Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Nghi vấn Vinalines đang lợi dụng lỗ từ tàu biển?

KHOA HỌC ĐỜI SỐNG 18:24 10/03/2021

Là doanh nghiệp đại diện cho ngành hàng hải cả nước, nhưng Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines, nay là VIMC - MCK: MVN) lại rất “lận đận”

với những vấn đề, dự án liên quan đến tàu biển. Chính xác hơn, tàu biển và dịch vụ vận tải biển đang "dìm" VIMC thua lỗ, bào mòn vốn điều lệ của công ty.

Tàu biển: Càng "bơi" càng lỗ

Sau các bê bối thua lỗ và tham ô, Vinalines đã thực hiện Đề án Tái cơ cấu giai đoạn 2013 - 2015. Tháng 8/2020, Vinalines chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, đổi tên thành VIMC (Vietnam Maritimes Corporation) kể từ ngày 27/8/2020.

Trước đó, do khó khăn và không còn khả năng tiếp tục hoạt động, VIMC đã thực hiện giải thể một số công ty con, thoái vốn tại các doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, VIMC xác định được đội tàu chính là “khối u” cần được cắt bỏ của công ty. VIMC đã quyết định tinh gọn, biên chế lại đội tàu. Một loạt tàu già được thanh lý, rao bán. Các dự án đóng mới hơn 20 tàu phải dừng lại.

Đến nay, việc thanh lý tàu của VIMC vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khi mà chi phí để thanh lý luôn vượt quá mức thu về gấp nhiều lần.

Chẳng hạn, trong 6 tháng đầu năm 2020, VIMC phải bỏ ra 17,2 tỷ đồng tiền chi phí thanh lý tổng đoạn thân tàu HB-02/03 và BV12, nhưng tiền thu về từ khoản thanh lý dự án này chỉ vỏn vẹn 2,4 tỷ đồng.

Liên tục từ năm 2015 đến nay, hoạt động kinh doanh của VIMC không có nhiều thuận lợi, khi doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm dần đều. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VIMC luôn ghi nhận giá trị âm. Công ty phải trông cậy vào các khoản thanh lý tài sản, xin xoá nợ gốc và lãi vay tại các ngân hàng, bán nợ cho công ty mua bán nợ DATC và một số khoản thu nhập khác để thoát lỗ.

Tuy nhiên, những khoản thu nhập khác ngoài kinh doanh của VIMC không ổn định, tăng giảm thất thường nên cũng ảnh hưởng không ít đến lợi nhuận trước thuế của công ty.

Kết thúc năm 2020, kết quả kinh doanh của VIMC không có nhiều khả quan khi một loạt các chỉ số tăng trưởng đều ở giá trị âm. Tăng trưởng doanh thu thuần âm 9,74%. Lợi nhuận gộp đạt 1.731 tỷ đồng, giảm 1,4% so với cuối năm 2019. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng âm 78%. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, VIMC báo lỗ 181 tỷ đồng, giảm 143% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ sụt giảm sâu tới 494% so với năm 2019.

Theo lãnh đạo của VIMC, kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2020 là do quá trình thực hiện chuyển đổi từ Doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần. VIMC phải thực hiện trích lập các khoản dự phòng phải thu khó đòi và hàng tồn kho, cũng như phân bổ lợi thế kinh doanh theo quy định. Do đó, khoản mục chi phí quản lý doanh nghiệp của VIMC tăng đột biến, hơn gấp đôi năm ngoái, từ 920 tỷ đồng lên 1.911 tỷ đồng (tăng đặc biệt hơn 1.500 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2020).

Nhấn mạnh rằng, số hàng hoá tồn kho có giá trị lên tới 705 tỷ đồng của VIMC chủ yếu là các tàu già cần thanh lý, không còn sử dụng được nữa. Vì vậy, VIMC phải trích lập 299 tỷ đồng dự phòng giảm giá cho những con tàu này. Tại thời điểm cuối năm 2020, VIMC thông báo lỗ lũy kế 3.169 tỷ đồng.

Có tiền vẫn không trả nợ

Sau Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, nợ phải trả của VIMC đã giảm nhanh chóng từ 67.550 tỷ đồng trong năm 2013 xuống còn 23.981 tỷ đồng trong năm 2016. Đến ngày 31/12/2020, tổng số nợ phải trả của VIMC chỉ còn 15.056 tỷ đồng.

Có được kết quả trên là nhờ những đàm phán tích cực với phía các ngân hàng chủ nợ. Mà theo đó, nhiều khoản nợ gốc và lãi vay tại các ngân hàng đã được xoá.

Ngoài một số khoản hơn 100 tỷ đồng mua chịu tài sản thanh lý từ các ngân hàng như Vietcombank chi nhánh Hải Phòng, ngân hàng TMCP Bảo Việt, hiện nay VIMC còn vay nợ tài chính từ ngân hàng, các quỹ và công ty khác khoảng 6.730 tỷ đồng. Hầu hết các khoản vay của VIMC đều là vay tín chấp với lãi suất thấp.

Một số hợp đồng vay vốn được VIMC sử dụng các đội tàu và dự án đóng tàu mới làm tài sản đảm bảo. Trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là chủ nợ lớn nhất của VIMC với hơn 3.500 tỷ đồng tại thời điểm năm 2020.

Thực tế, dù kinh doanh yếu kém, lỗ luỹ kế âm cả vào vốn, nhưng VIMC lại có khoản tiền mặt rất dồi dào tới hơn 2.100 tỷ đồng, chủ yếu được gửi tại ngân hàng để có thu nhập lãi, giúp duy trì hoạt động kinh doanh của công ty.

Tính đến ngày 31/12/2020, VIMC gửi ngân hàng không kỳ hạn 970 tỷ đồng và có 1.125 tỷ đồng gửi ngân hàng có kỳ hạn từ 1- 3 tháng. Nhờ những khoản tiền này, VIMC thu về hàng trăm tỷ đồng lãi tiền gửi.

Tiền mặt nhiều, thanh khoản dồi dào, nhưng VIMC vẫn nợ như “chúa chổm” và không có ý định thanh trả những khoản nợ cũ, mà chỉ tích cực đàm phán xin cơ cấu lại nợ, cũng như xoá lãi và nợ gốc.

Để hợp thức hóa những khoản tiền dư dả trong công ty, VIMC đã thực hiện bút toán tăng các chi phí khấu hao tài sản cố định, chủ yếu là khấu hao của các phương tiện vận tải là tàu biển lên hơn 1.000 tỷ đồng trong năm.

Một công ty hàng hải vay vốn nhiều nghìn tỷ đồng để đóng 154 con tàu nhưng không được đưa vào khai thác hiệu quả. Một loạt tàu già nằm im, hoen gỉ chờ thanh lý lỗ. Vốn của Nhà nước bị chiếm dụng, đóng băng. Trong khi đó, VIMC tiếp tục bỏ riêng hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cất đi để phục vụ chi phí khấu hao cho khối tài sản mất giá này. Tính đến cuối năm 2020, VIMC đã trích luỹ kế 14.900 tỷ đồng để trừ khấu hao cho những con tàu trên.

Chính vì vậy, không quá khó hiểu khi hoạt động kinh doanh thuần của VIMC trong suốt thập kỷ qua chỉ cho giá trị âm, nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty vẫn lớn, dương hàng nghìn tỷ đồng. Con số hàng nghìn tỷ đồng này đến từ số tiền mà VIMC trích ra là chi phí khấu hao cho các tàu biển của mình.

Rõ ràng, VIMC đã rất thành công trong việc chiếm dụng vốn nhà nước, vay tiền ngân hàng (trong đó có các khoản vay rất lớn từ VDB) đầu tư đóng tàu, sau đó báo lỗ, xin xoá giảm nợ và lãi. Đồng thời, có tiền nhưng không trả ngân hàng mà hạch toán vào chi phí khấu hao để nâng dòng tiền kinh doanh lên dương hàng nghìn tỷ đồng, từ đó có tiền đi gửi ngân hàng kiếm lãi tiền gửi. Dù có tiền, VIMC không trả nợ cho Nhà nước đồng thời chưa trả tàu như một biện pháp giảm nợ đối với Nhà nước.

Chưa kể, VIMC trong thời gian qua luôn chây ì nộp thuế và bị phạt chậm nộp, truy thu thuế hơn 785 triệu đồng. Năm 2019, VIMC cũng bị phạt chậm nộp và truy thu thuế hơn 1,2 tỷ đồng.

Đến nay, VIMC còn nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho nhân viên là 2,3 tỷ đồng và 8,7 tỷ đồng kinh phí công đoàn. Ngoài ra, hơn 973 tỷ đồng lãi vay vốn cũng chưa được VIMC chi trả, cũng như 89 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông cũng chưa được thực hiện.

Bạn đang đọc bài viết Nghi vấn Vinalines đang lợi dụng lỗ từ tàu biển? tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán