"Dù đúng hay sai vẫn nên hòa giải"
Đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nền kinh tế nói chung và ngành tài chính – ngân hàng nói riêng. Tại Việt Nam, bức tranh thị trường tài chính – ngân hàng, bên cạnh một số mảng sáng được ghi nhận, vẫn còn nhiều mảng tối đầy thách thức. Rủi ro khi tình hình nợ xấu gia tăng do sự suy giảm khả năng tài chính của khách hàng có thể bộc lộ rõ hơn do độ trễ tác động của nền kinh tế trong thời gian tới.
Trong bối cảnh trên, việc thực hiện các giao dịch, hợp đồng giữa các ngân hàng, tổ chức tín dụng khác với cá nhân, doanh nghiệp có nguy cơ gặp phải những khó khăn khách quan và chủ quan dẫn đến phát sinh tranh chấp. Vì vậy, việc tìm hiểu và vận dụng các phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả là rất cần thiết.
Tại Hội thảo “Hòa giải tranh chấp tài chính – ngân hàng trong bối cảnh bất lợi bởi Covid-19”, Luật sư Trương Thanh Đức, chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận định, trong tất cả các trường hợp tranh chấp tài chính, dù đúng hay sai thì đều nên hoà giải.
Ví dụ có rất nhiều quan điểm như: Doanh nghiệp sai rành rành có cần hoà giải? Doanh nghiệp đúng mười mươi có cần phải hoà giải? Doanh nghiệp không thể trả nợ thì hoà giải để làm gì? Doanh nghiệp đang chờ phân xử thì hoà giải làm gì?... nhưng Luật sư Đức cho rằng trong mọi trường hợp đều nên hoà giải, dù đúng hay sai.
Luật sư Trương Thanh Đức.
Việc hoà giải mang lại lợi ích rất lớn cho các bên để giải quyết các vấn đề trong mọi tình huống. Ví dụ, trong trường hợp cho vay một bên không có khả năng trả nợ theo yêu cầu của bên cho vay, nhưng nếu hoà giải thì các bên có thể nhường nhịn nhau như giảm lãi để giải quyết vấn đề 1 cách nhanh hơn và đem lại lợi ích lớn nhất cho các bên…
“Hoà giải chỉ có tốt trong mọi trường hợp. Đối thủ, đối địch, đối phương, dịch COVID-19 phá sản không đủ khả năng để trả nợ hay tường hợp 50/50 mình đúng hoặc mình sai… Toàn bộ những câu chuyện này chúng ta không nên đặt ra câu hỏi hoà giải để làm gì, chờ toà án, chờ cơ quan chức năng phân xử… thì đó hoàn toàn là sai lầm. Trong tất cả các trường hợp hoà giải chỉ có tốt, dù mình sai, dù mình đúng, dù mình không còn gì để trả nợ. Cuối cùng bản án vẫn được tuyên, anh vẫn phải trả nợ và không thể trốn tránh được trách nhiệm. Thay vì thế chúng ta đối thoại, lãi thay vì 10% giảm xuống 7% vui vẻ chấp nhận; thay vì phải trả tiền ngay sẽ cho trả chậm trong khoảng thời gian nhất định…. Vì vậy chỉ có thắng hoặc hoà, không có thua. Án tại hồ sơ, chờ phán quyết thì đó là tình huống xấu nhất cho một bên rồi, chúng ta chỉ có cơ hội làm nó tốt hơn hay dừng lại tại đó chứ không thể xấu hơn được nữa. Thế thì chúng ta việc gì phải trốn tránh, việc gì mà từ chối không hoà giải", Luật sư Đức nhấn mạnh.
Luật sư Đức nói thêm, tranh chấp tín dụng cũng vậy. Tài chính chủ yếu là câu chuyện về ngân hàng và một số giao dịch tài chính giữa các doanh nghiệp với nhau. Không nhất thiết phải là ngân hàng, TCTD mà là giữa các doanh nghiệp mua cổ phần cổ phiếu với nhau. Riêng với tín dụng có một vài điểm chúng ta cần lưu ý, tận dụng cơ hội để áp dụng. Ví dụ, câu chuyện điển hình bây giờ là câu chuyện khó khăn của các ngân hàng. Các nhà băng hiện tại cơ bản vẫn tốt, nhưng đây mới chỉ là khởi đầu của khó khăn sau này. Vì hiện tại các nhà băng vẫn đang được gia hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, tiếp tục cho vay.
"Phải từ 6 tháng, 1-2 năm thì mới bắt đầu bộc lộ khó khăn. Đến khi nào doanh nghiệp phá sản như ngả rạ thì ngân hàng mới bắt đầu nằm xuống. Chứ ngân hàng rất tốt, bài bản, rất khoẻ không thể nào nằm xuống trước, không thể nào nằm xuống cùng, luôn luôn phải nằm xuống sau doanh nghiệp, bao giờ cùng phải đi sau rất lâu doanh nghiệp thì đó mới là ngân hàng", Luật sư Đức cho biết.
Ngân hàng bị "chửi oan"
Luật sư Đức cũng cho rằng hiện nay ngân hàng đang bị chửi oan nhiều do không chịu giảm, không chịu miễn lãi suất. Tuy nhiên, tất cả điều đó đều là cảm tính, không có lý, sai hết. Tất cả là câu chuyện thương lượng, hoà giải chứ không có pháp luật ở đây. Pháp luật không quy định Ngân hàng phải xoá nợ, phải miễn trừ lãi... trừ 1 số trường hợp đặc biệt pháp luật nêu đích danh, yêu cầu phải làm theo. Còn hiện tại pháp luật đa số gợi ý thay vì cấm như trước đây như cấm ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ, trích dự phòng thiếu, cấm ngân hàng gia hạn nợ điều chỉnh nợ không đúng quy định.... Nhưng trong thời điểm dịch COVID-19 hiện nay, Nhà nước có khuyến khích để Ngân hàng giảm lãi, giãn nợ... hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Điều quan trọng hơn là không dùng được bài toán pháp luật trong việc ngân hàng không xoá, giảm nợ gốc; không miễn, trừ lãi, phí; không tha phạt, bồi thường; ngân hàng vẫn giữ nguyên nhóm nợ. Không trọng tài, không toà án nào giải quyết được thì chúng ta phải tận dụng việc hoà giải.
Ngân hàng không xoá, giảm nợ gốc; không miễn, trừ lãi, phí; không tha phạt, bồi thường; ngân hàng vẫn giữ nguyên nhóm nợ... thì chúng ta kiện hay làm gì? Có thể dựa vào Chỉ thị của Thủ tướng, Nghị quyết của Chính phủ, theo tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng, theo Thông tư 2, 3 của NHNN,… để kiện hay không?
Trong mọi trường hợp doanh nghiệp đều nên hoà giải, dù đúng hay sai.
Theo Luật sư Đức, cần hình dung đâu là pháp luật, đâu là thoả thuận giữa 2 bên. Trường hợp thứ nhất, luật quy định lãi suất cho vay không quá 20% mà ngân hàng cho vay 21% thì kiện thắng chắc ăn.
Trường hợp thứ hai, đó là luật không bắt ngân hàng phải giảm lãi, đó không phải là nghĩa vụ mà chỉ là hỗ trợ, là thiện chí, hợp tác, đó là cùng hội cùng thuyền giữa ngân hàng và khách hàng, là cùng phải cứu nhau. Ngân hàng sẽ hỗ trợ, nhưng họ còn phải phụ thuộc vào sức khoẻ, năng lực, đánh giá rủi ro. Ngân hàng sẵn sàng cơ cấu nợ, nhưng khi thấy nợ xấu quá rồi, nguy cơ quá cao thì họ có quyền chuyển nhóm nợ.
"Còn đối với cho vay, phương án, dự án, tài sản đảm bảo đầy đủ, mọi thứ đẹp như tranh... mà ngân hàng không cho vay cũng phải chịu vì không vi phạm gì", ông nói.
Chỉ có thể nói rằng ngân hàng không hỗ trợ, không giang tay cứu giúp chứ không có tội như là không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm như luật hình sự. Thậm chí đó còn là quyền được quy định: “Cấm mọi tổ chức, cá nhân được can thiệp trái phép vào quyết định cho vay của ngân hàng”.
Kể cả với trường hợp áp dụng bất khả kháng thì cũng phải đi cùng nhiều điều kiện, không phải cứ vì dịch COVID-19 sẽ là tính bất khả kháng. Không thể luôn coi dịch COVID-19 là trường hợp bất khả kháng trong mọi sự vụ tranh chấp, có vụ việc áp dụng được, có vụ việc không vì phải xét cụ thể ngành nghề, lĩnh vực, chịu ảnh hưởng như thế nào với sự kiện bất khả kháng.
Tuy nhiên, nếu áp dụng bộ Luật Dân sự về thực hiện hợp đồng trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Với "hoàn cảnh thay đổi cơ bản" thì nếu thực hiện đúng nghĩa vụ bị thiệt hại quá nặng thì các bên bắt buộc phải ngồi lại với nhau để thương lượng với nhau. Nếu các bên không nói chuyện được với nhau thì đưa ra toà nhưng đó lại là câu chuyện rắc rối, phức tạp hơn.
Ngân hàng cũng cần tính toán cho cân đối, trong điều kiện nền kinh tế khó khăn như vậy, muốn thu đủ nợ của khách cũng là rất khó, kiện ra toà còn mất thêm án phí. Bên chủ nợ nếu đợi ra toà án có thể sẽ được phán quyết được thu 100% khoản nợ nhưng bị mất thời gian chờ đợi, chi phí cơ hội, mối quan hệ khách hàng,…thì có khi hoà giải chỉ thu được 50-70% nhưng lại tốt hơn.
Chính vì vậy, đối với tranh chấp tín dụng trong thời điểm khó khăn do COVID-19 đang diễn ra, các bên nên hoà giải hoặc thương lượng để đi đến một phương án xử lý tốt nhất cho các bên.
“Tôi khẳng định trong mọi tình huống từ lúc bắt đầu tranh chấp, khởi thuỷ, khởi đầu cho đến lúc ra trọng tài hay cho đến lúc ra toà, cho đến lúc sơ thẩm, phúc thẩm hay thậm chí đến lúc chuyển qua thi hành án rồi thì vẫn khuyến khích các bên nên hoà giải”, Luật sư Trương Thanh Đức cho hay.