Hà Nội, Thứ Tư Ngày 24/04/2024

Đằng sau mối quan hệ 17.000 tỷ của Masan và Techcombank

TDVN 14:32 02/03/2020

Năm 2019, Masan đã rót thêm hơn 2.000 tỷ đồng vào Techcombank để tăng sở hữu lên 20% vốn. Không chỉ vậy,hai tổ chức này còn có mối quan hệ qua lại trong cho vay và tiền gửi cũng như đầu tư trái phiếu.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, TCB) và CTCP Masan (HoSE: MSN) có mối liên quan đặc biệt với nhau. Nhất là trong năm 2019, Masan đã rót thêm 2.164 tỷ đồng, tăng lên 17.492 tỷ đồng vào Techcombank và trở thành cổ đông lớn nhất sở hữu 20% vốn điều lệ nhà băng này.
Đây là khoản đầu tư vào liên doanh liên kết lớn nhất của Masan. Do đó, phần lợi nhuận từ liên doanh liên kết mà Masan nhận được trong năm 2019 là 2.182 tỷ đồng, tăng 268 tỷ đồng so với đầu kỳ.
Ngoài ra, ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Chủ tịch thứ nhất tại Techcombank hiện là Chủ tịch HĐQT Masan.
Trước đó, tháng 4/2018 ông Hồ Hùng Anh đã rút khỏi vị trí Phó Chủ tịch Masan Group để đáp ứng quy định của Luật các Tổ chức tín dụng mới.
Với mối quan hệ đó, giữa Techcombank và Masan cũng có loạt giao dịch liên quan và ghi nhận tăng rất mạnh so với đầu kỳ.

Masan và Techcombank có mối quan hệ đặc biệt với nhau.

Thứ nhất về trái phiếu, trong năm 2019, tổng mệnh giá trái phiếu mà Techcombank đã đầu tư vào 3 đơn vị có liên quan là 4.561 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần so mức 867 tỷ của đầu kỳ.
Trong đó, Techcombank đã đầu tư vào Masan 1.088 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu, tương ứng lãi phải thu về 567 triệu đồng.
Đối với Công ty TNHH Khai thác chế biến Khoáng sản Núi Pháo thì Techcombank đã đầu từ 2.651 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu, tương ứng lãi phải thu là 1,2 tỷ đồng.
Techcombank cũng đầu tư 822 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Tài nguyên Masan, tương ứng lãi phải thu 767 triệu đồng.
Thứ hai, ở giao dịch cho vay, tổng cộng Techcombank đã cho vay các bên liên quan là 2.178 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,96% tổng mức cho vay khách hàng của nhà băng này (227.885 tỷ đồng).
Trong đó, Techcombank cho Công ty TNHH Khai thác chế biến Khoáng sản Núi Pháo vay 1.012,5 tỷ đồng, và lãi thu về 858 triệu đồng.
Ngoài ra, CTCP Cửa sổ nhựa châu Âu cũng vay 510 tỷ đồng, tương ứng lãi phải thu 2,2 tỷ đồng. Techcombank còn cho CTCP Đầu tư T&M Việt Nam vay 656 tỷ đồng với lãi phải thu tới 2,7 tỷ đồng.
Thứ ba, về giao dịch tiền gửi, tổng tiền gửi của các đơn vị liên quan là 2.820 tỷ đồng, chỉ chiếm 1,22% tổng tiền gửi của khách hàng năm 2019 của Techcombank (231.297 tỷ đồng).
Cụ thể, Masan và nhóm các công ty liên quan cũng đã tăng hơn gấp đôi tiền gửi có kỳ hạn tại Techcombank lên 1.410 tỷ đồng với lãi suất được hưởng là 1,69 tỷ đồng.
Ngoài ra, Thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, Ban điều hành và các cá nhân liên quan khác cũng đã gửi 544 tỷ đồng tại Techcombank, tương ứng lãi tiền gửi là 11,9 tỷ đồng.
Còn tiền gửi không kỳ hạn thì có CTCP Cửa sổ nhựa châu Âu với 11 tỷ đồng; Masan và nhóm các công ty liên quan là 752 tỷ đồng; Thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, Ban điều hành và các cá nhân liên quan khác là hơn 103 tỷ đồng.

HĐQT, Ban kiểm soát, ban điều hành của Techcombank có gửi tiền tại nhà băng này.

Về tình hình kinh doanh trong năm 2019, Masan thực hiện được 37.354 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 2% so với năm 2018. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại tăng 13% khi đạt 5.557 tỷ đồng.
Còn Techcombank báo lãi ròng 10.075 tỷ đồng, tăng khá so mức 8.485 tỷ đồng của năm trước.
Theo Vietnamdaily

Link gốc : https://vietnamdaily.net.vn/tai-chinh-ngan-hang/dang-sau-moi-quan-he-17000-ty-cua-masan-va-techcombank-84664.html

Bạn đang đọc bài viết Đằng sau mối quan hệ 17.000 tỷ của Masan và Techcombank tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng