Hiệu lực giấy xét nghiệm- mỗi địa phương một kiểu
Do tính chất ngành hàng phải đáp ứng các đơn hàng theo đúng tiến độ giao hàng với đối tác, các doanh nghiệp dệt may đang đứng ngồi không yên trước tình trạng xe chở hàng hóa, nguyên phụ liệu bị ách tắc khi di chuyển qua các tỉnh. Mặc dù Bộ Y tế đã có công văn số 5753/BYT-MT ngày 19/7/2021 hướng dẫn về xét nghiệm và tạo điều kiện cho người vận chuyển hàng hóa, theo đó, kết quả xét nghiệm PCR hoặc test nhanh kháng nguyên có hiệu lực trong 72 giờ kể từ khi lấy mẫu. Tuy nhiên, hiện các địa phương đang mỗi nơi làm một kiểu về quy định xét nghiệm Covid-19 với lái xe.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy- Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Bắc Giang cho biết, ngày 24/7/2021, UBND TP.Hải Phòng ra công văn số 4958/UBND-VX yêu cầu, những trường hợp từ Hà Nội về có giấy xét ngiệm âm tính Sars-CovV-2 bằng phương pháp RT-PCR do các cơ sở được phép xét nghiệm khẳng định Covid-19 tại Hà Nội thì thành phố mới xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể.
Còn một số chốt ở Hải Dương, như chốt Tiền Trung (từ đường 5 cũ sang QL 37) lại tính test nhanh chỉ có hiệu lực trong ngày, trong khi lẽ ra test nhanh có hiệu lực trong 24h, tức là đến sáng hôm sau. Trong trường hợp không kịp làm xét nghiệm thì phải quay đầu xe về làm xét nghiệm sau mới được đi.
Hơn nữa, thời gian được sử dụng kết quả xét nghiệm PCR là 72 giờ trong khi làm xét nghiệm PCR phải mất gần 2 ngày từ khi lấy mẫu đến khi có kết quả. Như vậy lái xe chi còn 1,5-2 ngày để sử dụng giấy xét nghiệm đó, trong khi chi phí xét nghiệm lên tới 720.000 đồng. Do vậy, công ty không sử dụng PCR nữa mà chuyển sang test nhanh với mức chi phí 200.000 đồng. Tuy nhiên, do các tài xế đổ xô đi làm test nhanh, nên xảy ra tình trạng xếp hàng, chờ đợi lấy mẫu, lấy kết quả mất nhiều thời gian, có khi cả buổi, do vậy, thời gian còn lại đi làm thực tế chỉ còn nửa ngày- bà Thủy cho hay.
Cần thực hiện theo một phương án nhất quán tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển hàng hóa |
Việc thực hiện các quy định phòng chống dịch Covid-19 không nhất quán, mỗi địa phương làm một kiểu đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Với việc vận tải bị ách tắc, nguy cơ phải trả chi phí giao hàng bằng máy bay để kịp tiến độ theo yêu cầu của khách là rất cao. Thậm chí doanh nghiệp có nguy cơ bị huỷ hàng. Mặc khác, hàng nhập không về cũng không có nguyên phụ liệu để sản xuất dẫn đến ngừng sản xuát hoặc đứt quãng. Như vậy, kể cả hàng đi hàng đến, doanh nghiệp đều đang gặp rất nhiều vấn đề liên quan đến việc kiểm tra giấy thông hành xét nghiệm Covid-19.
Cần sớm tháo gỡ ách tắc
Các doanh nghiệp cho biết, để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, doanh nghiệp đã phải tốn thêm rất nhiều chi phí. Chẳng hạn ở May Bắc Giang, doanh nghiệp đang áp dụng theo quy định của địa phương là 1 tuần xét nghiệm tầm soát PCR 1 lần cho toàn bộ cán bộ, nhân viên với quy mô trên 2.000 lao động, chi phí khoảng hơn 100.000/người/tuần. Như vậy, mỗi tháng, doanh nghiệp đã phải tốn thêm chi phí mấy trăm triệụ đồng. Cùng với đó là những chi phí khác như: khử khuẩn thường xuyên, công tác thực hiện phòng chống Covid tại doanh nghiệp như giãn cách, chi phí dịch vụ tăng 50%...
Lãnh đạo các đơn vị dệt may cho biết, hiện doanh nghiệp đang cố gắng duy trì sản xuất để giữ đơn hàng của khách, duy trì mối làm ăn lâu dài, tìm cơ hội bù đắp chi phí cho năm nay, cùng với đó là công ăn việc làm của hàng ngàn lao động. Tuy nhiên, với tình trạng khó khăn hiện nay, nguy cơ xuất hàng chậm và phải bồi thường đơn hàng do giao không đúng tiến độ là hiện hữu. Dệt may là ngành có nhiều lao động nếu tình trạng này kéo dài, khả năng các nhà nhập khẩu sẽ bỏ đi tìm thị trường mới, doanh nghiệp sẽ không còn lực để lo cho công nhân, thiệt hại là không đo đếm nổi.
Các doanh nghiệp cho rằng, việc áp dụng quy định chống dịch không thống nhất giữa các địa phương đang gây khó khăn rất lớn, làm đội chi phí. Quy định kết quả xét nghiệm Covid-19 chỉ có hiệu lực trong 24h là quá ngắn, gây tốn kém cho doanh ngiệp. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các địa phương cần quy định thờ gian trả kết quả, ưu tiên trả kết quả sớm cho tài xế vận chuyển hàng hóa và áp dụng thống nhất tại các địa phương.
Bà Hoàng Ngọc Ánh- Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho rằng, các quy định về chống dịch, nhất là vấn đề hiệu lực giấy xét nghiệm Covid-19 cần phải thực hiện theo một phương án nhất quán, theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển hàng hóa; văn bản hướng dẫn cần rõ ràng, dễ hiểu để chốt kiểm soát tại các địa phương cùng thực hiện đồng loạt. Có như vậy thì mới ngăn chặn được nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, đảm bảo được việc làm cho người lao động, thực hiện được mục tiêu kép mà Chính phủ đã đặt ra.
Theo VietQ