Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước những rủi ro kinh tế gia tăng từ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có phản ứng mạnh bằng quyết định hạ lãi suất khẩn cấp. Tuy nhiên, phản ứng ban đầu của các thị trường không như mong đợi và việc hạ lãi suất có thể không phải là liệu pháp lý tưởng cho cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19.
Dù vậy, các ngân hàng trung ương có thể cần có sự phối hợp hành động để việc nới lỏng chính sách tiền tệ mang lại hiệu quả trong việc giảm thiểu tác động kinh tế từ dịch bệnh.
Phản ứng mạnh của Fed trước rủi ro từ dịch bệnh
Ngày 3/3, Fed thông báo đã quyết định cắt giảm lãi suất khẩn cấp nhằm ứng phó tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế đang tăng trưởng của Mỹ. Trong một quyết định được đồng thuận, Ủy ban Thị trưởng Mở Liên bang - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - đã hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm xuống biên độ 1-1,25%.
Đây là lần đầu tiên Fed đưa ra quyết định hạ lãi suất giữa các cuộc họp kể từ năm 2008 và là lần hạ mạnh nhất kể từ thời điểm đó. Tuyên bố của Fed nêu rõ dịch COVID-19 gây ra nguy cơ ngày càng lớn đối với hoạt động kinh tế của Mỹ và cơ quan này đang giám sát chặt chẽ các diễn biến và tác động của dịch đối với triển vọng kinh tế Mỹ.
Động thái mạnh mẽ và bất ngờ của Fed được đưa ra chỉ 15 ngày trước khi diễn ra cuộc họp chính sách lần tới, cho thấy những lo ngại gia tăng về tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu, khi các chuỗi cung ứng liên quan đến tâm dịch là Trung Quốc đều bị gián đoạn.
Phát biểu tại họp báo, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh việc hạ lãi suất sẽ góp phần giúp nền kinh tế Mỹ có thể ứng phó với những rủi ro mới. Ông cho hay Fed tin tưởng rằng quyết định này sẽ có tác dụng thúc đẩy đáng kể đối với nền kinh tế và củng cố lòng tin kinh doanh và tiêu dùng.
Trong khi ông Powell nói rằng kinh tế Mỹ vẫn vững vàng với thị trường việc làm mạnh đang hỗ trợ chi tiêu tiêu dùng, sự lây lan nhanh của dịch bệnh đang làm gián đoạn hoạt động kinh tế và rủi ro đối với triển vọng của nền kinh tế đã có những thay đổi thực sự.
Các doanh nghiệp trên khắp thế giới đang điêu đứng bởi những biện pháp mà chính phủ các nước triển khai nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh khởi phát từ Trung Quốc, nơi mà các thành phố bị phong tỏa và nhiều nhà máy bị đóng cửa.
Những lo ngại khủng hoảng sẽ nghiêm trọng hơn đã khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc trong tuần trước và số liệu cho thấy các nhà chế tạo của Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong nỗ lực tiếp cận nguồn cung.
Dịch COVID-19 hiện vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, với trên 90.000 trường hợp lây nhiễm và hơn 3.100 ca tử vong vì dịch bệnh trên thế giới.
Tác động tức thì không như mong muốn
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/ TTXVN |
Tuy nhiên, tác động tức thì từ quyết định hạ lãi suất của Fed dường như đi ngược lại với mong muốn, khi các nhà đầu tư đổ xô mua vào các tài sản an toàn, khiến lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ xuống thấp kỷ lục, trong khi thị trường chứng khoán để mất gần như toàn bộ đà tăng trong phiên 2/3.
Chỉ số Dow Jones phiên 3/3 mất gần 3%, tương đương 800 điểm, xóa bỏ gần như toàn bộ số điểm tăng trong phiên trước, khi chỉ số này tăng tới gần 1.300 điểm và tăng mạnh nhất tính theo tỷ lệ phần trăm kể từ năm 2009. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới 1% lần đầu tiên.
Phản ứng của thị trường dường như cho thấy những lo ngại của các nhà kinh tế là có lý, khi họ cho rằng động thái hạ lãi suất của Fed đi quá xa, và thay vì giúp các nhà đầu tư trên toàn cầu bình tâm, Fed lại có thể khiến họ hoảng loạn bởi xem đó là dấu hiệu cho thấy cơ quan này dự kiến về một cuộc suy thoái.
Ông Peter Cardillo, thuộc Spartan Capital Securities, cảnh báo động thái của Fed đã phát đi thông điệp sai đến thị trường. Nhà kinh tế Joel Naroff cho rằng Fed đã hoảng loạn và lãng phí công cụ dự phòng.
Ông Powell thừa nhận trong khi các ngân hàng trung ương và các nhà hoạch định chính sách tài khóa có thể góp phần giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, giải pháp cuối cùng sẽ phải đến từ những người khác, đặc biệt các là chuyên gia y tế.
Trong khi đó, Quốc hội Mỹ đang hoàn tất dự luật khẩn cấp chi 7,5 tỷ USD cho những nỗ lực phản ứng của chính phủ trước dịch COVID-19. Khoản chi này sẽ đẩy nhanh quá trình sản xuất vắc-xin, dự phòng tài chính cho các bang và các địa phương, hỗ trợ các nước khác trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh và cũng để đảm bảo rằng vắc-xin có giá cả hợp lý khi được điều chế, mặc dù điều này có thể mất đến một năm.
Theo Chủ tịch Fed, vẫn còn quá sớm để đánh giá việc dịch bệnh kéo dài bao lâu và tác động nghiệm trọng ra sao, và việc hạ lãi suất sẽ không có tác dụng trong việc giải quyết vấn đề các chuỗi cung ứng bị phá vỡ.
Ngay cả trước khi Fed hạ lãi suất, các nhà kinh tế đã cảnh báo việc hạ lãi suất không phải là liệu pháp lý tưởng trước mối đe dọa của dịch bệnh.
Hạ lãi suất có thể khuyến khích người dân và doanh nghiệp vay và chi tiêu, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, điều đó có thể không trực tiếp giải quyết các vấn đề mà dịch bệnh gây ra, từ việc các nhà máy đóng cửa đến hoạt động đi lại bị hủy cũng như các chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp bị gián đoạn.
Khi hầu hết các nền kinh tế phát triển của thế giới, gồm Mỹ, Anh, Canada (Ca-na-đa), Pháp, Đức, Italy (I-ta-li-a) và Nhật Bản, đã có mức lãi suất rất thấp hoặc âm, Fed đang ở vị trí thuận lợi nhất để có thể hành động.
Tuy nhiên, chính sách tiền tệ cần ít nhất là sáu tháng để có tác động đến nền kinh tế và khi đó, dịch có thể đã được đẩy lùi.
Cần sự phối hợp quốc tế
Chủ tịch FED Jerome Powell. Ảnh: EFE/TTXVN |
Quyết định hạ lãi suất của Fed được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump kêu gọi tăng cường các biện pháp kích thích, nhưng ông chưa hài lòng, muốn Fed tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và quan trọng nhất là phối hợp hành động với ngân hàng trung ương các nước khác.
Ông Powell nói mỗi ngân hàng trung ương phải làm những gì tốt nhất cho nền kinh tế nhưng cũng cho rằng Fed sẽ phối hợp hành động trong động thái sắp tới.
Cũng trong ngày 3/3, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tuyên bố sẽ sử dụng tất cả các công cụ chính sách thích hợp để đạt được sự tăng trưởng vững mạnh và lâu dài, cũng như đảm bảo chống lại những rủi ro từ dịch COVID-19.
Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương cho biết, các bộ trưởng tài chính G7 sẵn sàng hành động để hỗ trợ đối phó với dịch bệnh, sẵn sàng tăng cường hợp tác trong "các biện pháp hiệu quả và kịp thời". Tuy nhiên, các bộ trưởng không kêu gọi các chính phủ tăng chi tiêu hay kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất.
Theo tuyên bố, các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục thực thi đầy đủ các nhiệm vụ của mình, giúp ổn định giá cả và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhà phân tích Karl Haeling, thuộc LBBW, cho rằng các ngân hàng trung ương ít nhất sẽ đi đầu trong việc hạ lãi suất. Ngân hàng trung ương Australia và Malaysia đã hạ lãi suất vào ngày 3/3, còn New Zealand và Indonesia đã hạ một ngày trước đó, trong khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng phát đi những tín hiệu đáng khích lệ.
Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda ngày 2/3 cho biết ngân hàng này sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ổn định các thị trường hiện đang quan ngại trước diễn biến mới của dịch COVID-19.
Ngân hàng trung ương Canada sẽ họp chính sách vào ngày 4/3, tiếp đến Ngân hàng Trung ương châu Âu họp vào ngày 12/3 và BoJ vào ngày 18/3.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây nhận định dịch COVID-19 khởi phát từ Trung Quốc và lan ra 60 quốc gia ở châu Âu, Mỹ, Mỹ La tinh và các nước khác ở châu Á có thể khiến kinh tế toàn cầu giảm sút trong quý này, lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính một thập niên trước.
OECD đã hạ 0,5 điểm phần trăm mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020, xuống còn 2,4% và cho rằng con số này có thể xuống đến 1,5% nếu dịch kéo dài và lan rộng./.
Theo Bnews