Tại huyện Tây Sơn, Bình Định những ngày qua ghi nhận nắng nóng cao điểm kéo dài, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Nổi cộm lên là tình trạng nhiều cánh rừng trồng bị chết khô vì thiếu nước. Trong đó, nhiều khu vực rừng trồng bạch đàn của người dân đang trong giai đoạn phát triển, có lứa chuẩn bị khai thác đột ngột bị chết khô từ hơn một tháng nay, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho người dân.
Theo chị Nguyễn Thị Thu Phượng (thôn Hòa Trung), từ Tết âm lịch đến nay, địa phương không có mưa. Đến tháng ba, trời nắng nóng kéo dài; đặc biệt có ngày nhiệt độ lên đến 40 độ C, khiến nhiều diện tích rừng trồng bị thiếu nước, lá khô, dẫn đến tình trạng cây chết hàng loạt.
Những cánh rừng trồng bị cháy khô ở huyện Tây Sơn, Bình Định. |
Nhiều người dân khác ở thôn Hòa Trung cũng bày tỏ sự lo ngại, do cây bạch đàn bị chết khô nên nhiều diện tích đã xảy ra tình trạng cháy trụi, có nguy cơ cháy lan sang phần diện tích cây chưa chết.
Ông Nguyễn Công Minh, Chủ tịch UBND xã Bình Thành cũng nhận định, tổng diện tích rừng trồng ở xã này có khoảng hơn 200 ha. Suốt 3 - 4 tháng nay, trên địa bàn chỉ xảy ra 1 cơn mưa mà chỉ thoáng qua, nên nhiều diện tích rừng trồng bị thiếu nước chết khô, rừng chết nhiều nhất trong tháng 7 và tháng 8/2021.
Về vấn đề này, một lãnh đạo địa phương khác, Ông Nguyễn Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) cũng chia sẻ, rừng trồng chết khô trên địa bàn do nắng nóng hiện khá nghiêm trọng. Trên địa bàn xã có khoảng 1.959 ha rừng trồng, chủ yếu là cây keo và một ít diện tích là bạch đàn. Tính đến nay, ước tính có khoảng 30% diện tích rừng trồng trên địa bàn bị nắng nóng làm cho cháy lá, nhiều diện tích đã chết khô. "Cánh rừng nào tầng đất dày, đất mặt không có đá thì cây không bị chết, rừng trồng trên những ngọn núi có tầng đất mỏng, nhiều đá chết nhiều nhất. Nếu thời gian tới, trời tiếp tục không có mưa thì tình hình càng gay go”.
Thông tin từ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tây Sơn, ngoài xã Bình Tường, tình trạng rừng trồng của người dân bị chết khô do nắng nóng cũng xảy ra tại một số xã như: Tây Giang, Bình Tân, Bình Thuận, Bình Thành.
Rừng trồng keo bị chết khô do nắng hạn, trong khi lớp đất đá bên dưới cằn cỗi không thể giữ nước được. |
Trong khi đó, tại một số khu vực rừng trồng của người dân tại thị xã An Nhơn và rừng phòng hộ của huyện vùng cao Vĩnh Thạnh, tình trạng cây chết khô do nắng hạn cũng xảy ra tương tự.
Qua ghi nhận thực tế, phần diện tích cây rừng chết khô chủ yếu nằm ở khu vực đồi núi cằn cỗi, có lớp đá dày, lớp đất bên dưới không thể giữ nước được. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn mở rộng diện tích trồng nên tình trạng cây chết trong mùa khô hạn là không thể tránh khỏi.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, hiện chưa có báo cáo số liệu cụ thể về diện tích rừng bị chết khô do nắng hạn. Nhưng tình trạng này đã gây thiệt hại lớn cho người dân. Bên cạnh đó, nguy cơ dẫn đến cháy rừng từ cây chết khô là rất cao.
Chính quyền và ngành chức năng các địa phương ở Bình Định tăng cường công tác kiểm tra rừng. |
Theo Ông Nguyễn Hồng Kháng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thị xã Hoài Nhơn: “Tình hình nắng nóng kéo dài khiến nhiều diện tích rừng có nguy cơ cháy cao, thế nhưng địa phương đang giãn cách để phòng chống dịch Covid-19 nên việc kiểm tra rừng của đơn vị chức năng bị hạn chế, mỗi lần đi qua chốt phải test nhanh.
Trên địa bàn Hoài Nhơn có đến 19.000 ha đất rừng và đất lâm nghiệp, trong khi lực lượng kiểm lâm chỉ có 13 người cả lãnh đạo và phòng chuyên môn. Do vậy, có những kiểm lâm địa bàn phải phụ trách 2 - 3 xã, trong bối cảnh giãn cách, việc đi kiểm tra rừng càng gặp khó khăn.
Thêm vào đó, các lực lượng công an, dân quân thường phối hợp với kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng thì hiện được trưng dụng vào công tác phòng chống dịch Covid-19, do đó lực lượng bảo vệ rừng hiện nay bị thiếu trầm trọng”.
Theo Kinh Tế Môi Trường