Tăng trưởng GDP toàn thế giới được dự báo sẽ giảm xuống còn 2,8% trong năm 2020, mà theo BofA Global Research sẽ là lần mất mốc 3% đầu tiên kể từ cuộc suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính kết thúc vào giữa năm 2009.
Ảnh hưởng lớn nhất là từ sự bùng phát của virus corona, nguyên nhân "tàn phá" hoạt động kinh tế ở Trung Quốc khi căn bệnh này lan rộng.
Với các nguyên nhân khác, BofA cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, sự không chắc chắn về chính trị ở nhiều nơi trên thế giới, sự yếu kém của kinh tế Nhật Bản và một số khu vực ở Nam Mỹ cũng gây hiệu ứng lan tỏa lớn tới kinh tế thế giới.
"Sự gián đoạn sản xuất kéo dài ở Trung Quốc sẽ làm tổn thương chuỗi cung ứng toàn cầu. Dòng chảy khách du lịch yếu cũng sẽ là một thách thức khác ở châu Á", Aditya Bhave, chuyên gia kinh tế tại BofA nói. "Những khu vực dịch bệnh chưa lan quá rộng, tương tự như ở Ý và trường hợp như vậy cũng có thể xảy ra ở nhiều nước, đã dẫn đến việc kiểm dịch gắt gao và làm mất đi sự tự tin trong kinh doanh".
Các nhà kinh tế học tại BofA chưa nhìn thấy khả năng dịch Covid-19 có thể biến thành đại dịch toàn cầu, đồng thời không đưa ra dự báo về suy thoái kinh tế.
Thay vào đó, họ coi đây là thời điểm nằm trong xu hướng chậm lại của kinh tế thế giới với vô số yếu tố, có thể là hệ quả từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong năm nay hay ảnh hưởng tiếp theo của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
"Bầu cử cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới tạo thêm một vấn đề phức tạp nữa, vì chính sách thương mại của Mỹ có thể sẽ thay đổi đáng kể dưới thời một Tổng thống Dân chủ", Bhave cho biết. "Hoạt động đầu tư kinh doanh có khả năng chỉ được duy trì tương đối cho đến khi mọi việc rõ ràng hơn".
Bhave cho rằng những cú sốc từ sự không chắc chắn như vậy có xu hướng làm chậm lại mọi hoạt động, tác động sâu rộng và kéo dài.
Sự bùng phát của dịch Covid-19 đang trở thành cú sốc cho nền kinh tế toàn cầu |
Các ngân hàng trung ương chủ trương áp dụng chính sách thắt chặt và hệ lụy kéo dài từ tăng trưởng mờ nhạt trong năm 2019 cũng đang tác động đến tăng trưởng.
"Kết quả tăng trưởng của quý IV/2019 đang tạo ra những hiệu ứng cơ bản là không thuận lợi cho tăng trưởng năm 2020", theo Bhave. "Đó chỉ là GDP về mặt số học. Nhưng có lẽ quan trọng hơn, sự yếu kém của nền kinh tế toàn cầu trong năm vừa qua đã để lại một chiếc đệm chống sốc. Thật không may, sự bùng phát của dịch Covid-19 đang trở thành cú sốc cho nền kinh tế toàn cầu".
Theo Thời báo Ngân hàng