Ban Nội chính chỉ đạo rõ đâu xử lý đến đó
Ngày 29-5, Ban Nội chính Trung ương đã có thông tin đến báo chí về cuộc làm việc của Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc tại TP.HCM.
Theo đó, ông Phan Đình Trạc - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Nội chính Trung ương, phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng - đã có buổi làm việc với Thường trực Thành ủy TP.HCM để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận của thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng liên quan đến các sai phạm xảy ra tại khu đô thị mới Thủ Thiêm và các vụ án, vụ việc khác.
Ông Trạc đánh giá, thời gian qua, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM đã nghiêm túc, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương, nỗ lực khắc phục hậu quả thiệt hại, xử lý các sai phạm theo các kết luận, kiến nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước.
Tuy nhiên, để bảo đảm tiến độ xử lý theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ, trong thời gian tới, đề nghị Ban thường vụ Thành ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ.
Đối với sai phạm xảy ra tại Tổng công ty Lương thực miền Nam do Thanh tra Chính phủ kiến nghị, đề nghị cơ quan điều tra đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc đã được Thanh tra Chính phủ chuyển đến.
Ông Phan Đình Trạc đề nghị Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm với tinh thần có vụ việc phải xác minh, làm rõ.
Tích cực, khẩn trương, "rõ đến đâu xử lý đến đó", có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố, điều tra, kết luận có tội phải truy tố, xét xử. Vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự phải xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể.
Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm, chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán mới chuyển.
Quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thì báo cáo ngay cho phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo và hai phó trưởng ban để tham mưu cho Tổng bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ đạo, xử lý.
Đồng thời chuyển ngay thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của Đảng, báo cáo kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trước ngày 30-6-2021.
Ngân hàng SCB cho "dự án ma" vay hàng nghìn tỷ, MSB, Techcombank 'dính' ra sao?
Theo Thanh tra Chính phủ, Tổng Công ty Lương thực miền Nam (gọi tắt là Vinafood 2) cố ý làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là có cơ sở.
Liên quan đến việc phát hiện và xử lý sai phạm trong quản lý đất công tại 4 cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước tọa lạc tại các địa chỉ: 33 đường Nguyễn Du, 34-36-42 đường Chu Mạnh Trinh, quận 1, TPHCM, trong Kết luận số 2099/BC-TTCP ngày 2/12/2020, Thanh tra Chính phủ khẳng định: Các cơ quan báo chí phản ánh tình trạng “xẻ thịt” đất công bằng cách xin chủ trương, dự án khai thác đất công, sau đó mang góp vốn, hợp tác với đối tác bên ngoài và cuối cùng thoái vốn, cũng như việc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (gọi tắt là Vinafood 2) cố ý làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là có cơ sở.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc quản lý, sử dụng 4 cơ sở nhà đất nói trên có thiếu sót, không thống nhất một đầu mối, quản lý chồng chéo, không chặt chẽ. Cùng một lúc có 2 chủ thể cùng quản lý các cơ sở nhà, đất nói trên là UBND TPHCM và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong khi đó, chủ thể trực tiếp sử dụng 4 cơ sở nhà đất nói trên là 34 hộ dân nguyên là cán bộ, nhân viên làm việc cho Vinafood 2. Đồng thời, 4 toà nhà cao tầng và các công trình khác tại địa chỉ 42 đường Chu Mạnh Trinh đã bị tháo dỡ, đập phá không phép để làm bãi giữ xe ô tô nhưng không cơ quan nào quản lý.
Tổng Công ty Vinafood 2 đã 4 lần làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, không thực hiện lập lại phương án sắp xếp lại 4 cơ sở nhà, đất, không lựa chọn được đối tác bảo đảm đủ năng lực thực hiện dự án, thực hiện thoái vốn không chặt chẽ, không thực hiện lập phương án bồi thường, hỗ trợ di dời 34 hộ dân. Hiện vẫn còn 30/34 hộ dân vẫn đang trực tiếp sử dụng các cơ sở nhà, đất trên với 150 nhân khẩu, trong đó có 5 hộ đã nhận tiền hỗ trợ, di dời.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ Vinafood 2 không triển khai dự án mà sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên để thế chấp đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho 4 công ty thành viên vay ngân hàng; lập nhiều hồ sơ vay bằng dự án đầu tư khống trong khi thực tế không tồn tại dự án, không có thủ tục xin lập dự án, không có phê duyệt dự án của cơ quan có thẩm quyền.Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ hàng loạt sai phạm khác từ tháng 1/2016 đến nay như việc 4 lần Vinafood 2 chuyển nhượng vốn góp trong Công ty TNHH Thương mại dịch vụ kinh doanh Việt Hân Sài Gòn (gọi tắt là Công ty Việt Hân Sài Gòn) là công ty con của Công ty TNHH Thương mại Quảng cáo Xây dựng Địa ốc Việt Hân (gọi tắt là Công ty Việt Hân); lợi dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB971073 (cấp cho Công ty Việt Hân Sài Gòn) để vay vốn ngân hàng trái pháp luật.
Tại dự án 33 Nguyễn Du, 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ việc Vinafood 2, Công ty Việt Hân Sài Gòn không triển khai dự án mà sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên để thế chấp đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho 4 công ty thành viên vay ngân hàng.
Cụ thể, vào tháng 12/2014, Vinafood 2 ký hợp đồng vay Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) 850 tỷ đồng và được giải ngân hơn 518 tỷ đồng (vào tháng 3/2015). Đến tháng 12/2015, Vinafood 2 đã trả hết nợ gốc và lãi vay gần 550 tỷ đồng. Tiếp đó, vào tháng 4/2016, ông Đinh Trường Chinh, đại diện pháp luật của Công ty Việt Hân Sài Gòn ký hợp đồng thế chấp với Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (MSB) để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông (mua 99% vốn góp của Công ty Việt Hân Sài Gòn) và đã được MSB đã giải ngân 1.683 tỷ đồng. Đến tháng 1/2017, Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông đã trả hết nợ gốc và lãi.
Ngay sau đó, bà Trương Thị Cẩm Giang, Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Công ty Việt Hân Sài Gòn ký hợp đồng thế chấp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ vay cho 9 hồ sơ và đã được giải ngân hơn 5.801 tỷ đồng. Đến tháng 8/2017, Công ty Việt Hân Sài Gòn đã trả hết nợ gốc và lãi vay của 7 hợp đồng và đến tháng 4/2018 trả hết gốc và lãi của 2 hợp đồng còn lại. Tiếp đó, bà Trương Thị Cẩm Giang tiếp tục ký hợp đồng thế chấp tài sản vay từ Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho 7 hồ sơ khách hàng vay vốn và đã được giải ngân hơn 5.371 tỷ đồng. Đến tháng 8/2018, ngân hàng giải ngân và 1 năm sau, Công ty Việt Hân Sài Gòn đã trả hết nợ gốc và lãi.
Chưa dừng lại đó, bà Trương Thị Cẩm Giang tiếp tục dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 4 cơ sở, nhà đất tại 33 Nguyễn Du, 34-36-42 Chu Mạnh Trinh ký hợp đồng thế chấp vay Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch và được giải ngân hơn 6.308 tỷ đồng. Số tiền này đã giải ngân trong cùng một ngày 28/8/2018 cho 7 hồ sơ vay.
Đến tháng 4/2019, 7 công ty là 7 khách hàng vay đã chủ động đề nghị dùng các bất động sản tại dự án khu dân thuộc khu chức năng số 9 đô thị mới Nam Thành phố Hồ Chí Minh (tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) làm tài sản bảo đảm thay thế cho 4 thửa đất số 33 Nguyễn Du, 34-36-42 Chu Mạnh Trinh (Quận 1). Hiện SCB đã thu hồi hết tiền cho vay kèm tiền lãi theo quy định của khoản vay này.
Đáng chú ý, trong các lần vay SCB, trong hồ sơ của Công ty Việt Hân Sài Gòn đều có chứng thư xác định giá trị tài sản đảm bảo là hơn 7.250 tỷ đồng và tài sản thế chấp phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài ra, ở các lần cho vay, các ngân hàng Techcombank, MSB và SCB đều đã được thanh toán toàn bộ tiền vay và lãi phát sinh.
Khi đoàn thanh tra liên ngành vào cuộc kiểm tra, tất cả công ty này đã chủ động đề nghị dùng tài sản khác để thế chấp. Đó là các bất động sản tại dự án khu dân cư lô 9A2 khu 9A+B, khu chức năng số 9 Đô thị mới Nam TP. HCM, tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, thuộc sở hữu của Công ty CP Đầu tư và phát triển bất động sản Việt Liên Á làm tài sản bảo đảm thay thế cho 4 thửa đất số 33 Nguyễn Du, 34-36-42 Chu Mạnh Chinh.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, dự án trên không tồn tại, không có thủ tục xin lập dự án, không có phê duyệt dự án của các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, việc thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng nói trên vi phạm các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Chính sách tín dụng, Quy trình lõi cấp tín dụng, Quy chế phán quyết cấp tín dụng của ngân hàng thương mại cổ phần.
Qua đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng thanh tra toàn diện hoạt động cấp tín dụng trong giai đoạn từ 2013 đến nay và các khoản vay liên quan tới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản trên đất tại 4 cơ sở nhà đất (33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh). Đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân liên quan tới sai phạm.
