Chia sẻ với báo giới, Chủ tịch VietcomBank Nghiêm Xuân Thành cho biết, năm 2020 vừa qua cả nền kinh tế thế giới và trong nước đều phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tại thị trường trong nước, nền kinh tế còn phải đối mặt với khó khăn kép khi vừa ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vừa chịu tác động tiêu cực của tình hình thiên tai, bão lũ, xâm nhập mặn.
Tuy nhiên, GDP trong nước năm vừa qua vẫn tăng 2,91% so với năm 2019. Theo Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành, dù chỉ tiêu này thấp hơn nhiều so với những năm trước và mục tiêu cả năm đề ra, nhưng trong bối cảnh khó khăn chung thì đây vẫn là con số tích cực và là điểm sáng của kinh tế khu vực cũng như thế giới.
Riêng với VietcomBank, ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn do tình hình kinh tế chung bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, nhà băng vẫn ghi nhận nhiều điểm tích cực trong năm 2020.
Thứ nhất, đến hết năm 2020, tăng trưởng tín dụng của VietcomBank đạt 13,95%. So với mức tăng trưởng tín dụng bình quân của nhóm ngân hàng quốc doanh là hơn 8%, mức tăng trưởng gần 14% của Vietcombank cũng cao hơn rất nhiều.
Phần tín dụng được đẩy mạnh trong những ngày cuối năm (thêm 0,4 điểm phần trăm kể từ ngày 9/12), theo ông Nghiêm Xuân Thành, là do nhu cầu vốn theo mùa vụ và tốc độ giải ngân của ngân hàng tăng nhanh dịp cuối năm.
Với mức tăng này, VietcomBank trở thành nhà băng có quy mô tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống với gần 110.000 tỷ đồng cho vay mới trong năm vừa qua.
Thứ hai, VietcomBank đã 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trong năm vừa qua, nhiều nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đặc biệt, theo Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành, dù VietcomBank đã 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trong năm vừa qua, khiến lợi nhuận giảm khoảng 3.700 tỷ, nhưng ngân hàng vẫn giữ được mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất tương đương năm 2019, đạt trên 23.000 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên trong 5 năm lợi nhuận của VietcomBank không tăng nhưng VietcomBank vẫn là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống.
Năm đầu tiên trong 5 năm lợi nhuận của Vietcombank không tăng nhưng VietcomBank vẫn là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống.
"Hiện nay định hướng của VietcomBank là giảm lãi suất đầu vào để có cơ sở giảm lãi suất đầu ra. Ngân hàng hiện cũng là đơn vị có quy mô vốn giá rẻ lớn nhất thị trường, tạo tiền đề cho việc giảm tiếp lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp", Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành khẳng định.
Thứ 3, nộp ngân sách lớn nhất trong số các tổ chức tín dụng và là doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước lớn nhất số tiền 9.000 tỷ đồng.
Bốn là, tỷ lệ nợ xấu được ngân hàng kéo xuống mức thấp nhất trong lịch sử, cũng là mức thấp nhất toàn ngành với chỉ 0,6% trên tổng dư nợ.
Ngân hàng cũng tăng mạnh quỹ dự phòng rủi ro, với tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đến cuối năm 2020 đạt tới 380% - tức mỗi 100 đồng nợ xấu thì có 380 đồng dự phòng - con số cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.
Cuối cùng, giá cổ phiếu VCB lần đầu tiên vượt mốc 100.000 đồng/cp (chốt phiên giao dịch ngày 6/1, VCB đứng ở mức 105.000 đồng/cp).
Với việc giá cổ phiếu VCB lên trên 100.000 đồng/cp, VietcomBank cũng trở thành doanh nghiệp có vốn hóa thị trường cao nhất trên sàn chứng khoán với gần 390 nghìn tỷ đồng (16 tỷ USD), vượt Vingroup.
Trong phiên giao dịch sáng nay (7/1), cổ phiếu VCB của VietcomBank vẫn tiếp tục tăng mạnh lên 107.500 đồng/cp, tương ứng tăng 2,29% so với phiên liền trước.
Như vậy, chỉ sau 4 phiên tăng điểm liên tiếp đầu năm 2021, thị giá của VCB đã tăng tới gần 10% so với chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020.