Hà Nội, Thứ Ba Ngày 23/04/2024

Bộ KH&ĐT trình bốn giải pháp trọng tâm trong lập quy hoạch 2021-2030

người đưa tin 17:06 19/08/2021

Nghiên cứu thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban là một trong bốn nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được bộ KH&ĐT đưa ra.

Trong tờ trình tóm tắt gửi đến Thủ tướng Chính phủ, bộ KH&ĐT đã báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả, chất lượng lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050.
Theo bộ KH&ĐT, kết quả công tác lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030 đã đạt được một số kết quả nhất định.
Hà Nội và TP.HCM chưa trình nhiệm vụ lập quy hoạch

Về Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ này đã trình và được Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, hiện đang tổ chức hoàn thiện Khung định hướng quy hoạch quốc gia, dự kiến trình Hội đồng quy hoạch quốc gia xem xét, thông qua vào tháng 10/2021.

Song song với quá trình đó, bộ KH&ĐT cũng đang khẩn trương tổ chức lập quy hoạch, phấn đấu trình Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 6 năm 2022, trình Quốc hội xem xét, phê duyệt tại Kỳ họp thứ IV.

Về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và Quy hoạch không gian biển quốc gia, bộ TN&MT đã trình và được Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch. Hiện nay, các quy hoạch này đang được tổ chức lập để trình Chính phủ xem xét, quyết định trước khi trình Quốc hội phê duyệt.

Đã có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch (ảnh: Hữu Thắng).

Về các Quy hoạch ngành quốc gia, các Bộ, ngành đã lập, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 36/38 nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia.

Trên cơ sở đó, các Bộ đang khẩn trương tổ chức lập quy hoạch thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó, đã hoàn thành công tác thẩm định 5 quy hoạch, đang trình thẩm định 2 quy hoạch. Dự kiến trong năm 2021, sẽ có thêm 12 quy hoạch ngành quốc gia được lập xong và trình thẩm định theo quy định.

Đối với quy hoạch vùng tại Đồng bằng sông Cửu Long, tên cơ sở nhiệm vụ quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, bộ KH&ĐT đã lập xong quy hoạch và đã trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tại Tờ trình số 663 để tiến hành thẩm định theo quy định.

Về quy hoạch của các vùng còn lại, sau khi có kết luận của Thủ tướng Chính phủ về phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030, giữ nguyên phương án 6 vùng kinh tế - xã hội như hiện nay, bộ KH&ĐT đang tổ chức triển khai xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch 5 vùng còn lại, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong năm 2021.

Việc triển khai lập quy hoạch tỉnh, đến nay, đã có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, còn 2 địa phương chưa trình nhiệm vụ lập quy hoạch để thẩm định là Tp.Hà Nội và Tp.HCM.

Dự kiến trong năm 2021, sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 1/6 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập, thẩm định (ảnh: Hữu Thắng).

Trên cơ sở nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đang triển khai lập quy hoạch tỉnh, trong đó, đã hoàn thành thẩm định 2 quy hoạch của tỉnh Bắc Giang và Hà Tĩnh, có 5 tỉnh đang trình hồ sơ thẩm định là Thanh Hóa, Quảng Bình, Tuyên Quang, Lai Châu và Lào Cai.

Dự kiến đến cuối năm 2021, sẽ có thêm 19 địa phương lập xong quy hoạch tỉnh, gửi xin ý kiến và trình thẩm định theo quy định.

Đánh giá chung lại, bộ KH&ĐT nhấn mạnh Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn về triển khai lập quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 đã được các cấp có thẩm quyền ban hành cơ bản đầy đủ và đồng bộ để các Bộ, ngành và địa phương triển khai công tác quy hoạch.

"Việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã đạt kết quả bước đầu. Dự kiến trong năm 2021, sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 1/6 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022", tờ trình của bộ KH&ĐT nêu rõ.

Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Bộ KH&ĐT xác định việc bám sát quan điểm chung là quyết tâm tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và triển khai thực hiện các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành khác.

Đồng thời, bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật; đẩy mạnh hơn nữa công tác chỉ đạo, phối hợp gắn với nhiệm vụ “vướng mắc ở cấp, ngành nào thì cấp, ngành đó chủ động, tích cực sửa đổi, hoàn thiện”.

Là cơ quan cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược, quy hoạch của Chính phủ, là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Quy hoạch, bộ KH&ĐT đã đưa ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong chiến lược triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030.

Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Theo bộ KH&ĐT, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ triển khai quyết liệt việc tổ chức lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 thuộc thẩm quyền, trình phê duyệt trước 31/12/2022.

Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu không hoàn thành tiến độ lập quy hoạch; đồng thời, không trình phê duyệt điều chỉnh các quy hoạch thời kỳ 2011-2020 khi chưa thực sự cần thiết, để không ảnh hưởng tới quy hoạch thời kỳ 2021-2030.

Nghiên cứu thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban trên cơ sở nâng cấp, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của Hội đồng quy hoạch quốc gia để chỉ đạo thống nhất các Bộ, ngành và địa phương triển khai nhanh chóng việc lập các quy hoạch theo quy định.

Các nhiệm vụ chính tựu chung “vướng mắc ở cấp, ngành nào thì cấp, ngành đó chủ động, tích cực sửa đổi, hoàn thiện” (ảnh: Hữu Thắng).

Thứ hai, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch.

Các bộ như KH&ĐT, TN&MT, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng và các đơn vị có liên quan khác khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Quy hoạch.

Điều này để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc dừng thi hành nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 liên quan đến đất đai, tài nguyên nước, điện lực, cụm công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng và phương án đổi mới sáng tạo trong nội dung quy hoạch tỉnh theo hướng không làm phát sinh thủ tục hành chính và đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật về quy hoạch, dễ triển khai thực hiện.

Yêu cầu bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công (trong đó có kinh phí lập quy hoạch theo quy định của Luật Đầu tư công).

Thứ ba, tập trung nghiên cứu xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.

Khẩn trương xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch nhằm cung cấp thông tin đồng bộ, thống nhất, đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch; đảm bảo công khai, minh bạch thông tin quy hoạch; nâng cao vai trò của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân khi tham gia các hoạt động giám sát, đánh giá và tổ chức thực hiện quy hoạch.

Thứ tư, các Bộ, ngành khẩn trương xây dựng và ban hành trong tháng 9/2021 các văn bản về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển và sắp xếp, phân bổ không gian theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 30 của Thủ tướng Chính phủ, trong khi các quy hoạch cấp quốc gia chưa được lập và phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ, ngành và địa phương tổ chức lập quy hoạch thuộc trách nhiệm của ngành, lĩnh vực, địa phương mình.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/bo-khdt-trinh-bon-giai-phap-trong-tam-trong-lap-quy-hoach-2021-2030-a524770.html

Bạn đang đọc bài viết Bộ KH&ĐT trình bốn giải pháp trọng tâm trong lập quy hoạch 2021-2030 tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương