Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

Dịch Covid-19 có thể thồi bùng một cuộc chiến tiền tệ mới

TDVN 16:48 13/03/2020

Tờ The Australian Financial Review nhận định trong một bài báo: 'một giải pháp chính sách không phối hợp, làm kéo dài sự yếu kém về kinh tế và gây ra một cuộc chiến tiền tệ mới'.

Dịch Covid-19 có thể thồi bùng một cuộc chiến tiền tệ mới. (Nguồn: Financial Times)

Thế giới đã có hơn một thập kỷ, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, để chuẩn bị cho một cuộc suy thoái toàn cầu khác. Mặc dù vậy, mọi thứ dường như vẫn chưa sẵn sàng. Và giờ đây một cú sốc lớn hơn đã xuất hiện, dưới hình thái dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, vào đúng thời điểm mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bị chia rẽ bởi các tranh chấp thương mại.

Còn nhiều điều chưa biết về dịch Covid-19. Những gì mà thế giới đang chứng kiến cho thấy một cách ứng phó hiệu quả duy nhất của dịch bệnh, đó là tạo ra một nỗ lực đồng nhất cho mọi quốc gia trong việc kiểm soát và cách ly các nguồn gây bệnh. Tuy nhiên, kết quả mà hành động này mang lại là một cú sốc kinh tế toàn cầu quy mô lớn. Sự lây lan của dịch bệnh, bao gồm cả ở Mỹ, góp phần làm giảm đáng kể giá cổ phiếu và lợi suất trái phiếu toàn cầu trong tuần này.

"Nếu Covid-19 đe dọa đến nhu cầu nội địa, các ngân hàng trung ương sẽ phải sử dụng biện pháp cắt giảm lãi suất và các chính phủ sẽ phải cung cấp sự hỗ trợ về tài chính. Sẽ có một số biến động tiền tệ, tùy thuộc vào quốc gia nào bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng có rất ít nguyên nhân gây ra căng thẳng kinh tế toàn cầu", bài viết nhận định.

Cạnh tranh tiền tệ

Tại các khu vực giàu có của thế giới, đáng chú ý là Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) và Nhật Bản, tỷ lệ lãi suất đã dưới 0% và việc sử dụng các công cụ nới lỏng khác như mua sắm tài sản đã chạm ngưỡng giới hạn.

Ở Mỹ, lãi suất, vào thời điểm cuộc khủng hoảng bắt đầu, vẫn nằm trong khoảng từ 1,5 đến 1,75%, nhưng đã giảm 50 điểm cơ bản (0,5 điểm phần trăm). Các quốc gia như Mexico, với mức lãi suất 7% và Nga ở mức 6% có nhiều cơ hội để điều chỉnh hơn.

Sự bất cân xứng này là một minh chứng cho những gì mà cựu Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega đã từng gọi là “cuộc chiến tiền tệ”. Đây không phải là sự thao túng tiền tệ để đạt lợi thế cạnh tranh, nhưng khác biệt trong các chính sách tiền tệ đã dẫn đến những biện pháp tỷ giá ngoại hối sắc bén và các mối đe dọa trả đũa từ những quốc gia thua cuộc.

Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm tỷ lệ lãi suất, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) không thể thực hiện hành động tương tự, đồng USD sẽ có khả năng suy yếu hơn so với Euro và Yen.

Hành động giảm lãi suất khẩn cấp của Fed vào tuần trước và các hệ quả tất yếu đã khiến Yen, trong một thời điểm, tăng lên và chạm ngưỡng 101 Yen đổi 1 USD. Mức quy đổi này gây tổn thương lĩnh vực xuất khẩu của Nhật Bản, cũng như thúc đẩy mối đe dọa về các biện pháp can thiệp tiền tệ trong quá khứ. Đồng Yen có thể dễ dàng tăng giá hơn nữa nếu Mỹ tiếp tục giảm lãi suất về ngưỡng gần 0% và Euro cũng sẽ chịu chung kịch bản như vậy.

Tuy nhiên, việc tiếp tục cắt giảm lãi suất của Fed cũng bị giới hạn trong một không gian hẹp và trong khi, USD đang yếu đi so với Yen, thì ở một nơi khác, đồng bạc xanh lại đang tăng giá so với Ruble của Nga, đồng Peso của Mexico, đồng Rupee của Ấn Độ và một số loại tiền tệ khác. Đặc biệt là những đồng tiền bị ảnh hưởng bởi quyết định “bơm thêm dầu” của Saudi Arabia, khiến giá dầu đang bị giảm đi nhanh chóng.

Nỗ lực tìm giải pháp

Khi chính sách tiền tệ bị hạn chế, giải pháp thay thế sẽ là chính sách tài khóa. Tuy nhiên, sự sẵn sàng chấp nhận thâm hụt của các quốc gia cũng rất đa dạng và hoàn toàn khác nhau. Khu vực Eurozone và đặc biệt là Đức, thường rất miễn cưỡng trong việc tăng chi tiêu nhiều hơn.

Chính sách tài khóa, do đó, cũng đầy rẫy khả năng gây nên căng thẳng quốc tế. Thử tưởng tượng, nước Anh thiết lập một gói kích thích tài khóa lớn để phản ứng lại với dịch Covid-19, nhưng Liên minh châu Âu (EU) thì không. Các cuộc đàm phán thương mại Brexit, vốn đã rất khó khăn, sẽ càng trở nên “rối rắm” hơn nữa.

Chủ tịch Fed Jay Powell đã tích cực liên lạc với các ngân hàng trung ương của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), trước khi tuyên bố cắt giảm lãi suất vào cuối tuần trước. Ngay cả khi nỗ lực của ông không tạo ra một sự hợp tác cắt giảm lãi suất toàn cầu, thì điều quan trọng là nó đã cho thấy sự thống nhất của các ngân hàng trung ương vẫn được duy trì.

Theo bài viết, Fed nên mở rộng quy mô trao đổi tiền tệ với các ngân hàng trung ương khác để giúp các ngân hàng này đáp ứng nhu cầu về đồng USD, khi thanh khoản nội địa bị thiếu hụt. Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng cần tăng cường hành động, thúc giục các thành viên triển khai biện pháp kích thích tài khóa, cung cấp tiền mặt cho người lao động hay các doanh nghiệp hiện đang có nguy cơ mất khả năng thanh toán do nhu cầu suy giảm đột ngột.

“Không giống như cuộc khủng hoảng nợ năm 2008, cú sốc hiện nay không đến từ lĩnh vực tài chính, do đó ít mất ổn định hơn và có nhiều khả năng phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên, chỉ có một cách để đạt được điều đó trong nền kinh tế, như trong cuộc chiến trực tiếp chống lại dịch bệnh, đó là thế giới cần phải đẩy mạnh hợp tác”, bài viết khẳng định.

Theo Báo Quốc tế

Link gốc : https://baoquocte.vn/dich-covid-19-co-the-thoi-bung-mot-cuoc-chien-tien-te-moi-111399.html

Bạn đang đọc bài viết Dịch Covid-19 có thể thồi bùng một cuộc chiến tiền tệ mới tại chuyên mục Cần biết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cần biết