Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Hoạt động èo uột như ngân hàng Bảo Việt

THEO CLVN 11:26 28/02/2020

Theo giới đầu tư, đây là một trong những ngân hàng nhỏ và hoạt động rất “lặng lẽ” trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Nợ xấu tăng mạnh

Đối với các ngân hàng Việt Nam, nợ xấu được xem là thường trực và Ngân hàng Nhà nước luôn nhắc nhở các NHTM tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng. Thời gian qua, bức tranh hoạt động kinh doanh của các ngân hàng Việt nhìn chung có sự tăng trưởng. Bên cạnh kết quả lãi, thị trường cũng rất chú ý tới chất lượng tăng trưởng của các ngân hàng mà một trong số đó là con số nợ xấu.

Thế nhưng, ghi nhận vào cuối quý III/2019, tổng mức nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của 26 NHTM đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) có xu hướng vượt lên, đạt mức 98.242 tỷ đồng. Mức này tăng hơn 16% so với cuối năm 2018. Đồng thời trong số 26 NHTM có 4 NHTM có tỷ lệ nợ xấu trên 3%, trong đó BaoViet Bank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống.

Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của BaoViet Bank đã ở mức 1.088 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2019, tăng gần 6,33% so với thời điểm đầu năm, theo đó tỷ lệ nợ xấu chiếm đến 4,4% trong tổng dư nợ. Hồi cuối năm 2018, nợ xấu tại NH này ở mức 1.024 tỷ đồng (tương đương là 3,97% tổng dư nợ).

Xét về giá trị tuyệt đối, nợ xấu tăng lên không nhiều, nhưng vấn đề đặt ra là nợ xấu tăng lên khi cho vay khách hàng của NH 9 tháng qua đã âm 3,98%, về còn 24.722 tỷ đồng. Đồng thời, trong tổng nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) chiếm hơn 50% với 637 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) chiếm 296 tỷ đồng.

Nợ xấu tăng kéo theo trích lập dự phòng của NH cũng tăng. Riêng quý III/2019, NH trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên 143 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái là 61,2 tỷ đồng). Theo đó, dù đạt lợi nhuận thuần trước trích lập rủi ro tín dụng quý III ở mức 150,2 tỷ đồng, tăng trưởng gần 113% so với cùng kỳ, nhưng sau trích lập dự phòng chỉ còn 7,1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Lũy kế 9 tháng, ngân hàng trích lập gần 265 tỷ đồng, kéo lợi nhuận trước thuế sau dự phòng rủi ro xuống mức 18,4 tỷ đồng, giảm hơn 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo tài chính quý III không nhắc đến các khoản nợ đã bán cho VAMC, nhưng hồi quý II, số liệu báo cáo cho thấy BaoViet Bank còn gần 1.665 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC, trong đó đã trích lập dự phòng hơn 738 tỷ đồng.

Diễn biến nợ xấu như vậy đặt trong bối cảnh ngành NH phải thực hiện Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% từ nay đến năm 2020, chắc chắn là vấn đề phải quan tâm hàng đầu của NH này.

Hoạt động èo uột

BaoViet Bank được thành lập đầu năm 2009, với vốn điều lệ ban đầu là 1.500 tỷ đồng và hiện vốn điều lệ ở mức 3.150 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập NH bao gồm Tập đoàn Bảo Việt, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Tập đoàn Công nghệ CMC.

Tuy nhiên, từ quý III/2014, khi Tập đoàn Bảo Việt thông báo BaoViet Bank không còn là công ty con của tập đoàn và chỉ còn là công ty liên kết thì thông tin về hoạt động của ngân hàng này như lợi nhuận, tổng tài sản, cổ tức cũng biến mất.

Tại thời điểm cuối tháng 9/2019, Tập đoàn Bảo Việt nắm giữ 49,52% vốn điều lệ, Vinamilk nắm 14,3%, CMC nắm 10,3%, CTCP Tập đoàn HIPT nắm 2,29% và cổ đông khác nắm giữ 23,86%. Tuy nhiên cũng trong tháng 9 vừa qua, HĐQT CMC đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần BaoViet Bank.

Một điểm rất đáng lưu ý, các cổ đông còn lại của nhà băng này vẫn nằm trong bứ‌c màn bí ẩn, trong quá khứ, BaoViet Bank từng có một số cổ đông lớn như Tập đoàn HIPT hay nổi tiếng hơn là Tập đoàn Đại Dương dưới thời doanh nhân Hà Văn Thắm..

