Duy nhất 1 ngân hàng lên sàn giao dịch trong năm 2019
Quyết định 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng TMCP theo hướng đến hết năm 2020, 100% ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức.
Thật ra, giải pháp trên cũng tương ứng với mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8/2018. Theo đó cũng yêu cầu đến 2020 là hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Thế nhưng năm 2019 chỉ chứng kiến trường hợp lên sàn duy nhất là VietBank (VBB). Cuối tháng 7/2019, cổ phiếu VBB của VietBank đã được chính thức giao dịch trên sàn UPCoM.
Khối lượng chứng khoán đăng ký giao dịch là hơn 419 triệu cổ phiếu, tương đương với vốn điều lệ 4.190 tỷ đồng. Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 15.000 đồng/cp, tương đương với mức định giá 6.285 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tháng 11 vừa qua, HOSE thông báo đã nhận được hồ sơ đăng kí niêm yết lần đầu 1.175 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritimebank, MSB). Nhưng cho tới thời điểm hiện tại thời gian niêm yết chính thức của MSB vẫn bị bỏ ngỏ.
Như vậy, trong số 34 ngân hàng hiện nay, chỉ mới có 18 ngân hàng, tương đương tỷ lệ hơn 50% là đã chính thức lên sàn, bao gồm:
10 ngân hàng niêm yết trên HoSE là BIDV (BID), VietinBank (CTG), Eximbank (EIB), HDBank (HDB), MBB, Sacombank (STB), Techcombank (TCB), TPBank (TPB), Vietcombank (VCB) và VPBank (VPB).
3 ngân hàng trên HNX là ACB, NCB và SHB; 5 ngân hàng trên UPCoM là BAB, KLB, LPB, VIB và VietBank (VBB).
Như vậy còn đến 16 ngân hàng (tính luôn 3 ngân hàng bị mua lại 0 đồng) vẫn chưa niêm yết.
Nhiều ngân hàng hứa rồi lại thất hứa
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2019, nhiều ngân hàng đã có kế hoạch rục rịch lên sàn cho đúng với lộ trình yêu cầu.
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) thông báo với các cổ đông sẽ niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đã phát hành lên sàn HoSE và tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2019.
Tuy nhiên, năm 2019 sắp đi qua nhưng Nam A Bank vẫn chưa có động thái nào liên quan đến việc chuẩn bị đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán mà thay vào đó là những lùm xùm liên quan đến tranh chấp cổ phần trong gia đình Chủ tịch HĐQT Nguyễn Quốc Toàn.
Trong ĐHĐCĐ ABBank 2019, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT cho biết ngay sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phiếu chia cổ tức 7,4% của năm 2017, ngân hàng sẽ tiến hành chốt danh sách cổ đông để lưu kí tập trung toàn bộ cổ phiếu tại Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và nộp hồ sơ niêm yết cho Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE).
Tháng 7 vừa qua, ABBank đã hoàn tất phát hành hơn 39 triệu cổ phiếu để chia cổ tức tuy nhiên đến nay vẫn chưa có bất kì thông tin nào cho thấy ngân hàng này chuẩn bị thủ tục niêm yết trên sàn chứng khoán.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại SeABank. Trong ĐHĐCĐ thường niên 2019, SeABank đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE thay vì lên UPCoM như hồ sơ đã nộp trong năm 2018 với thời gian dự kiến niêm yết trong khoảng từ 2019 – 2020.
Trong thời gian chưa niêm yết HOSE, SeABank sẽ ủy quyền cho HĐQT xem xét, quyết định việc đăng kí giao dịch trên UPCoM trong trường hợp cần thiết hoặc theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Một số ngân hàng đã bỏ lỡ kế hoạch niêm yết trong năm 2018 và tiếp tục lại làm cổ đông thất vọng thêm lần nữa khi không hề có động tĩnh trong năm nay có thể kể đến Ngân hàng Phương Đông (OCB), Ngân hàng Nam Á (NamABank). Ngoài ra, các ngân hàng có kế hoạch chuyển từ sàn UPCoM sang HOSE cũng lỡ hẹn trong năm nay là VIB và LPB.
Nhìn lại quá khứ, những năm qua, dù nhà điều hành luôn kêu gọi và chính bản thân các ngân hàng cũng đặt ra kế hoạch niêm yết, nhưng thực tế như thế nào thì chúng ta cũng đã thấy rõ.
Các mốc kế hoạch luôn bị bỏ lỡ, trì hoãn, hứa hẹn vì những lý do khách quan lẫn chủ quan. Gần đây nhất như năm 2018 vừa qua, cũng có một lượng lớn nhà băng lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, nhưng cuối cùng chỉ 3 ngân hàng giữ đúng cam kết là Techcombank, HDBank và TPBank.
Vì sao cứ chậm niêm yết?
Việc chậm niêm yết đến từ nhiều lý do, về khách quan, lý do quen thuộc vẫn là vì thị trường chứng khoán diễn biến không thuận lợi, dòng tiền yếu và thanh khoản ảm đạm. Trong bối cảnh đó, nếu lên sàn e rằng không thành công hoặc giá niêm yết sẽ không cao như kỳ vọng, gây khó khăn cho lộ trình gọi thêm vốn.
Trên thực tế, Techcombank và TPBank ngay sau khi niêm yết trên HOSE hồi giữa năm 2018 cho đến nay đều chứng kiến giá cổ phiếu giảm mạnh, một phần do thị trường đi xuống.
Riêng cổ phiếu Techcombank giảm tới gần 28% chỉ sau 3 ngày chào sàn, còn TPBank cũng giảm gần 16% sau 1 tháng niêm yết trên HOSE.
Về yếu tố chủ quan, nhiều ngân hàng chưa sẵn sàng, chưa chuẩn bị kỹ càng cho lộ trình niêm yết hoặc thậm chí vẫn “cù cưa” chưa muốn lên sàn. Đầu tiên, nhóm ngân hàng này vẫn đang trong lộ trình tái cơ cấu, các tồn tại chưa khắc phục xong nên chưa thể lên sàn.
Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia, những ngân hàng có thông tin tài chính như khả năng sinh lời thấp, nợ xấu cao, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ sẽ khó thu hút được nhà đầu tư, gây ảnh hưởng tới kế hoạch lên sàn.
Việc lên sàn trong năm 2020 đã là lộ trình bắt buộc, khi thực tế đây là con đường để cải thiện sự minh bạch, tiếp cận các cơ hội nâng cao năng lực tài chính, mở rộng tín dụng… nên những ngân hàng còn lại không thể mãi chần chừ.