Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Vùng ven biển Việt Nam cần tăng khả năng ứng phó

Kinh tế Môi trường 15:30 07/07/2021

Biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức to lớn đối với các quốc gia. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Mới đây, Tổng cục Phòng, chống thiên tai phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã tổ chức hội thảo khởi động và chương trình tập huấn trực tuyến về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho 28 tỉnh ven biển. Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 6 và 7/7.

Tham dự hội thảo gồm đại diện của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, UNDP, 7 ban quản lý dự án cấp tỉnh, đại diện Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của 21 tỉnh ven biển, Hội Liên hiệp Phụ nữ.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (gọi tắt là Dự án GCF chống chịu biến đổi khí hậu) do Quỹ khí hậu xanh, UNDP và Chính phủ Việt Nam hỗ trợ.

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho biết, việc nâng cao năng lực cho cán bộ và người dân khu vực ven biển thông qua tập huấn và đánh giá rủi ro thiên tai, rủi ro biến đổi khí hậu là rất quan trọng. Đây là nền tảng chính để hỗ trợ ổn định cuộc sống và điều kiện an toàn cho các hộ dân duyên hải thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Lũ kinh hoàng nhấn chìm cả một vùng rộng lớn tại 2 xã Đại Lào và Lộc Châu trong biển nước. (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Nhằm nâng cao hiểu biết của người dân trong việc chủ động thích nghi với biến đổi khí hậu và ứng phó với thiên tai, dự án sẽ mở rộng các hoạt động tập huấn và chia sẻ thông tin cho 21 tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang.

“Với mức độ dễ bị tổn thương của Việt Nam đối với biến đổi khí hậu và các tác động của thiên tai, điều quan trọng là phải tăng cường năng lực ngay từ cấp cộng đồng. Thông qua quan hệ đối tác với Tổng cục Phòng chống thiên tai và các tỉnh, chúng tôi đang chú trọng vào việc tăng khả năng chống chịu ở tất cả các cấp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của lốc, bão, lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn đối với các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương”, Cố vấn kỹ thuật cao cấp của UNDP Việt Nam Khusrav Sharifov nhấn mạnh.

Ngoài ra, UNDP đã và đang hợp tác chặt chẽ với Tổng cục Phòng, chống thiên tai để thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” do Chính phủ Việt Nam phát động vào năm 2009 (Đề án 1002). Đến cuối năm 2021, dự án sẽ tiếp cận 520 cộng đồng ở 7 tỉnh ven biển để giúp họ đánh giá rủi ro và hỗ trợ các cộng đồng này xây dựng kế hoạch giảm nhẹ rủi ro thiên tai và khí hậu của riêng họ. Dự kiến, sẽ có hơn 10.000 người sẽ được tiếp cận thêm các thông tin về rủi ro khí hậu và thiên tai cũng như các hoạt động tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Tính từ năm 2018 tới nay, dự án đã tổ chức các khóa tập huấn tập huấn Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRM) cho hơn 44.000 người tại 373 xã ven biển và cận ven biển thuộc 7 tỉnh gồm Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau.

Tại các khóa tập huấn này, chính quyền xã và người dân được cung cấp kiến thức cùng nhau xác định các giải pháp phòng, chống thiên tai và xây dựng kế hoạch hành động để tăng cường khả năng phòng ngừa và ứng phó thiên tai, thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu.

Dự kiến đến cuối năm 2021, dự án GCF sẽ tiếp tục triển khai 10 lớp tập huấn cấp tỉnh và 168 lớp tập huấn cấp xã về quản lý rủi ro thiên tai, rủi ro do biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng tại 28 tỉnh thành ven biển.

Theo bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam cho biết, GCF là dự án đầu tiên của Quỹ Khí hậu xanh ở khu vực ASEAN và Việt Nam đã đạt được những thành công quan trọng. “Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với thiên tai đang ngày càng gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, những ngôi nhà an toàn mà dự án hỗ trợ xây dựng đã cứu sống nhiều người và tài sản có giá trị của họ, và những nỗ lực dựa vào cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức của người dân chắc chắn đã góp phần cải thiện khả năng chuẩn bị sẵn sàng của họ trong các sự kiện thiên tai năm 2020. Việc khôi phục và trồng rừng ngập mặn đang làm giảm bớt tác động của triều cường và bão, đồng thời giúp hấp thụ carbon, góp phần giảm phát thải khí nhà kính”.

Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ khí hậu xanh tài trợ và với sự hỗ trợ của UNDP được bắt đầu triển khai thực hiện từ cuối năm 2017.

Mục tiêu của dự án là tăng khả năng chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương vùng ven biển trước các tác động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam, thông qua nhà ở an toàn cho các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương do bão lụt ngày càng gia tăng; tăng mạnh tỉ lệ che phủ rừng ngập mặn cung cấp khu đệm tự nhiên giữa biển và các cộng đồng ven biển; thông tin rủi ro khí hậu đáng tin cậy giúp hướng dẫn lập kế hoạch được thông tin rủi ro và chống chịu với biến đổi khí hậu.

Tính đến cuối năm 2020 mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và các trận bão, lụt ở Miền Trung, với sự hỗ trợ của Dự án, đã có 3.406 căn nhà an toàn chống chịu bão, lụt đã được xây dựng, 3.387 ha rừng ngập mặn được trồng mới và phục hồi, giúp giảm hơn 180.948 tấn carbon tương đương. Bên cạnh đó, triển khai thành công 25 mô hình sinh kế giúp mang lại thu nhập cho hơn 600 hộ gia đình tại 5 tỉnh ven biển, và tổ chức 373 lớp tập huấn về quản lý rủi ro thiên tai, rủi ro do biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng, góp phần nâng cao năng lực cho hơn 39.000 cán bộ và người dân.

Link gốc : https://kinhtemoitruong.vn/tang-cuong-kha-nang-ung-pho-bien-doi-khi-hau-o-vung-ven-bien-viet-nam-57058.html

Bạn đang đọc bài viết Vùng ven biển Việt Nam cần tăng khả năng ứng phó tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương