Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc phủ sóng tài chính toàn diện đang gặp nhiều khó khăn, 30% khách hàng chưa có tài khoản còn lại là những khách hàng khó mở rộng, tiếp cận nhất, đây cũng là đối tượng rất cần tới tài chính toàn diện.
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đặt ra mục tiêu năm 2025 sẽ có ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác.
Tài chính toàn diện (financial inclusion) hay còn gọi là tài chính bao trùm, là các dịch vụ tài chính được cung ứng tới mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương, theo cách thức thuận tiện và phù hợp với nhu cầu.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho rằng, chiến lược tài chính toàn diện sẽ khó đạt mục tiêu nếu người dân không được mở tài khoản trực tuyến, không có hệ thống tài khoản đa cấp độ, không có hệ thống đại lý ngân hàng - cánh tay nối dài của ngân hàng - để làm điểm nạp và rút tiền...
Được biết, trong tháng 9 này, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình được các Nghị định liên quan đến các vấn đề lớn như: đại lý ngân hàng, tiền điện tử, thanh toán quốc tế, Mobile Money. Bên cạnh đó, eKYC (xác thực điện tử) chính là “vé gửi xe” để mở rộng tài khoản cá nhân, cơ sở để thúc đẩy tài chính toàn diện.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, để góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, có ba nội dung phải xử lý: eKYC, điện toán đám mây, tín dụng cho khách hàng cá nhân. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đang gấp rút hoàn thiện Thông tư hướng dẫn, khả năng sẽ ban hành trong tháng 9 này.