Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Giải bài toán ‘ách tắc' tại cửa khẩu hàng năm?

TDVN 16:44 21/12/2021

Nhiều tuần qua, việc nông sản Việt lại ách tắc hàng nghìn container ùn ứ ở các cửa biên giới Trung Quốc.

Người lái xe, chủ hàng rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, nhìn những xe nông sản, mồ hôi nước mắt của nông dân hỏng từng ngày. Nhưng đáng báo động đây không phải hi hữu mà trở thành điệp khúc “đến hẹn lại lên” nhiều năm qua.

Nông sản ùn tắc ở các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn.

Liên tiếp nhiều năm nghẽn tại cửa khẩu

Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, từ cuối tháng 11/2021 đến nay, lượng phương tiện chở hàng xuất khẩu lên các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn tăng gấp từ 2 - 3 lần so với trung bình hàng tháng, khoảng 1.500 - 1.700 phương tiện/ngày khiến cho phương tiện bị ùn ứ ngày càng tăng cao.

Cụ thể, sáng ngày 15/12, tại khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tồn trên 1.300 xe; tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh tồn trên 2.400 xe; tại cửa khẩu chính Chi Ma tồn 730 xe.

Theo tính toán của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, để có thể xuất khẩu hết số xe hàng đang tồn sẽ phải mất từ 8 - 10 ngày đối với Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; từ 18 - 25 ngày với Cửa khẩu chính Chi Ma và từ 15 - 22 ngày đối với Cửa khẩu Tân Thanh trong điều kiện xe hàng mới không lên cửa khẩu.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn ứ trên được đơn vị chức năng tỉnh Lạng Sơn đánh giá là do diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, phía Trung Quốc siết chặt quản lý phòng chống dịch, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn gặp rất nhiều khó khăn.

Không riêng gì Cửa khẩu Tân Thanh, hiện nay lượng xe container hàng đông lạnh và hoa quả xuất sang Trung Quốc qua Móng Cái (Quảng Ninh) đến ngày 17/12 vẫn còn kẹt lại khoảng trên 1.000 xe container; trong đó số xe container được thông quan hàng ngày chỉ từ 40 - 50 xe/ngày, khiến lượng xe ùn ứ ở Móng Cái rất lớn.

Tháng 8/2019, hàng nghìn xe container chở quả thanh long xuất khẩu cũng ùn ứ hàng dài chờ Hải quan Trung Quốc giải quyết thủ tục nhập khẩu.

Trước đó, tháng 8/2019, hàng nghìn xe container chở quả thanh long xuất khẩu cũng ùn ứ hàng dài chờ Hải quan Trung Quốc giải quyết thủ tục nhập khẩu. Theo lãnh đạo Chi cục hải quan Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, lúc đó nguyên nhân xe chở quả thanh long ùn ứ được xác định là do đang vào chính vụ thu hoạch quả thanh long của Việt Nam, lượng quả thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc lớn, trung bình mỗi ngày Hải quan Trung Quốc chỉ giải quyết thủ tục nhập khẩu tối đa cho hơn 200 xe container chở thanh long, trong khi lượng xe container chở thanh long về Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành ngày càng nhiều.

“Nguyên nhân do thủ tục Hải quan Trung Quốc hiện áp dụng máy soi hàng nông sản thanh long của mình. Nhưng hiện việc soi các xe thông quan diễn ra chậm nên dẫn đến hiện tượng xe ùn ứ kéo dài. Mấy hôm xe còn ùn ứ cả cao tốc”, vị này nói.

Năm 2020, xuất khẩu nhóm hàng nông lâm sản, thủy sản của Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu trên 41 tỷ USD, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 27%. Còn 9 tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 của nông lâm, thủy sản Việt Nam, đạt gần 6,8 tỷ USD, chiếm 19% thị phần. Nhưng tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu đâu phải mới xảy ra. Nhiều năm qua từng có gạo, dưa hấu, khoai lang, trái cây... ùn ứ vào dịp gần Tết hoặc khi nước bạn "chuyển trạng thái" thông quan.

Những con số này cho thấy bất kể những thay đổi nào trong chính sách nhập khẩu của Trung Quốc đều tác động không nhỏ tới thị trường của Việt Nam. Lúc này cần những giải pháp kịp thời để đẩy mạnh lưu thông, hài hòa lợi ích của các bên.

Còn về lâu dài, nông sản của Việt Nam cần chủ động đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng của các nhà nhập khẩu để khai thác thị trường đầy tiềm năng này, nhất là khi những quy định mới khắt khe hơn chỉ còn một tháng nữa là có hiệu lực.

Giải ‘bài toán nghẽn cửa khẩu’

Theo các chuyên gia, để chữa chứng "nghẽn ở cửa khẩu" đâu chỉ cần liều thuốc trước mắt, ngắn hạn như trên mà cần giải pháp lâu dài, căn cơ của nhiều ngành, thay đổi từ sản xuất, chế biến, vận tải, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa đến quản lý xuất nhập khẩu.

Điều đáng nói là không thể đổ lỗi tất cả cho dịch Covid-19 bởi tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu hiện nay là một hiệu ứng dây chuyền tất yếu, một triệu chứng của bất cập sản xuất - tiêu thụ hàng hóa. Nông nghiệp bị đứt gãy kết nối với công nghiệp chế biến và tiêu thụ với các chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu, dịch vụ logistics cơ bản yếu kém đã lộ diện từ nhiều năm qua.

Cũng cần chấm dứt tình trạng cứ mỗi lần rừng xe tải nằm ở cửa khẩu, vấn đề thay đổi, cơ cấu lại khâu sản xuất, thương mại được nêu ra, rồi mùa sau lại được nhắc đến. Chưa có nhiều tín hiệu thay đổi. Cần hình thành các tổ hợp đủ mạnh để hỗ trợ, chủ động ứng phó, đặc biệt là chuyển đổi căn bản từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và ngành kinh tế tích hợp công thương.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng cần thể hiện rõ hơn vai trò, chủ động ứng phó. Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo, kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tiếp tục mở lại hoạt động các cửa khẩu phụ, lối mở trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Đa số nông sản của Việt Nam chưa có thương hiệu và giá trị thấp.

Bên cạnh việc phối hợp với các bộ, ngành trong việc phối hợp để giúp giải toả ách tắc này, Bộ trưởng Công Thương đã nhiều lần điện đàm/ hội đàm cũng như gửi công thư và nhiều công hàm của Bộ Công Thương tới Lãnh đạo các bộ ngành, địa phương và cơ quan phía của Trung Quốc thúc đẩy giải quyết những vướng mắc, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Đầu tháng 12, Bộ trưởng Công Thương một lần nữa có thư gửi tới các đối tác phía Trung Quốc (Bộ trưởng Thương mại, Tổng cục trưởng hải quan, Bí thư Quảng Tây) đề nghị các giải pháp cụ thể tháo gỡ tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực biên giới.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với phía Trung Quốc tổ chức Kỳ họp lần thứ nhất Nhóm Công tác thuận lợi hóa thương mại Việt - Trung nhằm tìm kiếm các giải pháp tạo thuận lợi cho thương mại song phương; chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương chủ động nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa và các vấn đề liên quan khác tại khu vực cửa khẩu.

Theo ông Trần Quốc Toản, Bộ Công Thương đã liên tục phổ biến thông tin, quy định mới của thị trường Trung Quốc cho các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu nhằm thúc đẩy đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc, tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam…

Theo Đại đoàn kết

Link gốc : http://daidoanket.vn/giai-bai-toan-ach-tac-tai-cua-khau-hang-nam-5675805.html

Bạn đang đọc bài viết Giải bài toán ‘ách tắc' tại cửa khẩu hàng năm? tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương
Năm 2013, dự án “Tổ hợp sản xuất tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao” đóng tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương (Nghệ An) được tỉnh này chấp thuận chủ trương đầu tư.