra hàng giả, khi kiểm tra thì sẽ đưa thông tin lên mạng nội bộ lãnh đạo cục ở các địa phương, Tổng cục sẽ nắm được tình hình cả nước và sẽ phân tích tình hình nguy cơ cũng từng nhóm hàng để có những chỉ đạo kịp thời”.
Rõ ràng, chống hàng gian, hàng giả là cuộc chiến gian nan nên không chỉ đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của cả doanh nghiệp, người tiêu dùng, cơ quan chức năng và cần khung pháp lý được cập nhật bổ sung cho phù hợp thực tiễn, mà đặc biệt là phải có cơ chế giám sát việc thực thi một cách nghiêm minh, ngăn chặn tiếp tay, bao che cho hàng gian, hàng giả.
Chi tiết trên VOV
Lệ Hằng