Hà Nội, Thứ Tư Ngày 24/04/2024

Trường đại học sư phạm Hà Nội 2: Sai phạm đang thách thức dư luận!

BÁO PHÁP LUẬT VN 10:59 19/11/2020

Không chỉ sai phạm trong việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ trong đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 có dấu hiệu sai phạm hàng loạt vụ việc trái với quy định.

Tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng anh chui

Ngày 07/11 vừa qua, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức bảo vệ luận văn thạc sĩ khóa 2018 -2020 cho 67 học viên ở nhiều tỉnh thành khu vực phía Bắc.

Trước đó, ngày 19/9 trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng bảo vệ luận văn cho 19 thạc sĩ chuyên ngành quản lý giáo dục.

Tháng 7/2020 trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng tổ chức trao 6 bằng tiến sĩ và 183 bằng thạc sĩ cho 189 người.

Trường đại học sư phạm Hà Nội 2: Sai phạm đang thách thức dư luận!

Học viên bảo vệ luận văn thạc sĩ ngày 7/11/2020 tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 (Ảnh Hoài Nam)

Theo chương trình đào tạo thạc sĩ, chuẩn đầu ra tiếng anh là chứng chỉ A2, còn tiến sĩ chuẩn đầu ra là chứng chỉ B2, theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Có nghĩa để bảo vệ luận văn thạc sĩ, học viên phải có chứng chỉ tiếng anh A2, còn tiến sĩ là phải đạt chứng chỉ B2, đây là quy định khắt khe của Bộ GD&ĐT, bởi không phải trường nào cũng được tổ chức dạy và thi chứng chỉ A2, B2. Cũng theo quy định, chỉ học viên nào tốt nghiệp đại học sư phạm ngoại ngữ mới được miễn thi chứng chỉ A2, B2.

“Không phải học viên hay NCS nào cứ học là thi được chứng chỉ A2 và B2, nhất là môn tiếng anh cần có cả năng khiếu. Kể cả việc dạy của trường cũng khắt khe. Trong chương trình đào tạo thạc sĩ mất 2 năm, đào tạo NCS 4 năm. Trình độ tiếng anh bắt buộc phải đạt chứng chỉ A2 và B2 nên có không ít học viên và NCS rất lo sợ môn học này. Vì vậy có học viên muốn học thạc sĩ nhưng khả năng về tiếng Anh có hạn, phải chọn trường dễ dãi trong việc dạy và cấp chứng chỉ A2 và B2 để học…” – một giảng viên đại học cho biết.

Sử dụng công văn thay thế thông tư

Tại sao trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 vẫn ngang nhiên tổ chức thi và cấp chứng chỉ B2, A2 cho hàng trăm học viên thạc sĩ và hàng chục NCS?. Trên chứng chỉ ghi rõ “theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam”.

Trường đại học sư phạm Hà Nội 2: Sai phạm đang thách thức dư luận!

Trường đại học sư phạm Hà Nội 2: Sai phạm đang thách thức dư luận!

Mặc dù không được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ cho học viên và NCS, nhưng PGS.TS Nguyễn Quang Huy vẫn tổ chức thi và cấp chứng chỉ cho học viên (Ảnh Hoài Nam)

Tháng 4/2017 trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 gửi công văn số 232/ĐHSPHN2-SĐH ngày 13/4/2017 hỏi vệc đào tạo và cấp chứng chỉ ngoại ngữ cho người học các chương trình đào tạo và bồi dưỡng của nhà trường.

Từ công văn hỏi của trường đại học Sư phạm Hà Nội 2, ngày 05/5/2017 Bộ GD&ĐT có công văn số 1885/BGDĐT-GDĐH, do vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng ký phúc đáp ý kiến như sau: “Theo quy định của Điều lệ trường đại học hiện hành, các trường đại học được cấp chứng chỉ đã hoàn thành các phần học thuộc chương trình đào tạo cấp văn bằng ở các trình độ mà nhà trường đã được phép đào tạo và cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn do nhà trường xây dựng, ban hành phù hợp với các quy đĩnh của pháp luật. trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo ngành các ngành ngôn ngữ (tiếng Trung, tiếng Anh và sư phạm tiếng Anh) trình độ đại học, một số ngành đạo tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Như vậy, nhà trường được tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ của trường theo chuẩn đầu ra của học phần, hoặc của các chương trình đào tạo trên theo quy định hiện hành đối với sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh của nhà trường”.

Dựa vào công văn trên, trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 “hợp thức hóa” để tổ chức học và cấp chứng chỉ A2, B2 cho học viên và NCS của trường.

Tuy nhiên, theo công văn số 1885/BGDĐT-GDĐH ngày 05/5/2017, chỉ áp theo quy định hiện hành, có nghĩa tính đến thời điểm tháng 5/2017. Còn sau khi có Nghị định hoặc Thông tư hướng dẫn, thì văn bản trên không còn giá trị.

Để đánh giá ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Ngày 29/9/2017 Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 23/2017/TTBGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/11/2017. Theo thông tư 23, thì tất cả các trường muốn tổ chức học và cấp chứng chỉ A2, B2 phải tuân thủ theo thông tư 23. Tức là phải có đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chấm thi, cán bộ ra đề thi, cán bộ phân tích dữ liệu thi, cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên, đáp ứng các yêu cầu về số lượng, trình độ để tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ…

Trường đại học sư phạm Hà Nội 2: Sai phạm đang thách thức dư luận!

Danh sách 14 trường đủ điều kiện được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức thi và cấp chứng chi A2, B2

Như vậy, công văn số 1885/BGDĐT-GDĐH ngày 05/5/2017 của Bộ GD&ĐT trả lời trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 không còn giá trị, tức trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 muốn tổ chức học và cấp chứng chỉ A2, B2 phải tuân thủ Thông tư 23/2017. Căn cứ Thông tư 23 tính đến thời điểm này, trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 không đủ điều kiện được tổ chức thi và cấp chứng chỉ A2, B2.

Đặc biệt, năm 2019 Bộ GD&ĐT thông báo có 8 đơn vị được tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam theo Thông tư 23, trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 không có tên. Năm 2020 Bộ GD&ĐT thông báo bổ sung 14 đơn vị được tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, thì trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 cũng không có tên.

Thế nhưng, trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 vẫn tổ chức thi và cấp chứng chỉ A2, B2 cho hàng trăm học viên bảo vệ luận văn thạc sĩ và NCS học tại trường.

Rõ ràng, trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 cố tình không tuân thủ Thông tư 23/2017/ TTBGDĐT ngày 29/9/2017, có hiệu lực từ ngày 15/11/2017.

Có bằng thạc sĩ, và tiến sĩ nhưng trình độ tiếng anh không đạt

Để tìm câu trả lời trường Đại học sư phạm Hà Nội 2, không đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, thì bằng thạc sĩ và tiến sĩ mà học viên và NCS bảo vệ thành công thì như thế nào?. Một giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM cho biết, nếu trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 không được phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ cho học viên và NCS, mà vẫn tổ chức thi và cấp chứng chỉ, thì bằng thạc sĩ và tiến sĩ vẫn được sử dụng rộng rãi, nhưng về ngoại ngữ thì không đạt. Để kiểm tra trình độ ngoại ngữ của học viên và NCS đã được trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 cấp bằng, cần phải thành lập hội đồng kiểm tra trình độ ngoại ngữ của học viên và NCS đã bảo vệ ở đây, có đủ với điều kiện theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hay không.

Link gốc : https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/truong-dai-hoc-su-pham-ha-noi-2-sai-pham-dang-thach-thuc-du-luan-14243/?fbclid=IwAR2wYcb7jWoMqsg6-IPYRvMqMAIPhRZUNcz-qOKi-9QTRYjQhS1iv3p2fgE

Bạn đang đọc bài viết Trường đại học sư phạm Hà Nội 2: Sai phạm đang thách thức dư luận! tại chuyên mục Khiếu nại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Khiếu nại