Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Zalo tự động lấy dữ liệu từ bộ nhớ iPhone:Một số vấn đề pháp lý mà người dùng cần biết

TDVN 14:04 06/07/2020

Liên quan đến việc Zalo tự động lấy dữ liệu từ bộ nhớ iPhone ngay cả khi người dùng chưa cho phép, đồng ý, điều này khiến rất nhiều người dùng lo lắng đặt ra câu hỏi liệu hành vi này của Zalo...

Ảnh minh họa.

Khi mở Zalo, nhiều người dùng iOS 14 Beta nhận thấy máy hiện thông báo “Zalo pasted from…”, thể hiện ứng dụng đang lấy dữ liệu từ bộ nhớ tạm của máy.

Hệ điều hành mới của Apple có tính năng thông báo cho người dùng biết các nội dung đã được Sao chép và Dán từ ứng dụng nào sang ứng dụng nào. Trong quá trình Sao chép và Dán đó, nội dung sẽ được lưu trên bảng ghi tạm (clipboard) của máy.

Tuy nhiên với Zalo, thông báo trên hiện lên ngay cả khi người dùng chưa thực hiện lệnh “Dán” và lặp lại liên tục mỗi khi người dùng mở ứng dụng. Điều này khiến nhiều người dùng lo ngại, ứng dụng đã tự động lấy dữ liệu trên clipboard của máy dù chưa được sự đồng ý.

Liên quan đến việc Zalo tự động lấy dữ liệu từ bộ nhớ ngay cả khi người dùng chưa cho phép, đồng ý này khiến rất nhiều người dùng lo lắng đặt ra câu hỏi liệu hành vi này của Zalo có vi phạm pháp luật không? Họ cần làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp này?

Hành vi tự động lấy dữ liệu từ bộ nhớ iPhone của Zalo là vi phạm pháp luật

Luật sư Vũ Văn Biên, Trưởng Chi nhánh Văn phòng Luật sư An Phước cho rằng, hành vi tự động lấy dữ liệu từ bộ nhớ iPhone của Zalo là hành vi vi phạm pháp luật bởi những vấn đề sau:

Thứ nhất, với việc hành vi này, Zalo đã đang vi phạm vào các quyền và nghĩa vụ của Zalo đối với khách hàng khi sử dụng dịch vụ của Zalo. Căn cứ điều khoản sử dụng của Zalo tại khoản a, điểm 3 Điều 7 quy định quyền truy cập và thu thập thông tin, theo đó, cho phép Zalo được quyền Ghi dữ liệu của Ứng dụng lên thẻ nhớ.

Tuy nhiên, cũng tại điều khoản này cũng khẳng định rất rõ: “Tất cả các truy cập này, đều được chúng tôi thực hiện sau khi có sự đồng ý của bạn, vì vậy bạn cam kết và thừa nhận rằng, khi bạn cung cấp quyền cho chúng tôi, bạn sẽ không có bất kỳ khiếu nại nào đối với VNG về việc truy cập này” (nội dung điều khoản sử dụng app Zalo tại địa chỉ đường link: http://zaloapp.com/zalo/dieukhoan/).

Điều khoản sử dụng của Zalo.

Để ghi được dữ liệu thì Zalo phải có sự xác nhận hợp lệ từ phía người dùng hoặc người dùng có thể copy (bôi đen) và sau đó paste lại vào một ứng dụng khác. Nên nhớ rằng tất cả những hành vi này phải có sự xác nhận hoặc bằng hành vi copy – paste (từ cú kích chuột thực, không phải là kích “chuột ảo” – kích chuột ảo là do máy tự động thực hiện hoặc do một người khác tác động không phải người đang sử dụng trực tiếp tác động). Với việc tự động copy – paste không theo một sự đồng ý của khách hàng, tự động copy và paste từ bất cứ một bộ nhớ, bộ lưu trữ dữ liệu trên máy điện thoại cho thấy, Zalo đã và đang vi phạm vào điều khoản quy định, cam kết đối với khách hàng sử dụng ứng dụng phần mềm Zalo. Việc tự động sao chép, dán mà không cho người sử dụng biết tự động dán vào đâu sẽ tạo nên sự nghi ngờ về việc đánh cắp dữ liệu, về mức độ bảo mật của ứng dụng Zalo, Luật sư Biên nói.

Thứ hai, xuất phát từ hành vi tự động sao chép từ các bộ nhớ trên điện thoại cho thấy, Zalo đã đang có hành vi vi phạm pháp luật khi ký kết, cam kết chạy trên nền tảng của các hệ điều hành như IOS hoặc Android…

Zalo là phần mềm chạy trên nền tảng của IOS, nhưng không phải là phần mềm do Apple sáng chế hay nói đúng hơn nó không phải là sản phẩm của các hãng khác. Theo quy định của Apple đối với các phần mềm ứng dụng, đối với các phần mềm do hãng làm ra, họ được quyền truy cập. Tuy nhiên, việc có được quyền sao chép hay không vẫn còn phụ thuộc vào người sử dụng có cho phép thực hiện lệnh copy – paste thông tin từ phần mềm này sang phần mềm khác, hoặc từ ứng dụng này sang ứng dụng khác như: sao chép từ Google vào Facebook hay như sao chép từ mục Ghi chú trên máy vào mục thanh tìm kiếm trên ứng dụng Zalo.

Luật sư Vũ Văn Biên
Trưởng Chi nhánh Văn phòng Luật sư An Phước
.

Theo Luật sư Biên, Zalo là một phần mềm của bên thứ ba chay trên nền tảng IOS, dựa vào sự tuân thủ thỏa thuận như đã cam kết. Như vậy cho thấy rõ, Zalo đang vi phạm vào quyền nghĩa vụ trách nhiệm giữa bên thứ ba chạy ứng dụng trên nền tảng IOS của Apple, tự động “xâm nhập” bất hợp pháp vào các bộ ghi nhớ tạm thời trên các điện thoại trên nền tảng hệ thống IOS.

Thứ ba, việc Zalo tự ý “copy – paste” một cách vô thức, không có “ý thức” từ người sử dụng điện thoại, người sử dụng ứng dụng, vô hình chung đã vi phạm pháp luật vào những quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể như sau:

– Vi phạm vào quyền được bí mật về thư tín, điện thoại theo khoản 2 Điều 21 Hiến pháp 2013. Hiến pháp 2013 đảm bảo mọi người được quyền bất khả xâm phạm về thư tín, điện thoại:

“Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”

– Vi phạm về quyền đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự 2015, tại các khoản 1, 2 và 3 như sau:

“1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định”.

Ngoài ra, hành vi của Zalo còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” được quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015.

Điều 159. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;
b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;
c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;
d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;
đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;
đ) Làm nạn nhân tự sát.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Bằng việc “tự động paste” của Zalo trên các ứng dụng điện thoại, mà không được phép khi chưa có sự đồng ý của chính người sử dụng cũng như người sử dụng chưa nhấn câu lệnh để cho phép copy – paste mà phía Zalo đã tự ý sao lưu vào các phần mềm ứng dụng của mình một cách không hợp pháp. Luật sư Biên cho rằng, với hành vi này, Zalo đã vi phạm vào các điều khoản đã ký kết với người dùng, vi phạm vào việc sao chép bất hợp pháp từ các bộ lưu trữ tạm thời của bên cấp quyền cho phép ứng dụng chạy trên nền tảng kỹ thuật số, vi phạm vào những điều khoản tại Hiến pháp 2013 và Bộ luật Dân sự 2015.

Theo Luật sư Việt Nam

Link gốc : https://lsvn.vn/zalo-tu-dong-lay-du-lieu-tu-bo-nho-iphone-mot-so-van-de-phap-ly-ma-nguoi-dung-can-biet-de-bao-ve-quyen-loi-ich-cua-minh.html

Bạn đang đọc bài viết Zalo tự động lấy dữ liệu từ bộ nhớ iPhone:Một số vấn đề pháp lý mà người dùng cần biết tại chuyên mục Bảo vệ người tiêu dùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bảo vệ người tiêu dùng