Theo thông tin được Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố, CTCP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà vừa phát hành thành công 100 tỉ đồng trái phiếu đợt 1 vào ngày 31/1. Tổ chức đứng ra ôm trọn lô trái phiếu này là Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank - Mã: MBB) - Chi nhánh Hoàng Quốc Việt. Thông báo cho biết trái phiếu phát hành là trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản đảm bảo.
Trái phiếu có kì hạn 8 năm; kì hạn tính lãi 3 tháng/lần với lãi suất áp dụng cho trái phiếu được tính bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tham chiếu tại MBBank - Sở Giao dịch áp dụng cho khoản tiền gửi tiết kiệm trên 200 tỉ đồng (kì hạn 24 tháng) cộng với biên độ 2,9%/năm. Theo CTCP Cáp treo Bà Nà, số tiền huy động sẽ được công ty dùng để thực hiện đầu tư Dự án Tuyến cáp treo số 6 Bà Nà Hills và các công trình phụ trợ thuộc quần thể dự án Bà Nà - Suối Mơ. Trước đó, MBBank cũng là đơn vị mua trọn 300 tỉ đồng trái phiếu do CTCP Cáp treo Bà Nà phát hành trong hai đợt vào tháng 7 và tháng 8/2019. Không chỉ MBBank, trong năm 2019, CTCP Cáp treo Bà Nà đã phát hành thành công lượng trái phiếu có tổng giá trị 1.340 tỉ đồng cho Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) Cụ thể, trong tháng 5/2019, Cáp treo Bà Nà đã phát hành 600 tỉ đồng.
Công ty cáp treo Bà Nà phát hành nhiều trái phiếu để huy động vốn xây dựng |
Tiếp theo, ngày 27/6, Công ty tiếp tục phát hành thành công 740 tỉ đồng trái phiếu nữa cho Techcombank. Hai lô trái phiếu trên là loại trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản đảm bảo kì hạn 7 năm, lãi suất cho 4 kì đầu tiên là 10,3%; các kì sau được tính bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân kì hạn 12 tháng tại 4 Ngân hàng BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank cộng với biên độ 3,6%. Với tổng kinh phí đầu tư hơn 30 triệu Euro, cáp treo Bà Nà sở hữu 4 kỷ lục thế giới là cáp treo một dây dài nhất thế giới ( 5.801 m); độ chênh giữa ga đi và ga đến cao nhất thế giới (1,368.93m); chiều dài một sợi cáp không nối dài nhất thế giới (11.587m); cuộn cáp nặng nhất thế giới (141,24 tấn). Đây cũng là tuyến cáp treo duy nhất trên thế giới lập cùng lúc 4 kỷ lục Guinness thế giới.
Theo tìm hiểu, cáp treo Bà Nà do tập đoàn Sungroup xây dựng của đại gia Lê Viết Lam. Cáp treo không phải là lĩnh vực duy nhất của đại gia Lê Viết Lam. Trước khi đổ 4.400 tỉ vào dự án Cáp treo Mường Hoa - Fansipan, Lê Viết Lam là ông chủ của hàng loạt dự án bất động sản lớn như The French Village tọa lạc trên diện tích 6 ha tại Bà Nà Hill với tổng vốn đầu tư khoảng 70 triệu USD; The Sun Villas bao gồm 118 biệt thự có thiết kế hiện đại, sang trọng với tổng nguồn vốn 65 triệu USD; InterContinental Danang Resort - khu nghỉ dưỡng 197 phòng tại bãi Bắc bán đảo Sơn Trà; Novotel Danang Premier Han River, tòa nhà cao nhất miền Trung... Lê Viết Lam được mệnh danh là “vua cáp treo” bởi ông là “tác giả” của hàng loạt các dự án cáp treo khắp cả nước như: Cáp treo Bà Nà (Đà Nẵng), cáp treo Fansipan và hàng loạt các dự án tên tuổi khác.
Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh đang có sự dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang phát hành trái phiếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát triển nóng với nhiều hình thức đang được triển khai, trong đó bao gồm cả hình thức không minh bạch, lợi dụng phát hành trái phiếu cho mục tiêu “đặc biệt” của doanh nghiệp.
Nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc huy động vốn, tăng khả năng quản lý giám sát, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, hướng tới mục tiêu phát triển thị trường TPDN an toàn, bền vững, minh bạch, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung ngay một số điều của Nghị định 163. Việc sửa đổi ngay một số điều, khoản tại Nghị định số 163 cũng thúc đẩy các doanh nghiệp huy động vốn theo phương thức phát hành ra công chúng và niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán, phù hợp với định hướng mở rộng thị trường chính thức, thu hẹp thị trường tự do để đảm bảo sự quản lý, giám sát của Nhà nước.
Nhằm hạn chế tình trạng DN có quy mô vốn nhỏ phát hành trái phiếu với khối lượng lớn tiềm ẩn rủi ro cho cả DN phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu, dự thảo Nghị định bổ sung điều kiện về giới hạn khối lượng phát hành trái phiếu theo hướng DN phát hành phải đảm bảo dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ không vượt quá 03 lần vốn chủ sở hữu tại báo cáo tài chính quý gần nhất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngân hàng MBBank và Techcombank là 2 nhà băng ôm nhiều trái phiếu của doanh nghiệp. Hiện nay Bộ Tài Chính, Ngân hàng nhà nước đang siết việc phát hành và giao dịch mua bán trái phiếu doanh nghiệp nhằm minh bạch tài chính tránh tình trạng móc ngoặc giữa các hoạt động giao dịch. |
Trường hợp DN muốn phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu thì lựa chọn kênh phát hành ra công chúng với tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn và công khai, minh bạch hơn. Bổ sung điều kiện về khoảng cách giữa các đợt phát hành như sau: Nhằm hạn chế việc các DN chia nhỏ phát hành trái phiếu thành nhiều đợt với nhiều mã cho các nhà đầu tư cá nhân, lách quy định về phạm vi phát hành riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư và hạn chế giao dịch trong vòng 1 năm tại Nghị định 163, dự thảo Nghị định bổ sung điều kiện đợt phát hành trái phiếu sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng và quy định trái phiếu phát hành trong mỗi đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản.
Theo ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, mục đích mua trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng không ngoài việc cung cấp dòng vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp bên cạnh dòng vốn tín dụng. Đồng thời, bằng cách này, ngân hàng cũng đa dạng hình thức đầu tư và giải ngân vốn với doanh nghiệp. Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trên thị trường thế giới, trái phiếu doanh nghiệp là kênh đầu tư thông dụng của ngân hàng. Lãi suất của chứng khoán nợ này tương đối cao, đặc biệt là những lĩnh vực rủi ro cao. Mới đây, NHNN chỉ ra 4 nguyên nhân khiến hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng tiềm ẩn rủi ro.
Văn bản NHNN nêu rõ một số đơn vị có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh. Số dư đầu tư trái phiếu vào bất động sản, xây dựng lớn khi thị trường bất động sản chưa phục hồi vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số ngân hàng đầu tư trái phiếu với mục đích khác ở mức cao, biến động lớn, khó kiểm soát. Cuối cùng, NHNN nhắc chuyện ngân hàng đầu tư trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành trong năm 2019. NHNN yêu cầu các ngân hàng cần rà soát và kiểm soát hoạt động đầu tư trái phiếu.
Ông Cấn Văn Lực cho rằng động thái trên nhằm đề phòng các rủi ro trong đầu tư trái phiếu. Theo ông Lực, hoạt động đầu tư trái phiếu của ngân hàng tiềm ẩn sự thiếu minh bạch và giá trị đầu tư có thể là quá nhiều tại doanh nghiệp. Mặt khác, hoạt động bất động sản, xây dựng lâu nay vốn tiềm ẩn nhiều biến động khiến khoản đầu tư trở nên rủi ro.
Còn theo ông Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng khi mua trái phiếu thì cần phân tích tình hình cũng như chất lượng tài sản của doanh nghiệp. Các ngân hàng làm ăn bài bản thường không có sự khác biệt giữa cho vay tín dụng thông thường và đầu tư trái phiếu của doanh nghiệp. Nếu ngân hàng bỏ qua phần phân tích tín dụng và chất lượng tài sản, rủi ro sẽ nhiều hơn.
Đề cập đến việc rủi ro khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu để đảo nợ, vị chuyên gia nhận định khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có nợ xấu sẽ được ghi nhận vào nợ xấu của ngân hàng
Công ty Chứng khoán MB, 6 tháng đầu năm 2019 có khoảng 70.000 tỷ đồng trái phiếu được phát hành với hơn 1/3 lượng phát hành thuộc về nhóm doanh nghiệp bất động sản với lãi suất phổ biến bình quân 9,5 - 11%/năm, cá biệt có đơn vị lãi suất 11,75-14%/năm như Phát Đạt, Novaland, Văn Phú...