Chị Hoa là chuyên viên quan hệ khách hàng tại ngân hàng X. đã 6 năm nay. Năm ngoái phòng chị vượt chỉ tiêu được giao, lại giật top bán chéo bảo hiểm, sếp hứa kỳ tăng lương năm 2020 sẽ chắc chắn có tên chị. Thế nhưng đã gần hết quý III, ngân hàng vẫn chưa có đợt xét tăng lương nào. Chị hiểu ngân hàng đang khó khăn, vì chính bản thân một nhân viên nhiều kinh nghiệm như chị đây mà năm nay còn chật vật với chỉ tiêu. Còn chưa hết buồn vì có khi năm nay chẳng được tăng lương, đùng một cái ngân hàng chị thông báo giảm lương đồng loạt. Ở bậc chức danh như chị, bị giảm 10%, trừ thẳng vào lương hàng tháng. Chị ngạc nhiên lắm, suốt 6 năm đi làm, lương vị trí chẳng bao giờ giảm, chỉ có giữ nguyên. Thu nhập trồi sụt là do lương kinh doanh, làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Thế là mỗi kỳ lương đến, tiếng ting ting không còn giòn giã hân hoan như nó vốn từng nữa.
Nam là sinh viên mới ra trường được nửa năm. Gặp đúng đợt dịch Covid-19, cậu ngồi nhà tìm việc trên website tuyển dụng các ngân hàng cho đúng chuyên ngành. Vì cũng chưa có nhiều kinh nghiệm lại chẳng biết hỏi ai, cậu lân la vào các group việc làm ngân hàng để tham khảo mặt bằng lương thưởng, rồi điền CV gửi đi mấy nơi có vẻ ưng ý nhất. Đợi mãi tới tháng 6, cậu được gọi đi phỏng vấn ở một ngân hàng thương mại cổ phần, được tiếng là tuyển dụng nhanh. Thế mà chờ tới cuối tháng 8, nhân sự gọi báo xin lỗi vì ngân hàng dừng tuyển dụng do cắt giảm nhân sự.
Hai câu chuyện trên đây chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện mùa Covid ở ngân hàng. Báo cáo bán niên vẫn là những con số nghìn tỷ trong mơ với hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang lao đao mùa dịch, nhưng có lẽ, ảnh hưởng của Covid với ngành ngân hàng chỉ mới bắt đầu. Nợ cơ cấu và nợ xấu làm giảm lợi nhuận là một lẽ, nhưng điều khiến nhân viên ngân hàng đau lòng nhất vẫn là giảm lương. Bởi lẽ chắc hẳn họ đã chuẩn bị tinh thần cho những ngày chạy ngược xuôi xử lý nợ, làm thêm giờ để kịp trình hồ sơ cơ cấu cho khách hàng, cho những nỗi lo chỉ tiêu không thể hoàn thành, cho món thưởng cuối năm đoán là sẽ vơi hụt ít nhiều. Nhưng họ không nghĩ, và không dám nghĩ sẽ cắt cả tới lương hàng tháng.
Đứng trước khó khăn vì dịch bệnh, ngân hàng không thể chỉ lo cho lợi nhuận riêng mình. Bởi nếu không đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân để vực dậy nền kinh tế, thì cuối cùng ngân hàng vẫn là kẻ trung gian oằn mình gánh lấy nợ xấu chưa hẹn ngày xử lý. Trong khi tính cách giãn lịch trả nợ để giảm bớt gánh nặng tài chính cho khách hàng, ngân hàng vẫn phải duy trì hàng trăm, hàng nghìn thứ chi phí để đảm bảo hệ thống vận hành trơn tru, hiệu quả. Giảm chi phí hoạt động bằng cách cắt giảm lương và nhân sự vốn là điều không ai muốn, tuy nhiên đứng trước bài toán lựa chọn sống còn, có lẽ nhiều ngân hàng đã tìm ra câu trả lời cho riêng mình.
Chị Hoa vẫn tiếp tục công việc của mình với nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng hơn mỗi ngày. Trong danh sách chọn trường mẫu giáo cho con gái, chị bần thần xóa bớt đi vài cái tên quá khả năng chi trả. Chị bàn với chồng vay ưu đãi ngân hàng để lấy vốn buôn hàng online kiếm thêm, với nguồn hàng là chị bên chồng ở Nhật gửi hàng xách tay về. Trong lúc chờ nguồn hàng ổn định, mẹ chồng chị trồng rau quả sạch gửi từ quê ra để con trai và con dâu bán túc tắc. Thế là ngoài giờ làm, chị hối hả chạy về đón con, soạn đồ cho chồng đi ship, kiếm đồng ra đồng vào bù lại chỗ lương bị cắt.
Còn Nam, sau vài email và vài cuộc điện thoại từ mấy ngân hàng cậu ứng tuyển từ chối, cậu đành khăn gói về quê xin vào một công ty nhỏ làm hành chính vì không thể chờ thêm được nữa. Vừa làm, cậu vừa tranh thủ học thêm tiếng Hàn để nộp đơn vào công ty Hàn Quốc gần nhà, từ bỏ giấc mơ làm ngân hàng ấp ủ từ ngày cấp III.
Và có lẽ báo cáo tài chính năm nay, năm sau và năm sau nữa sẽ còn tiếp tục lấy đi nước mắt của nhiều nhân viên ngân hàng, khi câu "Sống bằng lương, giàu bằng thưởng" có lẽ chỉ còn trong hoài niệm, nếu được nhắc cũng chỉ qua những tiếng thở dài.