Theo giới đầu tư, đây là một trong những ngân hàng nhỏ và hoạt động rất “lặng lẽ” trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Theo đó, đã nhiều năm nay thị trường không có bất kỳ thông tin nào về kết quả kinh doanh, lợi nhuận, cổ tức… của ngân hàng này. Đồng thời, đến nay các hoạt động kinh doanh của BaoViet Bank vẫn diễn ra, tuy nhiên thông tin về hoạt động của ngân hàng này rất kín tiếng. Thời điểm cuối năm 2019, những thông tin về nợ xấu cũng như tình hình kinh doanh cũng không được công bố rộng rãi như các nhà băng khác.

Việc một trong các cổ đông sáng lập đang muốn thoái sạch vốn khỏi BaoViet Bank cũng không khó hiểu, bởi thực chất thời gian qua hoạt động của NH này rất èo uột. Xét từ BCTC quý III/2019, ngoài nợ xấu cao, bảng cân đối kế toán cũng cho thấy tổng tài sản của BaoViet Bank vào thời điểm cuối quý III ở mức 53.622 tỷ đồng. Con số này giảm gần 4% so với cùng kỳ năm trước. Huy động tín dụng đạt gần 24.369 tỷ đồng, tương đương mức giảm 4,31% so với số đầu kỳ.

Ngược về các năm trước, lợi nhuận của NH này cũng không quá khả quan. Năm 2016, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 117 tỷ đồng, nhích nhẹ 6 tỷ đồng so với năm 2015. Đến năm 2018, lợi nhuận trước thuế chỉ 104 tỷ đồng, giảm 29,3% so với năm 2017. Năm nay với lợi nhuận 9 tháng chỉ còn 18,4 tỷ đồng, đáng nói là mức lợi nhuận này còn lại sau khi NH cắt giảm mạnh trích lập dự phòng rủi ro so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay thương hiệu BaoViet Bank cũng nhạt nhòa trên thị trường tài chính NH vì mạng lưới khá ít, NH cũng không đẩy mạnh phương thức NH hiện đại, NH số theo xu hướng chung. Bù lại BaoViet Bank lại tích cực áp dụng mặt bằng lãi suất cao để huy động vốn. Các cá nhân khi gửi tiền VNĐ tại BaoViet Bank có thể nhận mức lãi suất cao nhất lên đến 8,2%/năm; còn doanh nghiệp là 7,4%/năm. Tuy vậy, thương hiệu không mạnh có thể cũng là nguyên nhân khiến huy động vốn của NH cũng gặp khó khăn.

Theo báo cáo, Bảo Việt và các thành viên của tập đoàn này đang có nhiều khoản tiền gửi và trái phiếu tại BaoViet Bank. Chi phí lãi liên quan đến nhóm này khoảng 200 tỷ đồng trong 9 tháng qua.

Cổ phiếu nằm ở top các cổ phiếu ngân hàng thị giá thấp

Và có lẽ, yếu tố dẫn đến sự thiếu hiệu quả trong hoạt động này đến từ việc vị trí lãnh đạo cấp cao không ổn định. Bởi trong 3 năm qua, ghế nóng của NH này cũng đã thay đổi đến 3 lần. Vào tháng 9/2019, bà Nguyễn Thị Thanh Hường vừa đảm nhận chức vụ quyền Tổng giám đốc NH này. Còn từ 2017 đến tháng 11/2018, ông Tôn Quốc Bình đã ngồi vị trí này và sau tháng 11/2018 là ông Phạm Nguyễn Thế Phong.

Chiếc ghế quyền Tổng Giám đốc BaoViet Bank tỏ ra khá “mong manh”. Trong 2 năm, bà Hường là người thứ ba ngồi vào vị trí này. Trước đó, từ 2017 đến tháng 11/2018 ông Tôn Quốc Bình được bổ nhiệm. Sau đó, ông Phạm Nguyễn Thế Phong ngồi vào “ghế nóng” từ tháng 11/2018.

Vị trí lãnh đạo cấp cao không ổn định nên không ngạc nhiên khi BaoViet Bank có kết quả thua kém so với rất nhiều đối thủ trên thị trường. Lợi nhuận kinh doanh èo uột (thậm chí có thể thua lỗ) khiến cổ phiếu BaoViet Bank trên thị trường OTC nằm ở top các cổ phiếu ngân hàng có thị giá thấp nhất.

Hiện tại, trên sàn OTC, giá chào mua cổ phiếu BaoViet Bank dao động từ 3.500-5.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá xuất hiện trong ngày 3/10 là 4.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, ở chiều bán, giá cao hơn một chút, dao động từ 4.500-6.000 đồng/cổ phiếu. Vì giá mua và bán tương đối xa nhau nên rất ít giao dịch diễn ra thành công.

Bạn đang đọc bài viết Hoạt động èo uột như ngân hàng Bảo Việt tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng