Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

ĐBSCL: Nhiều lợi thế phát triển năng lượng tái tạo quy mô lớn

TDVN 09:51 06/07/2021

Với nhiều lợi thế từ điều kiện thiên nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được nhận định sẽ trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia.

Vùng đất tiềm năng

ĐBSCL có khí hậu gió mùa, nóng và ẩm với 2 mùa rõ rệt. Mỗi năm, ĐBSCL nhận trung bình 2.200-2.500 giờ nắng, với năng lượng bức xạ mặt trời trung bình ngày 4,3 - 4,9kWh/m2. Tiềm năng khai thác năng lượng ánh sáng rõ ràng rất lớn. Ước tính, cứ 1 m2 lắp đặt các tấm pin mặt trời có thể thu 5kWh điện mỗi ngày.

Nguồn chiếu sáng này rất ổn định với hơn 90% số ngày trong năm đều nhận được ánh sáng mặt trời đủ mạnh để vận hành các thiết bị thu năng lượng mặt trời. Những ưu đãi từ tự thiên này cho phép chúng ta kỳ vọng vùng ĐBSCL sẽ là mảnh đất cung cấp năng lượng sạch cho cả nước trong thời gian tới.

Tỉnh Bạc Liêu đang là đơn vị đi đầu trong phát triển điện gió với 2 nhà máy điện gió hòa vào lưới điện quốc gia là Bạc Liêu 1 và Bạc Liêu 2. Trong năm 2020, ĐBSCL đã đón được nhiều dự án điện lớn như Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỉ USD với mục tiêu sản xuất điện từ khí tự nhiên hóa lỏng LNG (cấp GCNĐKĐT ngày 16/1/2020).

Hiện nay, hàng loạt các dự án điện gió, điện mặt trời gần như đã phủ kín chiều dài 56 km bờ biển của Bạc Liêu. Tính đến tháng 10/2020, tỉnh đang thi công 9 dự án điện gió, dự kiến hoàn thành đóng điện trước tháng 11/2021. Bên cạnh đó, Bạc Liêu cũng đang thu hút 40 dự án điện gió khác, hiện đang chờ bổ sung vào Quy hoạch điện VIII quốc gia.

Xếp sau Bạc Liêu, tỉnh Sóc Trăng cũng đã được chấp thuận bổ sung quy hoạch 20 dự án điện gió. Các dự án này đang triển khai, dự kiến tháng 10/2021 đưa vào vận hành 8 dự án, số còn lại vận hành năm 2022 và 2023.

Tại Bến Tre, hiện đã được phê duyệt 6 nhà máy điện gió. Từ nay đến năm 2030, tỉnh này được Bộ Công thương phê duyệt về phát triển điện gió ở vùng đất liền ven biển và vùng bãi bồi với diện tích 39.320 ha.

Các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh cũng kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào phát triển điện gió, điện mặt trời.

ĐBSCL có nhiều lợi thế trong phát triển năng lượng tái tạo.

Đặc biệt, dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 xác định ĐBSCL là vùng xuất khẩu năng lượng. ĐBSCL được định hướng sẽ thay thế tất cả các nhà máy điện than chưa xây dựng bằng các nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên/LNG và năng lượng tái tạo (mặt trời, gió…), trong đó, chú trọng quy trình xử lý chất thải vùng với lượng chất thải thu gom từ nhiều tỉnh để đạt được quy mô hiệu quả và áp dụng phương pháp đốt rác thanh năng lượng một cách hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Vẫn còn nhiều điểm nghẽn

Tuy nhiên, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo này cũng đang vướng các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường điện, giá điện và việc bảo đảm đầu tư, vướng mắc trong thực thi chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo...

Đánh giá về tình hình triển khai đầu tư phát triển điện mặt trời ở các địa phương, TS Trần Hữu Hiệp (Trường Đại học FPT Cần Thơ) cho rằng thực tiễn triển khai đầu tư phát triển điện mặt trời ở các địa phương cho thấy đang có nhiều điểm nghẽn. Trước hết là từ nền tảng pháp lý, cơ chế, chính sách và quy định hiện hành.

Dù trong hàng loạt chính sách phát triển năng lượng tái tạo đã có sự bứt phá mạnh mẽ, nhưng so với yêu cầu thực tiễn thì vẫn chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng mang tính bùng nổ của điện mặt trời trong 2 năm qua, sự phát triển rất nhanh của công nghệ, nhu cầu đầu tư và sử dụng điện mặt trời.

Điện mặt trời đang có hai cách gọi: “điện mặt trời mái nhà” và "điện mặt trời áp mái”. Trong khi Nghị quyết số 55-NQ/TW mang tính định hướng và thông thoáng có tên “Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước” thì hàng loạt các văn bản cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện việc khuyến khích, ưu đãi đầu tư điện mặt trời lại bó hẹp với khái niệm “điện mặt trời mái nhà”.

Điều đó đã làm khó, ngăn cản việc đầu tư hiệu quả, tiết kiệm cho các dự án đầu tư điện mặt trời áp mái trường học, kho xưởng, đặc biệt là không thể lồng ghép với ngành nông nghiệp, thủy sản.

Các dự án điện mặt trời trên mặt nước (nuôi thủy sản) và mặt đất (sản xuất nông nghiệp), đầu tư lồng ghép “mục tiêu kép” của các trang trại càng khó thực hiện hơn. Đây là điều đang vướng mắc ở An Giang và nhiều địa phương khác ở ĐBSCL.

Ngoài ra, đã có hiện tượng “né thủ tục quy hoạch” khi chọn quy mô dự án điện mặt trời dưới 1 MW. Những quy định liên quan đến đất đai, mục đích sử dụng đất không cho phép sử dụng đất nông nghiệp, thủy sản để sản xuất điện.

Sự phát triển nhanh của năng lượng tái tạo và yếu kém của hạ tầng lưới điện cũng là điểm nghẽn. Đa số các đường dây, trạm biến áp từ 110-500 kV bị quá tải, có nơi chịu tải lên đến 360%.

Nhiều nhà máy điện mặt trời đang phải giảm phát khoảng 60% công suất do hệ thống truyền tải chưa đáp ứng được công suất sản xuất điện từ các nhà máy điện mặt trời, cá biệt có những dự án chưa nối lưới được do hạ tầng truyền tải yếu.

Cùng với đó, thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, mới ở bước sơ khai, vận hành thí điểm “phát điện cạnh tranh”, chưa có thị trường bán điện cạnh tranh, nên giá điện vẫn là vấn đề nóng, bức xúc của người dân, ảnh hưởng đến đầu tư phát triển năng lượng tái tạo nói chung, điện mặt trời và lồng ghép điện mặt trời với nông nghiệp.

Hơn nữa, còn thiếu sự liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội.

Đề xuất chính sách và giải pháp phát triển năng lượng tái tạo ở ĐBSCL, TS Trần Hữu Hiệp cho rằng, Việt Nam cần ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt.

Ngoài ra, Việt Nam cần ưu tiên tháo gỡ ngay về nhận thức, các nút thắt đang vướng từ thực tiễn liên quan như: Quy định pháp lý, cơ chế chính sách, quy hoạch và tiếp cận quy hoạch theo lợi thế tiềm năng điện mặt trời ít nhất theo tiểu vùng, vùng, chứ không bị đóng khung theo ranh giới hành chính các tỉnh.

Quy hoạch điện lực VIII và các quy hoạch, kế hoạch quốc gia, ngành, cần tích hợp vùng, các quy hoạch cấp tỉnh; liên kết vùng đầu tư kết cấu hạ tầng năng lượng. Hơn nữa, cần đầu tư phát triển hạ tầng truyền tải điện đồng bộ với sự tăng trưởng nguồn phát điện, trong đó có điện mặt trời; thiết lập hệ thống thông tin tích hợp dữ liệu chuyên ngành điện; thúc đẩy nhanh hơn sự vận hành thị trường điện cạnh tranh; tiếp tục xem xét hỗ trợ tài chính phù hợp cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo.

Ngoài việc khắc phục các bất cập đã nêu, TS Trần Hữu Hiệp cho rằng, cần có cơ chế, chính sách, pháp luật về huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực gắn với việc thể chế hóa Nghị quyết 55/NQ-TW, Quy hoạch điện lực VIII, tiến hành điều tra tài nguyên nguồn năng lượng tái tạo tại một số vùng có tiềm năng to lớn về điện mặt trời như ĐBSCL... để làm cơ sở quy hoạch và phát triển các dự án điện mặt trời; tháo gỡ các vướng mắc liên quan về đất đai cho việc đáp ứng “mục tiêu kép” - phát triển điện mặt trời và nông nghiệp.

Theo Kinh Tế Môi Trường

Link gốc : https://kinhtemoitruong.vn/dbscl-nhieu-loi-the-phat-trien-nang-luong-tai-tao-quy-mo-lon-56999.html

Bạn đang đọc bài viết ĐBSCL: Nhiều lợi thế phát triển năng lượng tái tạo quy mô lớn tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương