Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, vaccine phòng COVID-19 là loại vaccine mới, được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp nên chúng ta chưa biết chắc chắn rằng việc tiêm vaccine có làm giảm khả năng nhiễm bệnh và lây truyền bệnh hay không. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay, hiện nay cũng chưa biết rõ thời gian hình thành kháng thể phòng bệnh sau tiêm là bao lâu. Ngoài ra, vaccine không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng phòng ngừa việc mang mầm bệnh.
Trên thực tế, có những loại vaccine hiệu lực bảo vệ 90%, nhưng có vaccine chỉ hiệu lực bảo vệ khoảng 50%-60%. Điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vaccine vẫn có khả năng mang virus và lây bệnh cho người khác. Với những người tiêm đủ 2 mũi vaccine với đủ thời gian khuyến cáo thì cơ thể đã có kháng thể bảo vệ nhưng không phải tất cả mọi người đều có. Hơn nữa, đây là chủng virus mới nên cũng cần có thời gian để nghiên cứu, đánh giá vaccine này có hiệu lực bảo vệ tốt với chủng Ấn Độ hay không.
“Tuy nhiên, phải khẳng định rằng khi tiêm vaccine COVID-19, nếu chưa cản được sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 thì vaccine sẽ giảm tình trạng nặng và tử vong đối với người nhiễm,” PGS.TS Trần Đắc Phu chỉ rõ.
Cùng nói về vấn đề trên, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng cho biết, sau khi tiêm, có thể cơ thể chưa đủ miễn dịch để chống bệnh. Nhưng những người nhiễm virus sau khi đã tiêm đủ vaccine sẽ có triệu chứng nhẹ, diễn biến bệnh không nặng”.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam. Ảnh: VGP |
GS.TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng nói thêm, tiêm vaccine là một trong những biện pháp hiệu quả và chủ động nhất để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giúp giảm các biến chứng, di chứng nặng và tử vong. Hiện nay không có loại vaccine nào có hiệu lực bảo vệ 100%. Tức là sau tiêm vaccine vẫn còn một tỷ lệ nhất định các trường hợp đã được tiêm mắc bệnh.
Cũng giống như các loại vaccine giúp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm khác, vaccine COVID-19 giúp cơ thể chúng ta phát triển khả năng miễn dịch chống lại virus gây bệnh COVID-19. Có thể có trường hợp bị nhiễm SARS-COV-2 ngay trước, hoặc sau khi tiêm vaccine, sau đó mắc bệnh do vaccine chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch, hoặc một số ít đã được tiêm đủ nhưng vẫn mắc bệnh.
“Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao, độ bao phủ trong cộng đồng 70% đến 85% thì sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh”, GS.TS Đặng Đức Anh cho biết.
Cũng theo Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vaccine phòng COVID-19 nói chung và vaccine AstraZeneca nói riêng, không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêm, mà còn giúp duy trì khả năng của hệ thống y tế, tránh rơi vào tình trạng quá tải do phải chăm sóc người bệnh nặng, đồng thời giúp cuộc sống sớm trở lại bình thường và phát triển kinh tế.
Hiện nay, các loại vaccine phòng COVID-19 đều có hiệu lực bảo vệ từ trên 60% đến 95%, vì vậy WHO khuyến cáo, vaccine là "vũ khí" để chấm dứt đại dịch COVID-19. Đối với vaccine AstraZeneca, kết quả của một số nghiên cứu cho thấy, sau khi tiêm 1 liều vaccine từ 22-90 ngày vẫn có một số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nhưng số trường hợp tử vong giảm đến 80% so với nhóm không tiêm chủng.
Sau khi tiêm 2 mũi vaccine, số trường hợp tử vong giảm đến gần 100%. Điều này cho thấy, tiêm chủng vaccine là biện pháp hiệu quả trong phòng bệnh, phòng các biến chứng và tử vong do bệnh gây ra.
Liên quan tới vấn đề tiêm vaccine cho người dân, tại cuộc họp triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên toàn quốc, tổ chức ngày 15/6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lần này là chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng ở nước ta.
Theo đó, chúng ta sẽ thiết lập 8 kho bảo quản vaccine đạt Tiêu chuẩn thực hành bảo quản tốt (GSP), trong đó 1 kho tại Bộ Tư lệnh Thủ đô và 7 kho tại 7 quân khu trên toàn quốc. Khi về tới sân bay, ngay lập tức vaccine được vận chuyển về các kho này và từ đó, xe lạnh vận chuyển vaccine sẽ toả đi các điểm tiêm chủng trên toàn quốc.
Tư lệnh ngành y tế cũng lưu ý, ngay từ bây giờ phải thiết lập các kho nói trên, rà soát, kiểm tra lại các yếu tố liên quan đến hậu cần, vật chất, hệ thống dây chuyền lạnh, máy phát điện để bổ sung, khắc phục ngay những yếu tố chưa đủ điều kiện, nhằm đảm bảo các tiêu chí về bảo quản vaccine an toàn, tránh các tình huống không mong muốn xảy ra.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tiêm vaccine COVID-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Tuy nhiên, người đã được tiêm vaccine COVID-19 vẫn rất cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, trong đó có 5K: Khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế. |