Tăng trưởng kinh tế giảm thấp kỷ lục, rủi ro suy thoái hiện hữu
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa cảnh báo dưới các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 có thể chạm mức thấp nhất kể từ năm 2009. OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 xuống mức 2,4%, so với mức 2,9% được đưa ra hồi tháng 11/2019 và cảnh báo nếu như dịch bệnh “kéo dài và diễn biến phức tạp hơn”, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể chỉ đạt 1,5%.
Ngoài Trung Quốc, dịch virus Covid-19 đang lây lan nhanh tại nhiều nền kinh tế lớn trên toàn cầu như Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực Châu Âu (Ảnh: Miguel Medina/AFP via Getty Images) |
Với giả định dịch virus Covid-19 tại Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trong quý 1/2020 và các quốc gia khác sẽ khống chế được dịch bệnh, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể phục hồi tăng trở lại lên mức 3,1% trong năm 2021.
OECD cảnh báo bức tranh kinh tế toàn cầu trong năm nay có thể trở nên u ám hơn nếu như dịch virus Covid-19 bùng phát lan rộng ra các quốc gia Châu Á, Châu Âu và khu vực Bắc Mỹ.
Tính đến hết ngày 2/3, đã có 76 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự xuất hiện của virus Covid-19 với hơn 90.000 ca nhiễm và hơn 3.100 ca tử vong vì dịch bệnh.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo nếu như không khống chế dịch bệnh nhanh chóng, một số nền kinh tế lớn nhưng vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro như Nhật Bản và khu vực Châu Âu sẽ dễ dàng rơi vào suy thoái. Đà tăng trưởng của một số quốc gia như Hoa Kỳ và Hàn Quốc cũng được dự báo sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh.
Bà Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của OECD, cho biết các quốc gia cần có các biện pháp can thiệp kịp thời nếu không dịch bệnh sẽ khiến nhiều nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Phản ứng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu
Trong tuần trước, sự bùng phát của dịch bệnh tại nhiều quốc gia đã khiến giới đầu tư trên toàn cầu hoảng loạn và khiến thị trường chứng khoán toàn cầu trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Giá trị vốn hoá trên thị trường tài chính toàn cầu giảm hơn 5.000 tỷ USD.
Các nhà đầu tư hiện kỳ vọng các ngân hàng trung ương trên toàn cầu sẽ hợp tác và có những động thái phù hợp để hỗ trợ các nền kinh tế chống đỡ các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19.
Sự bùng phát dịch virus Covid-19 tại nhiều quốc gia trong thời gian ngắn đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. |
Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất đã mạnh tay cắt giảm lãi suất và lên kế hoạch tung ra các gói kích thích kinh tế để hỗ trợ nền kinh tế đối phó với các tác động của dịch bệnh. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất cho vay với các khoản vay 1 năm và khoản vay 5 năm trong tháng 2/2020; đồng thời, đưa thêm 100 tỷ NDT (tương đương 14,33 USD) vào hệ thống tài chính nước này thông qua các nghiệp vụ REPO để nâng khả năng thanh khoản trên thị trường.
Trong ngày 2/3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đồng thời phát tín hiệu cho biết sẽ tung ra gói kích thích kinh tế lớn nhằm đảm bảo tính thanh khoản cũng như sự ổn định của các thị trường tài chính. Thủ tướng Nhật Bản Shinze Abe cũng cho biết sẽ công bố chi tiết gói chi tiêu khẩn cấp thứ 2 vào khoảng ngày 10/3 để giúp nền kinh tế nước này vượt qua các tác động của dịch virus Covid-19.
Cũng trong ngày 2/3, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) khẳnh định đang quan sát chặt chẽ các diễn biến thị trường để đánh giá tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế Anh và chuẩn bị các bước cần thiết để can thiệp khi các biến động xảy ra. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng cho biết sẽ sẵn sàng điều chỉnh tất cả các công cụ tiền tệ phù hợp để đảm bảo duy trì tăng trưởng kinh tế đúng mục tiêu.
Trước đó, mặc dù vẫn tiếp tục khẳng định nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn ở mức tốt, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) cũng cho biết sẽ có hành động phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế Hoa Kỳ đối mặt với các tác động của dịch virus Covid-19, hàm ý việc hạ lãi suất để kích thích kinh tế. Nền kinh tế Hoa Kỳ đang trải qua thời kỳ tăng trưởng kéo dài kỷ lục 11 năm liên tục.
Nới lỏng hơn nữa các chính sách tiền tệ
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia việc đưa ra các chính sách tiền tệ thông thường sẽ không thực sự giúp ích nhiều với nền kinh tế nếu như dịch virus Covid-19 tiếp tục lan rộng.
Việc cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương không có tác dụng lớn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất khi dịch bệnh khiến các nhà máy phải đóng cửa, kéo theo đó là sự đổ vỡ của các chuỗi cung ứng và gây ra phản ứng dây chuyền đến các khu vực kinh tế khác.
Các gói tín dụng với chi phí sử dụng vốn thấp cũng không thể kích cầu khi dịch bệnh cũng buộc người tiêu dùng phải cách ly ở nhà, giảm thiểu các hoạt động kinh tế như mua sắm, ăn tại nhà hàng, di chuyển và du lịch. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia hiện đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng với mức lãi suất rất thấp, việc tiếp tục nới lỏng các chính sách tiền tệ có thể sẽ không còn phát huy tác dụng, thậm chí gây tổn hại đến nền kinh tế trong dài hạn.
Tại Nhật Bản, sau một thời gian dài liên tục nới lỏng các chính sách tiền tệ, lãi suất ngắn hạn tại đây đã xuống mức -0,1% và lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm đã về mức 0%. Các động thái của BoJ gần đây cho thấy cơ quan này đã ngần ngại hơn trong việc tiếp tục nới lỏng các chính sách tiền tệ do lo ngại các tác động đến hệ thống tài chính nước này.
Nhật Bản hiện đang đối mặt rủi ro “suy thoái kỹ thuật” với dự báo tăng trưởng GDP quý 1/2020 sẽ rơi xuống mức -0,25% hoặc thậm chí -1,6% theo kịch bản tồi tệ nhất trước các tác động của dịch virus Covid-19. Tăng trưởng GDP quý 4/2019 của Nhật Bản đã rơi xuống mức -6,3%.
Sự bùng phát của dịch virus Covid-19 đang gia tăng áp lực buộc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phải đưa ra các gói kích thích kinh tế để cứu nền kinh tế Nhật vốn đã tiềm ẩn nhiều rủi ro (Ảnh: AP/Eugene Hoshiko) |
Trong khối Eurozone, Đức (nền kinh tế lớn nhất) và Italy (nền kinh tế lớn thứ ba) đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế. Ngay cả trước khi dịch virus Covid-19 bùng phát, ECB dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực EU chỉ đạt 1,1%.
Đối với khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), lãi suất tiền gửi chính của ECB hiện đang ở mức thấp nhất trong lịch sử là -0,5, cung cấp các khoản tín dụng lãi suất thấp. Đồng thời, ECB cũng đang gia tăng việc in tiền để đẩy mạnh mua vào lượng trái phiếu trị giá 20 tỷ EUR (tương đương 22 tỷ USD) mỗi tháng.
Trước khi dịch virus Covid-19 lan rộng ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc, giới lãnh đạo FED đã liên tục khẳng định quan điểm sẽ không tiếp tục cắt giảm lãi suất sau 3 lần liên tục cắt giảm lãi suất trong năm 2019 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đã có 6 ca tử vong vì dịch virus Covid-19 tại Hoa Kỳ và giới chức y tế cảnh báo Hoa Kỳ đối mặt với rủi ro bùng phát dịch bệnh cao, FED đã phát tín hiệu sẽ sẵn sàng cắt giảm lãi suất lần nữa vào cuộc họp tháng 3/2020 tới đây.
Mặc dù việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ có thể không giúp ích thực sự cho các nền kinh tế nhưng chúng có thể tạo ra một “động lực tâm lý”, kìm hãm các nguy cơ sụp đổ trên các thị trường tài chính, ngăn chặn sự hoảng loạn bùng phát và các phản ứng tiêu cực dây chuyền khác trên quy mô toàn cầu.
Theo Tạp chí Công thương