Hà Nội, Thứ Năm Ngày 28/03/2024

Ngân hàng nào chủ nợ lớn nhất của Tôn Hoa Sen?

NCĐT 06:23 11/02/2020

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank, HoSE: CTG) đã cho Tôn Hoa Sen vay hàng ngàn tỷ đồng…

Tại thời điểm cuối quý I niên độ tài chính 2019-2020, Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) đang vay Ngân hàng hơn 8.557 tỷ đồng tại các Ngân hàng (bao gồm cả vay ngắn hạn và dài hạn). Trong đó, Ngân hàng Vietinbank là chủ nợ lớn nhất của Hoa Sen khi cho doanh nghiệp này vay hơn 3.992 tỷ đồng, trong đó hơn 1.854 tỷ đồng là cho vay ngắn hạn.

Tiềm lực tài chính của chủ nợ lớn nhất của Tôn Hoa Sen, Ngân hàng Vietinbank ra sao?

Kết quả kinh doanh năm 2019 tăng trưởng mạnh mẽ

Theo số liệu trên báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 của Vietinbank, cả năm 2019 Ngân hàng này ghi nhận hơn 9.478 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng hơn 79,6% so với năm 2018.

Theo đánh giá của SSI Research, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán SSI, kết quả kinh doanh cải thiện đáng kể, không chỉ nhờ vào hệ số NIM và thu nhập từ phí tăng mạnh mà còn thể hiện chi phí hoạt động được quản lý tốt hơn.

Cụ thể, hệ số NIM cải thiện đáng kể, với cho vay SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ) và cho vay cá nhân đóng vai trò quan trọng hơn trong tổng giá trị cho vay; tăng tỷ trọng từ 49% trong năm 2018 lên 56% trong năm 2019.

Trong năm 2019, thu nhập từ phí và hoa hồng tăng vọt 43% so với năm 2018, trong khi lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 120%. Thu nhập ròng ngoài lãi cũng tăng 28% so với năm 2018, chiếm 22% tổng thu nhập hoạt động. Trong năm, Vietinbank đã thu được 1.000 tỷ đồng từ các khoản nợ xấu bán cho VAMC.

Đẩy nhanh xử lý nợ xấu

Theo phân tích của SSI Research, Vietinbank ưu tiên đẩy nhanh việc trích lập chi phí dự phòng cho nợ xấu còn tồn đọng. Cụ thể, Ngân hàng trích lập dự phòng cho 37% số dư gộp trái phiếu VAMC trong năm 2019, làm giảm số dư ròng trái phiếu VAMC 44,8% so với đầu năm (tương đương giảm 5.020 tỷ đồng).

Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống dưới 1,2% từ 1,59% trong năm 2018. Nợ xấu nhóm 5 giảm trong năm 2019 so với năm 2018. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tăng lên 128% từ 93% trong năm 2018.

Trong năm 2020, Vietinbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 12.600 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước.

CTG đặt mục tiêu tiếp tục chuyển sang cho vay SME và cho vay cá nhân nhiều hơn; tăng từ 56% ở mức hiện tại lên 58% trong năm 2020 và tăng lên đến 60-62% trong năm 2023.

Theo số liệu của SSI Research, hiện tại CTG có 55.000 khách hàng doanh nghiệp vẫn chưa thanh toán lương qua CTG, và ngân hàng đặt mục tiêu tăng cường khai thác các khách hàng này. Với tình trạng vốn hạn chế như hiện nay, CTG sẽ tập trung cung cấp gói giải pháp tài chính cho nhân viên của các khách hàng truyền thống là doanh nghiệp thanh toán lương (tổng cộng có 2 triệu khách hàng cá nhân), thay vì chỉ dựa vào các sản phẩm tín dụng. Bằng cách này, CTG dự kiến cải thiện hệ số NIM, đa dạng hóa thu nhập phí và giảm hệ số rủi ro tài sản trong khi vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng.

Cũng trong năm này, Vietinbank dự kiến nâng mức vốn điều lệ sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép trả cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2017 và 2018 (7% mỗi năm), thay vì trả bằng tiền mặt. Dự thảo sửa đổi Nghị định 32/2018 được đề xuất phê duyệt, bao gồm ngành ngân hàng trong danh sách đầu tư của Nhà nước. Nếu bản dự thảo được thông qua, sẽ có thêm dư địa để CTG huy động vốn bằng các cách thức khác. Trong trường hợp này, mục tiêu tăng trưởng của CTG có thể sẽ được nâng lên.

(*) Hệ số NIM (Net Interest Margin) là sự chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng. Hệ số này cho biết hiện các ngân hàng đang thực sự hưởng chênh lệch lãi suất giữa hoạt động huy động và hoạt động đầu tư tín dụng là bao nhiêu.

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng nào chủ nợ lớn nhất của Tôn Hoa Sen? tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng