Trong tình hình dịch bệnh Covid - 19 đang diễn biến phức tạp và việc áp dụng nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã xây dựng kế hoạch và tiến hành khảo sát online trên phạm vi cả 3 miền (Bắc, Trung, Nam) đối với một số mặt hàng lưu thông thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ như: Đồ chơi trẻ em, điện-điện tử, mũ bảo hiểm, dầu nhờn động cơ đốt trong, LPG trên các Website thương mại điện tử, kinh doanh online với các quy mô khác nhau.
Khuyến cáo người tiêu dùng lưu ý khi mua bán online trong bối cảnh dịch Covid -19 phức tạp |
Đại dịch Covid-19 cùng những yêu cầu về giãn cách, phong tỏa, hạn chế tiếp xúc đã làm doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm hơn đến mua sắm trực tuyến. Chính vì vậy, nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn mua sắm trên các nền tảng trực tuyến (mua sắm online), thay vì tới các cửa hàng, siêu thị... để tránh chỗ đông người. Đứng trước nhu cầu đó, các siêu thị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng đã chuyển đổi phương thức kinh doanh từ truyền thống sang bán hàng online. Chỉ cần vài thao tác đơn giản, người tiêu dùng có thể chọn mua cho mình mọi thứ, từ đồ ăn, chăm sóc sức khỏe đến máy móc, thiết bị điện tử... một cách tiện lợi, nhanh chóng mà đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh.
Hiện nay trên mạng internet có rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn hình thức kinh doanh online khác nhau, điều này cho thấy được sự đa dạng về chủng loại hàng hoá và sự phát triển ngày càng sâu rộng của loại hình kinh doanh qua thương mại điện tử và online. Loại hình kinh doanh này giúp cho người tiêu dùng không phải đến trực tiếp cửa hàng, siêu thị để tránh lây nhiễm dịch bệnh, ngoài ra có nhiều cơ hội lựa chọn các sản phẩm từ các nhà cung cấp, thương mại khác nhau, phương thức thanh toán trực tuyến cũng giúp việc mua bán thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, qua khảo sát online đối với 433 mẫu của 79 cơ sở, có 243/433 mẫu không quan sát được nhãn hàng hóa (chiếm tỷ lệ 56,12%), 345/433 mẫu không quan sát thấy dấu CR (chiếm tỷ lệ 79,7%). Kết quả khảo sát online cũng cho thấy, phần lớn các cơ sở được khảo sát online chưa truyền tải đầy đủ thông tin về hàng hóa (nhãn hàng hóa, dấu hợp quy…) lên hàng hóa được bán trên các website, do đó nên việc khảo sát online gặp khó khăn để xác định các thông tin về hàng hóa có đáp ứng theo quy định của pháp luật hay không.
Những cơ sở đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về ghi nhãn hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Nhãn hàng hóa và Quy chuẩn kỹ thuật tương ứng thì chiếm số lượng nhỏ. chính vì vậy người tiêu dùng khó có thể xác định đầy đủ, chính xác các thông tin về hàng hóa, dịch vụ dẫn đến có thể gây khó khăn, hiểu nhầm khi tiến hành các giao dịch để mua hàng hóa đó.
Qua kết quả khảo sát online, các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa trên các trang thương mại điện tử, kinh doanh online cần lưu ý đưa đầy đủ các thông tin về hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử.
Mặt khác, người mua hàng cũng nên thận trọng khi đưa ra các quyết định mua sắm của mình để tránh các trường hợp bị lừa đảo qua mạng, theo đó, người dân cần lựa chọn những trang bán hàng uy tín để giao dịch, tìm hiểu kỹ về thông tin sản phẩm như giá thành, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ... để đảm bảo quyền lợi của chính mình. Bên cạnh đó, khi thực hiện thanh toán trực tuyến cũng nên thận trọng để không bị lộ thông tin. Ngoài ra, nên giữ lại hóa đơn khi đã nhận hàng để làm bằng chứng trong các trường hợp bảo hành, đổi trả, hoàn tiền...
Theo VietQ