Chi nhánh Hùng Vương (TPBank Hùng Vương) đã làm trái Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ cho khách hàng do Covid-19.
Theo Thông tư này, việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng ngoài cơ cấu nợ thì miễn giảm, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do Covid-19.
Hợp đồng mập mờ, lãi cao
Tháng 3/2018, Công ty TNHH SGN - chi nhánh tại Đồng Nai (Công ty) vay hơn 16,2 tỷ đồng tại TPBank Hùng Vương. Hằng tháng, khách hàng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính.
Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, công ty bị ảnh hưởng nặng do doanh thu sụt giảm dẫn đến thu không đủ bù chi, khả năng chi trả tiền nợ gốc và lãi bị ảnh hưởng. Do vậy, công ty làm đơn xin gia hạn, khoanh nợ các khoản trả vốn gốc và lãi của hợp đồng vay cho đến khi dịch Covid-19 hoàn toàn được khống chế, bệnh nhân an tâm đến phòng khám, hoạt động phòng khám trở lại bình thường.
Bên cạnh đó, ngày 13/3/2020, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty cho biết thêm: Không những không giảm lãi mà TPBank Hùng Vương còn tăng lãi suất cho vay từ 8,8%/năm lên 12,2%/năm. Đây là mức lãi suất quá cao và không được quy định rõ ràng trong hợp đồng - vị đại diện này khẳng định.
Theo đề nghị giải ngân kiêm khế ước nhận nợ mà ngân hàng ký với khách hàng, lãi suất từ ngày 15/3/2020 đến ngày 14/3/2028 được điều chỉnh định kỳ 3 tháng/lần và bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng của TPBank tại thời điểm điều chỉnh, cộng biên độ 4%/năm.
Bà T.T.T.N., đại diện Công ty SGN chi nhánh tại Đồng Nai cho rằng, bảng lãi suất tiết kiệm công khai của TPBank trên các phương tiện thông tin đại chúng không có mức lãi suất 8,2%/năm để cộng với biên độ 4% ra 12,2%/năm. Ngân hàng giải thích đây là biểu lãi suất dành riêng đối với “các tài khoản tiền gửi tái tục có số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên và cam kết không rút trước hạn”.
Bà N. bức xúc: “Mức lãi suất huy động này dành riêng cho một đối tượng rất nhỏ và không có tính phổ biến. Trong khi các ngân hàng khác hiện nay đang giảm lãi suất huy động xuống mức thấp, có nơi 5%/năm. Do đó, chúng tôi cho rằng TPBank không có thiện chí trong việc hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”.
"Hỗ trợ" là tăng chi phí?
Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM nhận định: “Theo tôi, hướng giải quyết của TPBank là không đúng theo quy định tại Thông tư số 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước. Theo trình bày, khoản nợ của Công ty đã đáp ứng được các điều kiện để được hỗ trợ. Như khoản nợ đó phát sinh từ hợp đồng cho vay; nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng chính phủ công bố hết dịch; khách hàng không có khả năng trả nợ hoặc lãi đúng hạn theo hợp đồng vì doanh thu sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid, khoản nợ đó không vi phạm quy định pháp luật”.
Đây là các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư 01/2020, theo đó Công ty có quyền yêu cầu được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ này.
Theo quy định tại điều 5 của Thông tư 01/2020, TPBank phải ban hành quy định nội bộ đối với việc miễn, giảm lãi, phí đối với khoản nợ đáp ứng các điều kiện tại điều này. Phía Công ty khẳng định đã đáp ứng được các điều kiện để được miễn, giảm lãi suất đối với khoản nợ nêu trên.
Tuy nhiên, TPBank không đồng ý việc giảm lãi suất, mà chỉ đồng ý khoanh nợ gốc 5 tháng và toàn bộ gốc đến hạn khoảng thời gian này được cộng đồn và phân kỳ trả nợ hàng tháng vào các kỳ trả nợ. Cách giải quyết này của TPBank là không những không hỗ trợ cho người vay mà còn tăng thêm gánh nặng tài chính cho người vay. Người vay không những không được miễn, giảm lãi mà còn phải tăng thêm số tiền phải trả nợ hàng tháng để bù cho khoảng thời gian 05 tháng nợ gốc đã khoanh. Ngoài ra, mức lãi suất vay không được quy định rõ ràng trong hợp đồng. TPBank lại áp dụng mức lãi suất cá biệt rất cao và không công bố công khai để áp với người vay là không hợp lý”.
Nếu không quy định rõ ràng trong hợp đồng, lãi suất này phải được giải thích và tính theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Trường hợp này, có thể là áp dụng mức lãi suất thấp nhất là 0,2%/năm cũng không hề trái với quy định pháp luật. Theo luật sư Trần Minh Hùng thì cách giải quyết của TPBank là không hợp lý, không đúng với mục đích Thông tư 01/2020.
Mục đích của Thông tư số 01/2020 là hỗ trợ người vay có điều kiện trả các khoản vay đúng thời hạn, giảm thiểu tỷ lệ mất khả năng chi trả khoản vay do ảnh hưởng của dịch covid-19 mang lại, đây là trường hợp thuộc bất khả kháng được miễn trừ trách nhiệm. Cách giải quyết của TPBank vừa vi phạm quyền và lợi ích của người vay, vừa không tuân thủ đúng quy định tại Thông tư số 01/2020.