Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

Mạo danh nhân viên ngân hàng lừa đảo: Nhận biết ra sao?

VIETQ 06:31 11/09/2020

Ngân hàng SCB cảnh báo hiện tượng mạo danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo

Đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết, thời gian vừa qua đã phát hiện một số đối tượng mạo danh nhân viên của SCB gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email lừa đảo thu phí mở thẻ tín dụng giả nhằm chiếm đoạt tiền khách hàng.

Các đối tượng này sử dụng các thiết bị viễn thông, đa phương tiện như: Lập trang web, gửi thư điện tử gắn với tên thương hiệu SCB, gọi điện thoại, gửi tin nhắn, email tự xưng là nhân viên SCB để tiếp thị, chào mời khách hàng mở thẻ tín dụng với nhiều ưu đãi lớn.

Khách hàng sẽ nhận được nội dung thông báo: “Khách hàng đã được SCB phê duyệt 01 khoản vay tín chấp hoặc 01 thẻ tín dụng”. Sau đó, các đối tượng gian lận chuyển 1 tấm thẻ nhựa đến khách hàng bằng đường bưu điện và yêu cầu người nhận trả phí phát hành thẻ với số tiền nhất định (với số tiền khoảng 300 ngàn đồng trở lên). Sau khi nhận được tiền, các số điện thoại đã liên hệ với khách hàng đều mất tín hiệu và đương nhiên khách hàng cũng không thể sử dụng chiếc thẻ giả này.

Thẻ tín dụng giả thường được làm bằng tấm nhựa bình thường, có thông tin sơ sài, mẫu mã kém thẩm mỹ, có các thông tin cố tình bắt chước logo và mẫu mã của các tổ chức thẻ tín dụng quốc tế và SCB, ví dụ: mặt trước có tên và dãy số, mặt sau thẻ giả có ô mã vạch kèm những con số.

Để nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo, tránh thiệt hại về tài sản, SCB khuyến cáo các cá nhân, tổ chức cẩn trọng, cảnh giác và thực hiện những nội dung sau:

- Cảnh giác với điện thoại, tin nhắn, email xưng danh nhân viên SCB để tiếp thị và hướng dẫn mở thẻ tín dụng không rõ ràng và yêu cầu phải chuyển khoản, thu phí mở thẻ, vay vốn.

- Khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép.

- Khách hàng không truy cập và thực hiện giao dịch tín dụng trên các link, website lạ nhận được qua điện thoại, tin nhắn, email.

- Khách hàng tuyệt đối không nạp tiền/chuyển khoản cho người lạ hoặc những người có dấu hiệu nghi vấn.

- Khách hàng giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ Internet Banking và thẻ do SCB cung cấp; không cung cấp các thông tin bảo mật như mã PIN thẻ, mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ email cá nhân cho bất kỳ ai và dưới bất kỳ hình thức nào (như nhắn tin, trả lời điện thoại, tiết lộ trực tiếp, đăng nhập vào trang web không tin cậy…).

Trước đó, ngân hàng Techcombank cũng vừa phát đi cảnh báo cho biết đây tiếp tục là hành vi mới, thông qua các quảng cáo trên Zalo và các mạng xã hội về việc cho vay nóng, bán hồ sơ vay vốn…

Cụ thể, một số đối tượng có hành vi giả mạo, tự xưng là cán bộ thẩm định khoản vay và chăm sóc khách hàng của các ngân hàng, lợi dung tâm lý cả tin, cần vay tiền của người dân trong thời điểm kinh tế khó khăn chịu tác động của dịch COVID-19 để thực hiện các thủ đoạn lừa đảo mới để chiếm đoạt tài sản thông qua việc mời chào, cung cấp các khoản vay từ ngân hàng. Đối tượng này tạo lòng tin bằng cách cung cấp hình ảnh thẻ giả mạo nhân viên thẩm định, chăm sóc khách hàng và "hướng dẫn" khách hàng chỉ cần chuyển thông tin CMND, Hộ khẩu qua Zalo để được phê duyệt khoản vay tùy theo các hạn mức. Nếu khách hàng tỏ ý tin tưởng, tài khoản này sẽ yêu cầu khách hàng nộp tiền phí phê duyệt giải ngân vào tài khoản của đối tượng, và sau đó sẽ chặn tài khoản Zalo để chiếm đoạt tiền.

Bạn đang đọc bài viết Mạo danh nhân viên ngân hàng lừa đảo: Nhận biết ra sao? tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng