Để tăng cường xuất khẩu gạo những tháng cuối năm, cần tận dụng cơ hội thị trường, tháo gỡ khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu được 3,492 triệu tấn gạo với giá bình quân 540,68 USD/ tấn, đạt kim ngạch 1,888 tỷ USD; so với cùng kỳ năm 2020 về số lượng giảm 12,69%, về giá trị giảm 3,1% và giá bình quân tăng 53,5 USD/ tấn (tăng 10,98%).
Tuy nhiên, trong tuần giữa tháng 8/2021 vừa qua, giá gạo trắng 5% tấm của Việt Nam, chạm mức thấp nhất trong hơn 16 tháng khi chỉ đạt 395- 400 USD/tấn, giảm mạnh 70 USD/tấn so với mức 465 – 470 USD/tấn của tuần trước. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá giảm do nhu cầu yếu và cạnh tranh gia tăng khi giá chào bán từ các nước khác rất thấp. Mặt khác, nguồn cung trong nước cũng đang tăng lên khi vụ thu hoạch Hè Thu đang bước vào cao điểm. Trong khi đó, các nhà giao dịch đã giảm thu mua từ nông dân do việc hạn chế di chuyển để kìm chế sự lây lan virus corona tại Việt Nam.
Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ gạo hàng đầu của Việt Nam, chiếm 36% tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo (đạt 1,09 triệu tấn và 579,8 triệu USD); Trung Quốc tiếp tục duy trì ở vị trí thứ hai, chiếm 19% tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo (đạt 581.000 tấn và 309 triệu USD, giá bình quân 531,4 USD/tấn). Ghana đứng thứ ba, chiếm 11% tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo (đạt 327.600 tấn, trị giá 191,3 triệu USD).
Tận dụng cơ hội thị trường, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu gạo những tháng cuối năm. Ảnh minh họa |
Về cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Toản- Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, trong những năm qua, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo thơm tăng khoảng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 1,16 triệu tấn và chiếm gần 39% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tăng so với tỷ trọng 30% của cùng kỳ.
Phân tích về thị trường nhập khẩu gạo, ông Nguyễn Quốc Toản cho hay, trong những tháng cuối năm nay, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines vẫn lớn, Bờ biển Ngà nhu cầu nhập khẩu vẫn tăng nhẹ bù đắp lượng dự trữ bị thiếu hụt. Ghana nhu cầu nhập khẩu tăng do vụ mùa mới sản lượng không đủ.
Đặc biệt, EU là thị trường nhập khẩu gạo tiềm năng của Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gạo sang EU đạt hơn 8,5 triệu USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2020- ông Nguyễn Quốc Toản cho hay.
Dự báo, năm 2021, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm nhẹ so với năm trước do tình hình dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến phức tạp và việc chuyển dịch cơ cấu gạo xuất khẩu tăng gạo thơm, gạo chất lượng cao, mặt khác giá gạo Việt Nam cao hơn các nhà cung cấp khác làm giảm lợi thế cạnh tranh. Dự kiến, xuất khẩu gạo năm 2021 sẽ đạt khoảng 6,0 - 6,2 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt khoảng 3,325 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục căng thẳng hiện nay, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo trong năm nay, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp liên quan đến tái cơ cầu ngành lúa gạo, nâng cao giá trị và chất lượng gạo Việt Nam, cần các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nông dân. doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kiến nghị, Sở Y tế phối hợp với các ngành liên quan kiểm soát dịch bệnh đối với người tham gia hoạt động thu hoạch, vận chuyển, thu mua lúa Hè Thu 2021; nghiên cứu giải pháp ưu tiên tiêm văc xin phòng Covid-19 cho đội ngũ lái xe tham gia vận chuyển, tiêu thụ nông sản.
Sở Giao thông vận tải tổ chức thực hiện tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19. Các ngành chức năng có liên quan hỗ trợ, giúp người dân, hợp tác xã từ công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ lúa Hè Thu. Huy động các kho bảo quản, thiết bị sấy nông sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ người dân sơ chế, bảo quản lúa, đảm bảo chất lượng thóc gạo.
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NNPTNT và các Hiệp hội ngành hàng hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các FTA đã ký kết để tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu gạo và các mặt hàng nông sản. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu, hướng tới xuất khẩu bền vững.
Cùng với đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguốn vốn ưu đãi thu mua thóc gạo hàng hóa, tạm trữ.
Theo VietQ