Giữa năm ngoái, Oppo đã khiến chúng tôi bất ngờ với thiết kế của chiếc Reno đời đầu: mỏng, phẳng, chất liệu khung kim loại kẹp giữa hai mặt kính và chi tiết "vây cá mập thò thụt" khác biệt hoàn toàn so với số đông. Tuy nhiên, cấu hình và trải nghiệm hiệu năng của điện thoại này lại không tương xứng với mức giá cận cao cấp (13 triệu đồng) của sản phẩm. Chiếc Reno2 ra mắt cuối năm 2019 cũng theo triết lý tương tự: thiết kế rất chỉn chu và khác biệt nhưng cấu hình tiếp tục "lạc tông" rất xa so với giá bán.
Có lẽ nhận thấy chỉ thiết kế đẹp thôi là không đủ để thuyết phục người dùng, Oppo đã thay đổi chiến lược. Từ dòng Reno3 và giờ là Reno4, thiết kế đã không còn phá cách và cũng không có khung kim loại/lưng kính nữa nhưng cấu hình và mức giá của dòng Reno ngày càng trở nên dễ tiếp cận hơn.
Đặc biệt, Oppo giờ đã có sự thay đổi về chính sách giá, tạo ra khoảng trống linh hoạt hơn cho các hệ thống bán lẻ sáng tạo. Trước đây, hãng này thường áp dụng chính sách một giá cho tất cả các hệ thống bán lẻ, không nơi nào được bán giá thấp hơn so với giá công bố và cũng không được đưa ra các hình thức khuyến mại riêng. Bây giờ, chiếc Reno4 và Reno4 Pro tuy có giá công bố khá cao lần lượt là 8,49 triệu đồng và 11,9 triệu đồng nhưng giá có thể mua thực tế tại nhiều hệ thống bán lẻ chỉ còn tương ứng 7 và 9 triệu đồng sau khi trừ đi các khoản khuyến mại và quà tặng. Rõ ràng mức giá thực tế đã giảm đi đáng kể.
Trở lại với sản phẩm, Reno4 có một số nâng cấp so với thế hệ Reno3 tiền nhiệm. Màn hình vẫn giữ kích cỡ 6.4 inch nhưng có lỗ đục thay cho khía giọt nước, vi xử lý chuyển sang Snapdragon 720G của Qualcomm mạnh mẽ hơn, công nghệ sạc VOOC 4.0 mới tốc độ sạc nhanh hơn 30% và cụm camera selfie giờ có tới 2 camera. Ngoài những điểm mới đó thì Reno4 vẫn kế thừa nhiều thứ từ thế hệ trước từ kiểu dáng thiết kế tổng thể, bộ nhớ (RAM 8GB, ROM 128GB) và cụm 4 camera sau với camera chính 48MP sử dụng cảm biến Sony IMX586.
Thiết kế: mới mẻ hơn, mỏng và nhẹ hơn Reno3
Reno4 có thiết kế cơ bản giống Reno3 nhưng có một số thay đổi mới mẻ theo hướng tích cực. Thay đổi quan trọng và dễ thấy đầu tiên là lỗ đục hình viên thuốc trên màn hình chứa cụm camera selfie kép, giúp màn hình trông thoáng và dễ chịu hơn so với kiểu thiết kế khía giọt nước trên thế hệ trước.
Reno4 (trái) giờ có màn hình đục lỗ chứa cụm camera selfie kép, không còn giọt nước như Reno3 (phải) |
Thân và mặt lưng Reno4 vẫn bằng chất liệu nhựa nhưng mỏng nhẹ hơn một chút so với thế hệ trước. Máy có độ dày 7,7mm và nặng 165g, mỏng nhẹ hơn so với Reno3 (7,9mm và 170g). Điều này mang lại cảm giác cầm nắm nhẹ nhàng và dễ chịu hơn.
Reno4 hiện có 2 màu: đen bóng và xanh nhám mờ. Bản xanh nhám mờ nhìn lạ mắt, ít bám vân tay và vết mồ hôi. |
Thay đổi thứ ba là mặt lưng của Reno4 giờ có họa tiết dạng logo Oppo cách điệu, xuất hiện khi nghiêng máy ở phiên bản màu đen. Trong khi bản màu xanh không có họa tiết này nhưng được làm dạng nhám mờ lạ mắt hơn, ít bám vân tay và vết mồ hôi.
Giắc âm thanh, cổng USB C và loa đơn |
Mặc dù đã có những thay đổi như vậy song với chất liệu thân nhựa và kiểu dáng cũng khá phổ thông, Reno4 bây giờ không còn sang chảnh và khác biệt như các thế hệ Reno đời đầu nữa. Điều này có thể hiểu được khi Oppo thay đổi chiến lược, tập trung mang lại sản phẩm có các trải nghiệm cơ bản tốt với mức giá dễ tiếp cận hơn.
Khe cắm 2 SIM và thẻ nhớ độc lập |
Reno4 vẫn tiếp tục kế thừa cảm biến vân tay trong màn hình từ đời Reno3 và Reno 2F. Đây là cảm biến có tốc độ nhận diện nhanh và độ chính xác khá tốt. Đặc thù của cảm biến vân tay quang học là cần có độ trễ ngắn để máy chụp hình dấu vân tay, nên quá trình mở khóa có chậm hơn một chút, nhưng đã gần tiệm cận với cảm biến vân tay truyền thống.
Các phụ kiện đi kèm: ốp lưng mềm nhựa trong, củ sạc VOOC 4.0 30W, cáp Type C và tai nghe. Màn hình cũng đã dán sẵn tấm dán dạng nhựa mỏng. |
Trên các cạnh, Reno4 có đầy đủ các chi tiết cơ bản và quen thuộc của Oppo: 2 SIM và khe cắm thẻ nhớ độc lập, cổng USB Type C với khả năng sạc nhanh VOOC 4.0 công suất 30W (nhanh hơn công suất 20W trên Reo3), giắc cắm tai nghe 3.5mm và loa đơn. Bên trong hộp đựng, nhà sản xuất cũng tặng kèm củ sạc nhanh VOOC 4.0 30W, dây sạc, tai nghe và dán sẵn tấm dán bảo vệ màn hình.
Màn hình: cải thiện rõ rệt so với tiền nhiệm
Ngoài thiết kế lỗ đục chứa camera selfie giúp màn hình trông thoáng và tràn viền hơn, các thông số màn hình của Reno4 vẫn giống với Reno3: tấm nền AMOLED 6.4 inch, độ phân giải Full-HD+, tỷ lệ 20:9, tần số quét 60Hz và hỗ trợ HDR khi xem video trên YouTube.
Trên Reno4, Oppo cho phép người dùng tùy chọn giữa 2 chế độ màu Sinh động và Nhẹ nhàng cùng với khả năng điều chỉnh nhiệt màu với 3 mức: lạnh, trung bình và ấm. Đây là điểm mới vì màn hình của Reno3 trước đó chỉ có thể điều chỉnh nhiệt màu chứ không có tùy chọn chế độ màu. Giống như các máy Samsung dùng màn Super AMOLED, chế độ màu Sinh động (chế độ màu mặc định) của Reno4 tái tạo màu sắc đúng với đặc trưng của tấm nền AMOLED: màu rực rỡ, độ tương phản cao và góc nhìn rộng. Trong khi đó, chế độ màu sắc Nhẹ nhàng hiển thị màu nhạt hơn, gần thực tế và độ sáng cũng thấp hơn chút.
Màn hình Reno4 (dưới) sáng hơn rõ rệt so với Reno3 (trên) |
So sánh với màn hình của Reno3, chế độ màu sắc mặc định (chế độ màu Sinh động) của Reno4 tái tạo màu sắc đậm hơn, tươi tắn hơn và độ sáng cũng cao hơn rõ rệt. Khi chụp ảnh ngoài trời nắng, hình ảnh bối cảnh chụp hiển thị trên màn hình Reno4 cũng sáng, trong trẻo và dễ nhìn hơn nhiều. Điều này cho thấy có thể Oppo đã dùng tấm nền AMOLED mới trên Reno4, chất lượng tốt hơn trên thế hệ tiền nhiệm.
Đáng tiếc, không như Reno4 Pro, Reno4 phiên bản tiêu chuẩn chỉ có màn hình tần số quét 60Hz thay vì 90Hz. Tần số quét cao giúp các thao tác vuốt, cuộn, đặc biệt là khi lướt web hoặc đọc truyện với tần suất văn bản dày đặc trở nên mượt mà hơn, giảm thiểu hiện tượng bóng mờ (ghosting). Ngoài ra, màn hình của Reno4 cũng chỉ là màn hình phẳng, không bo cong hai cạnh, khi vuốt vẫn bị cấn tay nhẹ do viền màn hình nhô lên trên.
Hiệu năng mạnh hơn đời cũ, phần mềm nhiều tính năng mới
Về hiệu năng, đây là một điểm Reno4 được nâng cấp đáng kể. Cả bộ đôi Reno4 và Reno4 Pro đều dùng con chip Snapdragon 720G cùng với RAM 8GB. Dựa trên các ứng dụng đo hiệu năng như Antutu và Geekbench thì con chip Snapdragon 720G trên Reno4 có hiệu năng mạnh hơn khoảng 30% so với chip Helio P90 của Mediatek trên Reno3. Cụ thể, Reno4 đạt khoảng 270.000 điểm trên Antutu, so với hơn 200.000 điểm của Reno3. Các bài test về hiệu năng đồ họa (GFX Bench) và sức mạnh của vi xử lý (Geekbench) của điện thoại này cũng ghi nhận điểm cao hơn so với Reno3.
Điểm Antutu của Reno4 cao hơn khoảng 30% so với Reno3 |
Thử với một vài game quen thuộc là Liên Quân Mobile, Dead Trigger 2 và PUBG Mobile, Reno4 và Reno4 Pro cho trải nghiệm tương đồng, đủ chơi mượt mà nếu chấp nhận hạ cấu hình một chút. Với hai game Liên Quân Mobile và Dead Trigger 2, máy có thể chơi mượt và ổn định với tốc độ khung hình cao từ 58-59 fps ở thiết lập đồ họa cao nhất. Với game PUBG Mobile đồ họa nặng nặng ký hơn thì Reno4 có thể chơi với tốc độ khung hình tối đa 40 fps không bị giật lag ở thiết lập đồ họa "mượt", là chế độ đồ họa ở mức thấp nhất của game. Nếu đẩy thiết lập đồ họa trong game PUBG Mobile lên mức cao thì khung hình giảm rõ rệt, không còn chơi được mượt và ổn định nữa.
Xét ở tầm giá thuộc phân khúc tầm trung, hiệu năng như vậy là điểm hợp lý của Reno4, không quá xuất sắc nhưng đủ để sử dụng khá thoải mái. 8GB RAM cũng đủ dồi dào để có trải nghiệm đa nhiệm thoải mái, giữ được nhiều ứng dụng trong nền.
Về phần mềm, Reno4 hiện cài sẵn bản ColorOS 7.2 tùy biến dựa trên Android 10 giống như chiếc Reno4 Pro. ColorOS 7.2 là phiên bản phần mềm mới nhất của Oppo hiện nay, được bổ sung khá nhiều tính năng mới.
Đầu tiên phải kể đến tính năng AI App Preloading. Theo Oppo thì ColorOS sử dụng thuật toán AI để dự đoán ứng dụng người dùng sử dụng tiếp theo và tải trước, cải thiện thời gian mở ứng dụng. Tính năng này học theo thói quen của người dùng, tức sử dụng càng lâu sẽ càng mượt (trên lý thuyết). Tuy vậy do thời gian trải nghiệm máy chưa lâu, chúng tôi chưa có cơ hội kiểm chứng hay có cách nào để so sánh giữa việc có tính năng này hay không có sẽ ảnh hưởng đến tốc độ ra sao.
Oppo Lab cũng là tính năng lần đầu tiên ra mắt trên ColorOS 7.2. Đây là một nền tảng thử nghiệm và phát hành những sản phẩm mới của Oppo. Người dùng có thể trải nghiệm các tính năng mới cũng như đề xuất, góp ý cho Oppo. Hiện tại, Oppo Lab hỗ trợ hai chức năng mới là Vòng xoay Quyết định, một tính năng gợi ý ngẫu nhiên cho người cần quyết định một việc gì đó (chẳng hạn tối nay ăn gì, xem gì,…).
ColorOS 7.2 cài sẵn khá nhiều phần mềm của bên thứ ba, có thể kể đến như Facebook Lite, TikTok Lite, Messenger,… Nếu không có nhu cầu sử dụng những ứng dụng thì bạn có thể gỡ bỏ chúng ra cho nhẹ máy. Ngoài ra, với việc hỗ trợ Oppo Share, người dùng có thể gửi các tệp tin qua giao thức không dây Wi-Fi P2P tới các thiết bị Oppo khác hay Xiaomi, Vivo, Realme, nhanh hơn nhiều so với Bluetooth truyền thống.
Thời gian pin: sạc đầy trong gần 1 giờ
Reno4 sử dụng viên pin dung lượng 4.015 mAh, nhỏ hơn chút so với Reno3 (4.025 mAh). Tuy vậy, tốc độ sạc của điện thoại này đã được nâng cấp lên công nghệ sạc nhanh VOOC 4.0 với công suất 30W, so với VOOC 3.0 công suất 20W trên Reno3. VnReview đã thử nghiệm thì thấy Reno4 chỉ mất 56 phút để sạc đầy pin bằng củ sạc đi kèm, trong đó 15 phút đầu sạc được 40% pin và 30 phút đầu sạc được 72%. So với thời gian sạc đầy 85 phút của Reno3, tốc độ sạc của Reno4 rút ngắn được gần 30 phút.
Thời gian xem phim liên tục ở độ sáng và âm lượng 70%, tính từ khi pin đầy đến khi còn 10% |
Thời gian lướt web liên tục trên mạng Wi-Fi với độ sáng màn hình 70%, tính từ khi pin đầy đến khi còn 10%. |
Thời gian chơi nặng đồ họa ở độ sáng 70%, tính từ khi pin đến khi còn 10% |
Trong bài đo quen thuộc của VnReview, máy cho thời lượng sử dụng ở mức tốt, đủ yên tâm dùng thoải mái trong ngày kể cả ở cường độ cao.
Camera: chế độ chụp chân dung mới thú vị
Reno4 và Reno4 Pro sử dụng cụm camera 4 camera sau giống nhau. Ở phía trước, hai máy cùng dùng camera chính là 32MP sử dụng cảm biến Sony IMX616. Reno4 có thêm chiếc camera phụ 2MP ở cụm camera selfie để cải thiện hiệu quả xóa phông.
So với thế hệ cũ, cụm 4 camera sau của Reno4 có 3 camera giống với Reno3 gồm camera chính 48MP dùng cảm biến Sony IMX586, camera góc siêu rộng 8MP và camera phụ 2MP. Ngoài 3 camera này, Oppo lại đưa trở lại camera macro 2MP trên Reno4, không phải là camera tele 13MP như trên Reno3. Đây có thể xem là chi tiết hạ cấp nhẹ so với đời cũ, có lẽ là để cắt giảm giá thành để bù đắp cho cải thiện về hiệu năng, tấm nền màn hình và công nghệ sạc nhanh hơn.
Reno4 (trái) có cụm 4 sau, trong đó có 3 camera (48MP, góc siêu rộng 8MP, camera phụ 2MP) giống Reno 3 (phải). |
Mặc dù cấu hình camera không cải thiện so với thế hệ trước nhưng nhờ con chip xử lý mạnh mẽ hơn, Oppo đưa vào Reno4 một số tính năng camera mới như chế độ chụp và quay video chân dung màu bằng AI (chỉ giữ lại màu sắc của chủ thể, còn hậu cảnh chuyển sang màu đen trắng) và chế độ quay video slow motion 960 fps.
Trải nghiệm chụp ảnh trên Reno4 cơ bản không khác so với chiếc Reno4 Pro chúng tôi đã có bài đánh giá gần đây. Tính năng chụp ảnh chân dung giữ lại màu sắc chủ thể đôi lúc vẫn có hiện tượng nhận diện nhầm, bị lẹm màu vào chủ thể nhưng đa phần đều mang lại bức ảnh xóa phông ưa nhìn. Ngoài chế độ chụp giữ màu chủ thể, chế độ chụp chân dung của Reno4 còn có một hiệu ứng mới là chụp Chân dung lóe sáng ban đêm, đẩy màu rực hơn bình thường và tạo ra bokeh hình tròn phía sau.
Bức ảnh bên trái phần chân của chủ thể bị lẹm màu một ít |
Ảnh chụp ở chế độ Chân dung lóe sáng ban đêm đẩy màu rực hơn bình thường, với bokeh to, tròn ở phía sau |
Ảnh chụp chân dung thông thường |
Trải nghiệm ảnh chụp ảnh thông thường từ camera chính 48MP phía sau không khác biệt so với Reno3 và Reno4 Pro. Ảnh tái tạo màu tự nhiên, nhiều chi tiết và dải sáng khá rộng. Khi chụp thiếu sáng, Reno4 không cố gắng "biến đêm thành ngày" như một số điện thoại khác. Trong hầu hết bối cảnh chụp thiếu sáng thì máy chỉ tăng sáng lên nhẹ so với bối cảnh nên nhiễu được kiểm soát. Kể cả khi chụp ở chế độ Ban đêm, máy vẫn không đẩy mạnh độ sáng mà chỉ cải thiện độ tiết, nhất là chi tiết ở vùng bị lóa sáng.
Ảnh chụp chế độ thông thường có màu sắc tự nhiên |
Máy cũng có chế độ "màu chói" đẩy màu lên khá mạnh, hữu ích nếu người dùng muốn có những bức ảnh nịnh mắt. |
Ảnh chế độ thông thường (trên) và chế độ Ban đêm (dưới) |
Phần cứng giống nhau nên không ngạc nhiên khi trải nghiệm chụp ảnh từ camera góc siêu rộng 8MP trên Reno4 không khác so với Reno4 Pro và Reno3 đời cũ. Ảnh có xu hướng tái tạo màu gần tương đống với camera chính dù chi tiết và dải màu hẹp hơn. Chất lượng ảnh không khác biệt so với những camera góc siêu rộng trên nhiều smartphone tầm trung gần đây, phụ thuộc nhiều vào điều kiện ánh sáng. Ảnh cho chất lượng khá đẹp ở môi trường đủ sáng, còn thiếu sáng thì kém hơn hẳn so với camera chính. Camera góc siêu rộng cũng có chế "màu chói" đẩy màu lên rực rỡ hơn nhiều so với chế độ thông thường và có chế độ Ban đêm nhưng chất lượng ảnh thường không cải thiện nhiều.
Chế độ chụp thông thường từ camera góc siêu rộng |
Chế độ "màu chói" từ camera góc siêu rộng |
Chiếc camera macro 2MP của Reno4 chỉ mang tính chất vui vẻ là chính. Camera này không hỗ trợ lấy nét tự động như các máy Xiaomi, vì vậy việc canh lấy nét sẽ đòi hỏi nhiều công sức hơn trong quá trình chụp. Với điều đủ sáng thì ảnh cho độ chi tiết trung bình và màu sắc tự nhiên.
Ảnh chụp từ camera macro |
Camera selfie của Reno4 vẫn cho ảnh tự sướng chất lượng tốt. Theo mặc định, máy chụp ở độ phân giải 32MP, dung lượng mỗi file ảnh trên 4MB. Ảnh chụp nhiều chi tiết và cân bằng màu tốt. Ảnh xóa phông cũng hiệu quả, viền chủ thể được tách bạch tự nhiên. Chế độ xóa phông giữ lại màu sắc chủ thể cũng hoạt động ổn định. Tuy vậy, ở điều kiện chênh và ngược sáng, chế độ HDR của camera selfie hoạt động không đáng tin vậy, khiến ảnh dễ bị lóa và lốp sáng.
Ảnh tự sướng ở chế độ thông thường |
Ảnh tự sướng ở chế độ xóa phông |
Ảnh tự sướng ở chế độ giữ lại màu sắc chủ thể. |
Tổng kết
Chỉ sau 3 tháng bán ra chiếc Reno3 ở Việt Nam, Oppo đã kịp đưa vào một số cải tiến đáng giá trên phiên bản kế nhiệm Reno4. Máy có thiết kế mỏng nhẹ hơn, lỗ đục chứa camera selfie giúp màn hình nhìn thoáng đãng hơn, hiệu năng cũng cải thiện và pin sạc đầy trong thời gian ngắn hơn. Màn hình tưởng không thay đổi nhưng chất lượng tấm nền đã tốt lên nhiều. Phần cứng camera của Reno4 cơ bản không thay đổi so với thế hệ tiền nhiệm nhưng Oppo đã biết làm mới bằng những tính năng phần mềm thú vị.
Rõ ràng, so với thế hệ Reno3, chiếc Reno4 giờ trở nên toàn diện và đáng mua hơn nhiều, nhất là khi mức giá "thực tế" của điện thoại này đã hợp lý hơn. Tất nhiên, sản phẩm này vẫn có những điểm hạn chế như camera macro kém hơn các đối thủ cạnh tranh hay viền màn hình vẫn gây cấn tay khi cầm, vuốt, nhưng với đa số người dùng thì đó đều là thứ có thể bỏ qua.
Ở cùng tầm giá, Reno4 hiện có một số đối thủ, đáng chú ý nhất là chiếc Galaxy A51 đến từ Samsung. Hai máy có nhiều điểm tương đồng về kích thước, màn hình, bộ nhớ, dung lượng pin, camera trước và sau, cảm biến vân tay trong màn hình. Chiếc Galaxy A51 có ưu thế hơn về camera góc siêu rộng và chiếc camera macro độ phân giải cao hơn. Trong khi đó, sản phẩm của Oppo có hiệu năng mạnh hơn và tốc độ sạc vào nhanh hơn.
Theo Vnreview