Theo đó, dự án Nhà máy điện gió Chơ Long có công suất 155 MW, quy mô 67,33 ha, tổng vốn đầu tư dự án là 4.619 tỉ đồng do Công ty Cổ phần Phong điện Chơ Long làm chủ đầu tư. Trong khi đó, dự án Nhà máy điện gió Yang Trung có công suất 145 MW, quy mô 67,95 ha, với tổng vốn đầu tư là 4.403 tỉ đồng do Công ty Cổ phần Phong điện Yang Trung làm chủ đầu tư.
Cả 2 công ty này đều do ông Nguyễn Nam Chung (sinh năm 1972, trú tỉnh Hòa Bình) là người đại diện theo pháp luật. Theo kế hoạch, 2 dự án này đã được triển khai thi công vào tháng 1/2021. Đến tháng 9/2021, 2 dự án sẽ hoành thành công tác xây dựng và lắp đặt thiết bị. Dự kiến, đến tháng 10/2021, 2 dự án sẽ nghiệm thu và hoàn thành các thủ tục để đóng điện thương mại.
Trong khi dự án chưa có thiết kế cụ thể, UBND tỉnh Gia Lai đã quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Quyết định của các dự án trên đều ghi rõ: "Diện tích sử dụng đất của dự án sẽ chuẩn xác trong giai đoạn thiết kế và các bước thủ tục tiếp theo; đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không ảnh hưởng đến đất rừng, đất quốc phòng – an ninh".
UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt chủ trương đầu tư khi dự án chưa được thiết kế cụ thể. |
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó chủ tịch UBND huyện Kông Chro, 2 dự án trên đang được xây dựng phần lớn trên đất lâm nghiệp và một phần đất nông nghiệp. Đáng chú ý, diện tích đất lâm nghiệp này vẫn chưa được chuyển đổi để phù hợp với các quy định của pháp luật trước khi triển khai thi công dự án.
Trả lời báo chí tại cuộc họp ngày 6/7 về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lộc, Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai cho biết: "Diện tích này hiện đang là đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Khi doanh nghiệp ở xa tới không nắm rõ, đã chủ quan khi chỉ báo cáo với chính quyền địa phương, thống nhất họp dân để bồi thường rồi triển khai thi công. Chính quyền địa phương cũng sai sót khi chưa cấp đầy đủ các thủ tục nhưng để doanh nghiệp triển khai thi công."
Theo ông Lộc, hiện nay, UBND tỉnh Gia Lai đang giao các ngành chức năng phối hợp chính quyền địa phương và chủ đầu tư xem sai ở khâu nào để điều chỉnh kịp thời.
"Tỉnh cũng không có cơ chế, ưu ái nào riêng cho doanh nghiệp, mọi việc đều theo quy định của Nhà nước", ông Lộc khẳng định.
Tính đến nay, UBND tỉnh Gia Lai đã cho phép 99 dự án triển khai khảo sát để đầu tư xây dựng các dự án điện gió trên địa bàn với tổng công suất trên 13.000MW. Hiện, đã có 25 dự án được Trung ương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch, trong đó 14 dự án đã được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt chủ trương đầu tư; 11 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục để xin chủ trương đầu tư. Số còn lại được nhà đầu tư khảo sát, lập và trình hồ sơ cho các ngành chức năng để được bổ sung quy hoạch theo đúng quy định.
Theo Nghị quyết 100/NQ-HĐND ngày 7/12/2017 của HĐND tỉnh Gia Lai về điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn 2030, tổng diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là hơn 741 ngàn ha, trong đó, đất chưa có rừng chiếm hơn 145 ngàn ha.
Cụ thể, rừng đặc dụng hơn 59,2 ngàn ha (trong đó, đất có rừng hơn 56,3 ngàn ha, đất chưa có rừng gần 2,9 ngàn ha); rừng phòng hộ chiếm 144,5 ngàn ha (đất có rừng hơn 121 ngàn ha, đất chưa có rừng hơn 23,2 ngàn ha); rừng sản xuất chiếm 537,5 ngàn ha (đất có rừng gần 420 ngàn ha, đất chưa có rừng chiếm gần 118 ngàn ha).
Năm 2008, tổng diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp tỉnh Gia Lai trên 871,6 ngàn ha: Gồm: rừng phòng hộ là 154,4 ngàn ha, rừng đặc dụng là 57,7 ngàn ha, rừng sản xuất là 659,4 ngàn ha.
Diện tích quy hoạch đất rừng năm 2008 đến khi ban hành Nghị quyết 100 năm 2017 giảm trên 135 ngàn ha.
Theo Kinh Tế Môi Trường