Đối với ngân hàng, hoạt động cấp tín dụng cho các doanh nghiệp chủ đầu tư thực hiện dự án là hoạt động cơ bản của ngân hàng, đem lại nguồn thu chủ yếu của các ngân hàng thương mại. Ngược lại, doanh nghiệp mang dự án đi thế chấp tại các ngân hàng để lấy tiền triển khai dự án đầu tư là nhu cầu thiết yếu trong hoạt động đầu tư kinh doanh và lâu nay vẫn thường xuyên diễn ra.
Tuy nhiên, tình trạng nhiều dự án tính không đúng không đủ dẫn đến không sinh ra lợi nhuận gây thua lỗ và không có dòng tiền để trả lại cho ngân hàng khiến nguy cơ về nợ xấu tăng cao. Các ngân hàng phải đối mặt với rủi ro tín dụng gây ra tổn thất về tài chính nghiêm trọng, hơn nữa có thể làm cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng bị thua lỗ, thậm chí là phá sản ngân hàng gây ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia. Do đó, pháp luật đã quy định rất rõ ràng về hoạt động này.
Cụ thể, Điều 147, Luật Nhà ở 2014 có quy định, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó.
Bên cạnh đó, Thông tư 26/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chỉ rõ: Chủ đầu tư được thế chấp dự án hoặc nhà ở hình thành trong tương lai xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng để vay vốn phục vụ cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó. Tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở hình thành trong tương lai trên thửa đất ở hợp pháp của mình được thế chấp nhà ở này tại tổ chức tín dụng để vay vốn phục vụ cho xây dựng nhà ở đó.
Tuy nhiên, theo quy định Luật nhà ở 2014 và Thông tư 26/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở và thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai chủ đầu tư phải đáp ứng các điều kiện: Trường hợp chủ đầu tư thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì phải có hồ sơ dự án, có thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt và đã có Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Trường hợp chủ đầu tư thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai xây dựng trong dự án thì ngoài điều kiện trên, nhà ở thế chấp phải thuộc diện đã xây dựng xong phần móng theo quy định của pháp luật về xây dựng và không nằm trong phần dự án hoặc toàn bộ dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp…
Cũng theo quy định tại Thông tư 26/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khi thực hiện giao dịch chủ đầu tư phải cung cấp hồ sơ thế chấp để vay vốn tại tổ chức tín dụng bao gồm các giấy tờ sau: Hồ sơ dự án, thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt; Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bản gốc); Hợp đồng thế chấp phù hợp với quy định của pháp luật; Các giấy tờ khác (nếu có)…
Bên cạnh đó, pháp luật cũng đã có nhiều quy định về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức có liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động tín dụng của tổ chức tín dụng như Luật tổ chức tín dụng 2010, các Thông tư, Nghị định hướng dẫn… nhằm đảm bảo an toàn hoạt động đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng cũng như từng của từng tổ chức tín dụng.
Như vậy, có thể thấy về mặt pháp luật đã có các quy định làm cơ sở pháp lý cho hoạt động cấp tín dụng dự án của các ngân hàng thương mại đối với các chủ đầu tư là rất rõ ràng và chặt chẽ bao gồm các quy định điều kiện thế chấp, trình tự thủ tục, hồ sơ cho vay.
Nhìn lại những năm qua, ngành ngân hàng từng chứng kiến liên tiếp hàng loạt những “đại án” gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng như đại án xảy ra ở ngân hàng ACB, Ngân hàng Xây Dựng VNCB, đại án OceanBank, đại án BIDV… xung quanh những vụ án này, nhiều chuyên gia đã phân tích, mổ xẻ tìm ra những kẽ hở, yếu kém để đưa ra giải pháp ngăn chặn.
Trao đổi với PV Pháp lý, một chuyên gia lâu năm trong ngành ngân hàng cho rằng, những sai phạm của ngân hàng trong mấy năm vừa qua đến từ rất nhiều nguyên nhân. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính là sự lạm dụng quyền hành trong ngân hàng. Rất nhiều sai phạm đều bắt nguồn từ Chủ tịch hội đồng quản trị hoặc người được Chủ tịch hội đồng quản trị tiếp tay, từ việc phê chuẩn những tín dụng cho các bên liên quan, cho các công ty con, công ty liên quan của các thành viên hội đồng quản trị cho đến lập chứng từ khống để cho vay…
Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Võ Thanh Hà, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Sabeco. Theo đó, xem xét trách nhiệm liên quan đến các sai phạm trong quản lý, sử dụng khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP HCM; xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đồng chí Võ Thanh Hà, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).