Hà Nội, Thứ Hai Ngày 25/11/2024

Dịch Corona làm giảm giá trị tài sản của giới siêu giàu

TDVN 05:01 01/03/2020

Bất chấp nền kinh tế toàn cầu giảm tốc, số lượng người có giá trị tài sản ròng từ 5 triệu USD đến 30 triệu USD, đã tăng 10%, từ 2,39 triệu lên 2,67 triệu người trong năm 2019.

Bất chấp nền kinh tế toàn cầu giảm tốc, theo báo cáo của hãng Wealth-X, số lượng người giàu, tức những cá nhân có giá trị tài sản ròng từ 5 triệu USD đến 30 triệu USD, đã tăng 10%, từ 2,39 triệu lên 2,67 triệu người trong năm 2019, sau khi tăng trưởng 1% trong năm 2018. Tổng giá trị tài sản của nhóm này tăng thêm 10%, lên 26.600 tỷ USD.

--

Số lượng người giàu tăng mạnh

Mức tăng trưởng trên chủ yếu do giá của hầu hết lớp tài sản đều tăng mạnh trong năm 2019. Ví dụ như thị trường chứng khoán Mỹ đã có một năm liên tiếp phá vỡ các kỷ lục, với chỉ số S&P 500 tăng 28,9%, đánh dấu mức tăng mạnh nhất từ năm 2013. Chỉ số Nasdaq bứt phá 35,2%, là năm tăng trưởng tốt nhất trong 6 năm qua, trong khi chỉ số Dow Jones tăng 22,3%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2017.

Xu hướng tăng mạnh của thị trường chứng khoán phần lớn do các ngân hàng trung ương toàn cầu quay trở lại chính sách nới lỏng tiền tệ, với việc giảm lãi suất và tập trung vào các gói kích thích tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế. Như tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã bất ngờ có đến ba lần cắt giảm lãi suất cơ bản trong năm 2019 và theo một số dự báo sẽ có thêm các lần cắt giảm trong năm nay.

Sự tăng trưởng số lượng người giàu và tốc độ tăng trưởng tài sản có sự phân hóa đáng kể theo khu vực. Bắc Mỹ dẫn đầu danh sách khi số người giàu tăng thêm 15,3%, lên hơn 1,05 triệu người, với tổng tài sản của nhóm này tăng 15,2%, lên 10.300 tỷ USD.

Nếu so sánh theo quốc gia, nước Mỹ có phần lớn cá nhân có giá trị tài sản ròng kể trên. Hiện có đến 969.075 người giàu ở tại Mỹ trong năm 2019, tăng 15,9% so với năm trước đó. Dĩ nhiên đi kèm với điều đó là khoảng cách giàu nghèo tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này cũng ngày càng mở rộng, với bất bình đẳng thu nhập trong năm 2019 lên mức cao nhất trong vòng 50 năm qua - theo điều tra của Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ. Trung Quốc có số lượng người giàu xếp thứ hai với 259.830 người, theo sau là Nhật Bản với 186.250 người và Đức là 129.875 người.

Trong số 10 thành phố có người giàu lưu trú nhiều nhất, Mỹ đóng góp đến 6 thành phố, châu Á và châu Âu mỗi khu vực có hai thành phố. New York vẫn là thành phố dẫn đầu với 110.170 người giàu, tăng 16,9% so với năm trước, theo sau là Tokyo và Hồng Kông. 5 thành phố còn lại của Mỹ là Los Angeles, Chicago, San Francisco, Washington DC và Dallas.

Và những thành phố siêu giàu

Trong khi đó, những cá nhân siêu giàu với giá trị tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên cũng có sự tăng trưởng. Theo báo cáo tài sản định kỳ hằng năm của Knight Frank (công ty tư vấn và dịch vụ bất động sản có trụ sở chính tại Anh), dự báo số người siêu giàu sẽ tăng thêm 22% vào năm 2023. Điều đó có nghĩa là sẽ có thêm 43.000 người nữa nằm trong câu lạc bộ người siêu giàu trong vài năm tới.

Vậy những triệu phú mới nổi này sẽ sống ở đâu? Theo thông tin cho thấy, số lượng cá nhân siêu giàu ở bang Florida của Mỹ đã tăng hơn 10% trong năm vừa qua. Theo dữ liệu từ Fund Society, đã có 500 người siêu giàu đổ xô đến bang này do thị trường tài chính và bất động sản trong khu vực đang bùng nổ. Các số liệu thống kê cho thấy, lượng tồn căn hộ cao cấp cạnh bờ biển tại thành phố Miami đã thu hẹp, với giá bán một số căn vượt 5 triệu USD.

Trong khi số lượng người siêu giàu cư trú khắp thế giới tại các thành phố từ Luân Đôn đến Tokyo, thì 6 trong số 10 thành phố có người siêu giàu nhiều nhất vẫn nằm tại Mỹ. Đứng ở vị trí thứ 5 trong tốp 10 là Washington DC khi có 2.785 cá nhân siêu giàu. Theo báo cáo từ Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ, 5 quận có thu nhập cao nhất tại Mỹ đều nằm gần Washington DC. Ngoài ra, với sự bùng nổ gần đây về kinh doanh và công nghệ liên quan đến chính phủ, đã tạo ra một tầng lớp siêu giàu mới xung quanh Nhà Trắng.

Không có gì ngạc nhiên khi thấy San Francisco xếp thứ 4 trong danh sách này, vì đây là thành phố có giá thuê nhà cao nhất thế giới với giá bình quân một ngôi nhà là 1.352.300 USD, có lẽ là do các thương vụ IPO công nghệ thành công đang giúp tạo ra các triệu phú mới. Tất nhiên, chi phí sinh hoạt cao không phải là vấn đề đối với các cá nhân siêu giàu. Với tầm nhìn tuyệt đẹp tại các khu phố có lịch sử lâu đời, cùng các cơ hội khởi nghiệp công nghệ tuyệt vời, việc người siêu giàu đổ vào sống tại thành phố này là điều dễ hiểu. San Francisco có mật độ tỷ phú cao hơn bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới.

Chicago - thành phố duy nhất trong danh sách nằm ở miền Trung Tây, đứng thứ ba với 3.350 cá nhân siêu giàu, điều bất ngờ là hầu hết tập trung ở vùng ngoại ô thay vì tại trung tâm. Theo báo cáo năm 2019 từ Bloomberg về các thị trấn giàu nhất nước Mỹ, 10% các thành phố giàu có nhất nằm gần Chicago.

Với ngành công nghiệp giải trí phát triển mạnh, Los Angeles có 5.295 người siêu giàu, xếp thứ hai trong danh sách, 55 trong số 1.000 khu dân cư giàu có nhất ở Mỹ nằm ở thành phố này.

Và cuối cùng dẫn đầu danh sách vẫn lại là New York, khi có 8.980 người siêu giàu tập trung tại đây. Báo cáo của công ty nghiên cứu Wealth-X cho biết, khu vực đô thị của thành phố New York, Newark và Jersey City là nơi có nhiều tỷ phú của hầu hết quốc gia trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc và Đức. Với vị thế là trung tâm tài chính toàn cầu, lượng người siêu giàu tập trung tại đây là tất yếu. Thêm vào đó, New York có rất nhiều thứ để cung cấp với các món ăn nổi tiếng thế giới, các buổi trình diễn ở Broadway và mua sắm quyến rũ đều nằm ở Manhattan.

Dù vậy, trước khủng hoảng dịch bệnh Corona, trong những tuần qua, tài sản của giới nhà giàu đã suy giảm. Bởi phần lớn tài sản của nhóm này nằm dưới dạng cổ phiếu, nên khi thị trường chứng khoán lao dốc, giá trị tài sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tài sản của giới siêu giàu suy giảm bởi phần lớn tài sản đều dưới dạng cổ phiếu, thị trường chứng khoán đang tuột dốc vì dịch Covid-19, khối tài sản này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đơn cử như chỉ số Hang Seng của Hồng Kông từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã giảm gần 8%, chỉ số Nikkei 225 của Nhật từ đầu tháng 2 đến nay có lúc mất hơn 4%, chỉ số Dow Jones của Mỹ giảm gần 2% trong nửa tháng qua. Giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp đa quốc gia cũng giảm sút, như cổ phiếu Apple trong phiên ngày 18/2/2020 rớt 3,2% khiến giá trị vốn hóa bốc hơi 45 tỷ USD, sau khi nhà sản xuất iPhone thừa nhận dịch virus Corona sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu quý.

Thống kê nhóm 500 tỷ phú giàu nhất từ dữ liệu Bloomberg tính đến ngày 24/2/2020, có 222 người, tương đương 44,4%, ghi nhận giá trị tài sản sụt giảm so với đầu năm. Trong đó mức giảm lớn nhất là hơn 9 tỷ USD trong tài sản của người giàu thứ ba thế giới, ông trùm hàng xa xỉ người Pháp Bernard Arnault. Tài sản của tỷ phú công nghệ truyền thông Robert Pera cũng giảm gần 4,7 tỷ USD so với đầu năm, xếp thứ hai về mức độ sụt giảm.

Tài sản của tỷ phú bất động sản người Trung Quốc Hứa Gia Ấn, xếp thứ 36 toàn cầu, cũng bị bốc hơi hơn 3,9 tỷ USD. Tài sản của tỷ phú ngành bán lẻ người Nhật Tadashi Yanai, xếp thứ 34, cũng giảm hơn 3,4 tỷ USD. Trong ngành năng lượng, tài sản của tỷ phú người Nga Leonid Mikhelson giảm hơn 2,8 tỷ USD, tài sản của tỷ phú người Mỹ là Harold Hamm giảm gần 2,6 tỷ USD. Chỉ tính riêng 10 người giảm giá trị tài sản lớn nhất, con số sụt giảm đã lên tới hơn 32 tỷ USD. Nếu dịch bệnh tiếp tục gây ra nỗi khiếp sợ lên các thị trường tài chính, tài sản của giới nhà giàu có thể sẽ còn tiếp tục mất mát.

Link gốc : https://baodautu.vn/dich-corona-lam-giam-gia-tri-tai-san-cua-gioi-sieu-giau-d116930.html

Bạn đang đọc bài viết Dịch Corona làm giảm giá trị tài sản của giới siêu giàu tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng