Hà Nội, Thứ Hai Ngày 25/11/2024

Không 'siết' tín dụng bất động sản, chỉ kiểm soát để dòng tiền đi đúng hướng

Theo Doanh nhân Việt Nam 15:43 25/07/2022

Đại diện Bộ Xây dựng khẳng định không có chuyện "siết" hay dừng cấp tín dụng vào thị trường bất động sản.

Đại diện Bộ Xây dựng khẳng định không có chuyện tín dụng dừng hay “siết” đối với BĐS. Ảnh minh họa.

Chia sẻ tại Hội thảo “Cơ hội mới của thị trường BĐS nghỉ dưỡng” do báo Tiền Phong tổ chức ngày 22/7, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, nguồn vốn tín dụng dành cho BĐS đang được kiểm soát lại để đảm bảo an toàn hệ thống và sử dụng đúng mục đích chứ không có chuyện tín dụng dừng hay “siết” đối với tín dụng BĐS.

Đại diện Bộ Xây dựng khẳng định, nguồn vốn dành cho bất động sản vẫn duy trì từ nguồn tín dụng, nguồn vốn phát hành trái phiếu, đặc biệt nguồn vốn FDI là điểm sáng trong thời gian qua.

Đối với phát hành trái phiếu, ông Dũng thừa nhận trong tháng 4 có sự chững lại do ảnh hưởng của nhiều nhiều doanh nghiệp sai phạm. Trong khoảng thời gian này không có một doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, sang quý II/2022, nhiều doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu trở lại.

Thống kê của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), các doanh nghiệp bất động sản đã trở lại cuộc đua phát hành trái phiếu trong tháng 5 và 6. Cụ thể, tháng 5 các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành tổng số trái phiếu phát hành gần 6.900 tỷ đồng thì trong tháng 6 (tính đến ngày 24/6) con số này hơn 7.500 tỷ đồng.

Theo ông Vương Duy Dũng, dòng vốn đầu tư vào BĐS vẫn đang ổn định. Thời gian qua, thị trường nhắc nhiều đến câu chuyện siết tín dụng vào bất động sản, đang gây cản trở khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và thị trường BĐS nói chung.

"Theo tôi, thông tin này xuất phát lẻ tẻ từ các nhà đầu tư, hoặc chủ đầu tư đang gặp khó khăn trong nguồn vốn tín dụng. Thông qua phương tiện truyền thông, Chính phủ, hệ thống ngân hàng nhà nước đã khẳng định: Nguồn vốn tín dụng dành cho BĐS kiểm soát lại để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và sử dụng đúng mục đích. Không có câu chuyện dừng hay siết lại nguồn vốn với thị trường BĐS", ông Dũng khẳng định.

Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng). Ảnh VNM.

Theo vị Phó Cục trưởng, các loại nguồn vốn dành cho BĐS vẫn đang duy trì ổn định. Trong đó có nguồn vốn doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nguồn vốn tín dụng. Quý 2/2022, doanh nghiệp BĐS vẫn phát hành trái phiếu để đầu tư BĐS. Dĩ nhiên, qua mỗi thời điểm khác nhau lượng phát hành trái phiếu có sự khác nhau. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào thị trường BĐS vẫn được xem là điểm sáng nguồn vốn cho doanh nghiệp BĐS thời gian qua.

"Hiện, thị trường BĐS có dấu hiệu phục hồi tốt, lượng giao dịch và vốn đầu tư BĐS không có gì đáng lo ngại, hay tắc nghẽn", Phó Cục trưởng Cục nhà ở và TT BĐS nhấn mạnh.

Trong đó, bất động sản là đối tượng cần kiểm soát chặt chẽ, tín dụng vào kinh doanh các dự án thuộc phân khúc khu nghỉ dưỡng, dự án có tính đầu cơ, lũng đoạn giá. Ngược lại ngân hàng luôn khuyến khích tín dụng vào nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…những phân khúc có nhu cầu lớn.

Bất động sản nghỉ dưỡng sắp tới sẽ rất tích cực

Cũng tại Hội thảo “Cơ hội mới của thị trường BĐS nghỉ dưỡng” do báo Tiền Phong tổ chức sáng 22/7, Phó Cục trưởng Cục nhà ở và TT BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, thị trường có những điểm khó khăn do dịch COVID-19 kéo dài; tuy nhiên đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực. Hiện hệ thống pháp luật đang được hoàn thiện thêm để hỗ trợ cho thị trường này.

Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật kinh doanh BĐS và Luật đất đai sửa đổi, sẽ trình Quốc hội vào tháng 5/2023 và tháng 10/2023. Kỳ vọng 2 Luật này sẽ giúp hệ thống pháp luật đồng bộ, hỗ trợ cho thị trường BĐS nói chung, BĐS nghỉ dưỡng nói riêng. Trong đó, Luật kinh doanh BĐS sẽ bao gồm cả kinh doanh, quản lý kinh doanh và vận hành du lịch nghỉ dưỡng.

Ông Dũng cho rằng, các nhà đầu tư tham gia thị trường BĐS đã tìm hiểu rõ ràng pháp lý, phương thức kinh doanh của BĐS nghỉ dưỡng. Hiện tại, nhà đầu tư không hề bỡ ngỡ hay băn khoăn trong vấn đề đầu tư. "Hiện, thị trường BĐS nghỉ dưỡng có những khó khăn nhưng không phải là quá bi quan. Có chăng, phân khúc này còn tồn tại một số bất cập, cách tổ chức thực hiện giai đoạn trước đây, sẽ tìm cách giải quyết", ông Dũng nhấn mạnh.

Bất động sản nghỉ dưỡng đang hồi phục trở lại. Ảnh minh họa.

Cùng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, BĐS nghỉ dưỡng vẫn là ngành kinh doanh ổn định mặc dù đang gặp những khó khăn về nguồn vốn; khách du lịch quốc tế hiện chưa phục hồi hẳn. Nhiều người có tiền vẫn ưu tiên chọn căn nhà thứ hai ở các vùng biển nghỉ dưỡng. Phân khúc này đang có xung lực mạnh từ hạ tầng giao thông như cao tốc Bến Lức – Long Thành, Vành đai 3, Vành đai 4…; trong đó nhu cầu hướng về các khu vực biển phía Nam.

Còn theo ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc R&D DKRA Vietnam, trong quý 2/2022, nguồn cung và lực cầu của thị trường BĐS đã hồi phục, dĩ nhiên chưa thể quay về thời điểm trước năm 2019, khi dịch bệnh chưa xuất hiện. Thị trường này hiện đang có sự tham gia mạnh mẽ của các ông lớn BĐS như Hưng Thịnh, Sun Group, Vingroup....với các dự án quy mô đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư cũng như góp phần phục hồi thị trường BĐS nghỉ dưỡng.

Ông Thắng cho rằng, giá BĐS nghỉ dưỡng vẫn trên đà tăng, trong đó, nhà phố, shophouse biển ghi nhận mức tăng 30-40% so với cùng kì năm ngoái. Nhiều chủ đầu tư áp dụng chính sách hỗ trợ tài chính cho người mua đang tạo nên bức tranh sáng dần ở phân khúc này.

Không siết chặt tín dụng bất động sản một cách bất hợp lý

Phát biểu tại Hội nghị phát triển hệ sinh thái thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, vì mục tiêu chung, đã đánh giá khách quan, trung thực những mặt được là cơ bản trong phát triển thị trường bất động sản từ năm 2000 tới nay, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong điều kiện khó khăn hiện nay và góp phần đưa đất nước phát triển.

Đồng thời, các ý kiến cũng đánh giá những mặt chưa được, tồn tại, hạn chế, đây cũng là điều bình thường trong quá trình phát triển, tại một đất nước đang phát triển, trải qua nhiều năm chiến tranh, còn rất nhiều khó khăn. Các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến góp ý để phát triển hệ sinh thái thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

Chia sẻ một số suy nghĩ với các đại biểu, Thủ tướng cho rằng càng trong khó khăn, thách thức, vấn đề càng phức tạp, nhạy cảm, chúng ta càng bình tĩnh, giữ vững bản lĩnh, đoàn kết, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, đánh giá chính xác, khách quan tình hình để xử lý các các vấn đề đặt ra; có cách tư duy, phương pháp luận đúng để giải quyết căn cơ các vấn đề, theo hướng đi từ vấn đề lớn để xử lý vấn đề nhỏ, đi từ vấn để tổng thể để xử lý vấn đề cụ thể.

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững; không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự nhưng rà soát, ngăn chặn, phát hiện những hành vi sai phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, không để đổ vỡ, bảo vệ những người làm đúng, bảo vệ, hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/khong-siet-tin-dung-bat-dong-san-chi-kiem-soat-de-dong-tien-di-dung-huong.html

Bạn đang đọc bài viết Không 'siết' tín dụng bất động sản, chỉ kiểm soát để dòng tiền đi đúng hướng tại chuyên mục Cần biết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cần biết