Hà Nội, Thứ Hai Ngày 16/09/2024

Nỗi lo của... TechcomBank

Theo Duy Anh/ĐTVN-SHTT 10:47 14/04/2020

Thời gian tới, hoạt động cho vay mua nhà của Techcombank có thể gặp khó, do Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng đến các ngành rủi ro, trong đó có bất động sản...

Phụ thuộc vào "ông lớn"

Điều mà giới đầu tư lo ngại là việc Techcombank phụ thuộc vào nguồn khách hàng từ Vingroup, phụ thuộc vào tiến độ các dự án cũng như tài sản thế chấp là các bất động sản trong các dự án của Vingroup, phụ thuộc vào nhu cầu huy động vốn của Vingroup...

Cụ thể hơn, có thể phân tách cấu phần dư nợ tín dụng của Techcombank ra làm hai phần lớn: dư nợ cho vay và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp. Điều này cũng được Vietnamfinance chỉ rõ.

Về dư nợ cho vay, khoảng 40% dư nợ cho vay của ngân hàng này là cho vay mua nhà (khoảng 81.000 tỷ đồng) - một tỷ lệ cao hơn đa số các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Trong đó, tệp khách hàng từ Vingroup đóng vai trò tối quan trọng và như nhận định của giới phân tích, tăng trưởng dư nợ cho vay mua nhà nói riêng và dư nợ cho vay nói chung của Techcombank phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ bán hàng đối với các dự án của Vingroup.

Việc phụ thuộc vào tiến độ bán hàng tại các dự án, nhất là các dự án lớn của Vingroup là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng dư nợ cho vay của Techcombank có hiện tượng "giật cục".

Tính toán của VietnamFinance cho thấy, trong năm 2017, dư nợ cho vay của Techcombank tại thời điểm cuối quý I, cuối quý II và cuối quý III đều tăng trưởng âm so với đầu năm. Tuy nhiên, đến cuối quý IV, tăng trưởng dư nợ cho vay vọt lên 12,8%.

Điều này có nghĩa là toàn bộ tăng trưởng cho vay năm 2017 của Techcombank dồn hết vào quý IV.

Hay như năm 2019, dư nợ cho vay của Techcombank đến cuối quý I chỉ tăng 2,4% nhưng sang quý II đã tăng lên 15,9%. Đặc biệt, đến cuối quý III, tăng trưởng dư nợ cho vay vọt lên 28,4% - thuộc hàng cao nhất trong hệ thống ngân hàng.

Về trái phiếu doanh nghiệp, vài năm trở lại đây, Techcombank cùng công ty con là TCBS đóng vai trò là đơn vị thu xếp vốn cho Vingroup với việc bảo lãnh phát hành cho hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu của tập đoàn này. Số liệu tại thời điểm kết thúc quý II/2019 cho thấy, hơn 40.000 tỷ đồng mà Vingroup huy động được từ phát hành trái phiếu là do TCBS thu xếp.

Đây là nguyên nhân quan trọng khiến dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của Techcombank lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng (đỉnh điểm là cuối quý II/2019 với gần 60.000 tỷ đồng), lớn nhất hệ thống ngân hàng trong nhiều quý liên tiếp gần đây.

Vấn đề là, trong bối cảnh tăng trưởng dư nợ tín dụng hàng năm bị giới hạn bởi Ngân hàng Nhà nước, việc tăng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp để phục vụ việc thu xếp vốn cho Vingroup nói riêng và các doanh nghiệp lớn nói chung trong nhiều thời kỳ đã khiến dư nợ cho vay của Techcombank không còn dư địa để tăng.

Rõ nhất là năm 2018, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của Techcombank đã tăng gấp hơn 3 lần (từ 19.000 tỷ đồng lên trên 58.000 tỷ đồng), sử dụng hết toàn bộ dư địa tăng trưởng tín dụng. Hết dư địa, dư nợ cho vay của ngân hàng này phải "ngậm ngùi" với mức giảm 0,6%.

Ngược lại, đến thời điểm kết thúc quý III/2019, nhờ dư nợ trái phiếu doanh nghiệp giảm tới 30% trong 9 tháng nên dư nợ cho vay của Techcombank mới có cơ hội tăng tới 28,4%. Do đó, tổng dư nợ tín dụng của Techcombank mới chỉ tăng chưa đến 13% trong 9 tháng năm nay, vẫn dưới giới hạn tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao.

Tựu chung, dư nợ tín dụng của Techcombank phụ thuộc vào Vingroup xét trên cả khía cạnh dư nợ cho vay và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp. Sự phụ thuộc này tác động lớn đến quy mô cũng như cấu trúc dư nợ tín dụng - nguồn tài sản sinh lời chính của ngân hàng.

Một vấn đề gây lo ngại khác là nếu như trong một năm, nhu cầu thu xếp vốn cho Vingroup lớn hoặc/và nhu cầu vay mua nhà của khách hàng đối với dự án Vingroup lớn thì dư địa cho vay ngoài Vingroup liệu còn được bao nhiêu? Và điều này có bền vững không?

Chẳng hạn, giới hạn tăng trưởng dư nợ tín dụng là 100 đồng nhưng riêng dư nợ dành để thu xếp vốn cho Vingroup cũng như để cho khách hàng vay mua nhà của Vingrop lên đến 70 đồng thì dư nợ còn lại để phát triển các tệp khách hàng khác chỉ còn 30 đồng. Dư địa cho vay càng ít thì càng yếu thế trong cuộc chiến giành giật thị phần.

Trong một báo cáo phân tích mới đây, các chuyên gia của Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng ngân hàng do tỉ phú Hồ Hùng Anh làm Chủ tịch đang tập trung nhiều vào "mỏ neo" Vingroup, các lĩnh vực mục tiêu của Techcombank khá tương đồng các lĩnh vực của thuộc Vingroup, như bất động sản (VinHomes), bán lẻ (VinCommerce), ôtô (VinFast), điện tử (VinSmart), du lịch và nghỉ dưỡng (Vinpearl)…

Đời sống và pháp lý nêu ý kiến các chuyên gia của Công ty TNHH Chứng khoán ACBS cho biết vay mua nhà đóng góp 73% dư nợ cho vay cá nhân, và 33% tổng dư nợ cho vay khách hàng của Techcombank trong năm 2018. Trong khi đó, năm 2015, tỉ lệ này chỉ lần lượt đạt 55% và 25%.

"Do khách hàng mục tiêu của Techcomnamk là nhóm thu nhập trung bình cao và cao, nên các dự án bất động sản ngân hàng hướng đến thuộc phân khúc A và B, đặc biệt các dự án được phát triển bởi khách hàng 'mỏ neo' như Vingroup", ACBS nhận định.

Sản phẩm cho vay mua nhà được xem là nằm trong hệ sinh thái mục tiêu khá cạnh tranh, bởi có nhiều ưu đãi, như thời hạn vay dài, có thể lên đến 35 năm. Trong khi đó, lãi suất ưu đãi cố định trong năm đầu tiên, thủ tục và thời hạn cho vay được rút gọn, có thể dễ dàng chuyển nhượng khoản vay mua nhà thế chấp.

Vì vậy, dù phân khúc khách hàng mục tiêu của Techcombank có thể dịch chuyển xuống nhóm thu nhập trung bình, theo chiến lược phát triển thêm các dự án thuộc phân khúc vừa túi tiền của Vingroup, nhưng ACBS vẫn cho rằng Techcombank có thể đáp ứng được yêu cầu về vốn đối với danh mục cho vay có hệ số rủi ro cao, nhờ nền tảng vốn mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc cho vay mua nhà vẫn sẽ chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu tín dụng của Techcombank.

Ngoài cho vay mua nhà, cho vay mua ôtô cũng có thể sẽ được Techcombank đẩy mạnh trong tương lai.

Techcombank bắt đầu cho vay mua ôtô đầu năm 2019, trong bối cảnh hãng xe VinFast của tỉ phú Phạm Nhật Vượng ra đời, cùng với kế hoạch khai thác chuỗi giá trị ngành ôtô. Vì vậy, dự báo sản phẩm cho vay mua ôtô sẽ ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong danh mục cho vay của Techcombank.

Theo dữ liệu có được của ACBS, hiện dư nợ cho vay mua ôtô đóng góp khoảng 5% vào tổng dư nợ cho vay khách hàng của Techcombank, tương đương khoảng 5.000 tỉ đồng. Dù mới bắt đầu kinh doanh thêm sản phẩm này vào đầu năm, nhưng Techcombank đã nắm được 3,6% thị phần.

Tuy nhiên, trong tương lai, với sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu có thu nhập cao, cùng với hãng xe của Vingroup ra đời, thị trường tín dụng cho vay mua ôtô tại Việt Nam được đánh giá có tiềm năng cao với tốc độ tăng trưởng duy trì hoặc vượt con số 25% của giai đoạn 2012-2018.

Theo công ty này, thời gian tới, hoạt động cho vay mua nhà của Techcombank có thể gặp khó, do Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng đến các ngành rủi ro, trong đó có bất động sản. Thứ hai, nếu Vingroup bán sỉ hoặc tìm các nhà đầu tư thứ cấp phát triển các dự án, khiến Techcombank có khả năng mất đi lợi thế tài trợ tín dụng.

ACBS cho rằng tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng chiếm khoảng 30% tổng lượng trái phiếu tư vấn phát hành bởi Techcombank năm 2018.

Nợ xấu hàng nghìn tỷ

Thống kê từ báo cáo tài chính của 21 ngân hàng đã công bố thời điểm hiện tại, tổng số dư nợ xấu của các ngân hàng giảm nhẹ 0,5% với 77.475 tỉ đồng.

Trong đó, BIDV là ngân hàng có số dư nợ xấu lớn nhất với 19.451 tỉ đồng, tăng 3,4% so với cuối năm trước. Tiếp theo là VietinBank với hơn 10.800 tỉ đồng, giảm 21% và VPBank với gần 8.800 tỉ đồng nợ xấu nội bảng.

TOP 10 ngân hàng có nhiều nợ xấu nhất được ghi nhận theo thứ tự là: BIDV, VietinBank, VPBank, Sacombank, Vietcombank, SHB, Techcombank...

Số nợ xấu tại 10 ngân hàng này đã chiếm tỉ trọng tới 85% trong tổng nợ xấu 21 ngân hàng khảo sát.

Kết thúc năm 2019, tổng tài sản của Techcombank đạt 383.699 tỷ đồng, tăng 20% so với hồi đầu năm. Về tình hình nợ xấu, tính tới ngày 31/12/2019, nợ xấu của Techcombank là 3.077 tỷ đồng, tăng 10%.

Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,75% hồi đầu năm về 1,3%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ giảm, nhưng nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh gần 50%.

Đó là chưa kể, hiện nay liên quan đến những sai phạm của Cựu thứ trưởng Bộ Quốc Phòng về đất đai ở TPHCM. Hiện Viện kiểm sát quân sự trung ương đang kiến nghị thu hồi lại đất quốc phòng có liên quan, trong đó mảnh đất sai phạm hiện đang là tòa nhà của Techcombank.

Vì vậy, các chuyên gia của ACBS cho rằng đây là vấn đề cần chú ý khi đầu tư vào Techcombank.

(Kỳ tới: Soi nợ xấu khủng của Techcombank).

Bạn đang đọc bài viết Nỗi lo của... TechcomBank tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng