Dù các TV 8K đã bắt đầu được bán ra trên thị trường nhưng mấu chốt quan trọng nhất là nội dung 8K như phim ảnh, video ca nhạc, các chương trình thể thao, game show,... vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí, ở thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ bộ phim nào có độ phân giải "khủng long" này. Ngay cả các rạp chiếu phim hầu hết cũng chỉ có các màn chiếu 4K mà thôi.
Nói như vậy để thấy video 8K vẫn còn một chặng đường dài để trở nên phổ biến, và việc Samsung đưa tính năng quay 8K lên bộ ba Galaxy S20 có thể coi là một trong những bước đi đầu tiên giúp video 8K trở nên thông dụng hơn.
Trước đó, một smartphone khác là Nubia Red Magic 3 đã có thể quay video 8K nhưng tốc độ khung hình chỉ ở mức 15FPS, quá thấp so với mức tối thiểu 24FPS. Hình ảnh thu được vô cùng giật lag và gần như không thể sử dụng được. Với S20 Ultra, video 8K đã đáp ứng tiêu chuẩn 24FPS nhưng liệu các yếu tố khác về chất lượng hình ảnh có được đảm bảo? Hãy cùng chúng tôi đi tìm câu trả lời trong bài đánh giá chi tiết ngay sau đây.
Độ nét, chi tiết, màu sắc ấn tượng, trội hơn hẳn 4K
Với số điểm ảnh lên tới 33 triệu pixels (7680x4320), cao gấp 4 lần so với "chỉ" 8 triệu pixels của video 4K (3840x2160) phải thừa nhận rằng video 8K quay từ S20 Ultra cho độ nét, chi tiết rất ấn tượng. Từng chi tiết nhỏ như gân lá, đường vân trên những cánh hoa, chú ong đang đi tìm mật hay những thớ thịt của chú tôm trong miếng bánh pizza đều hiện lên sống động, rõ nét. Bạn có thể kiểm chứng bằng những bức ảnh dưới đây, được trích xuất khung hình trực tiếp từ các video 8K của S20 Ultra thông qua tính năng có sẵn trong ứng dụng Bộ sưu tập của máy.
Tôi đã thử quay song song cả video 4K và 8K bằng S20 Ultra trong nhiều khung cảnh khác nhau, sau đó soi kỹ từng frame hình để so sánh. Thực tế cho thấy, video 8K cho độ nét, chi tiết, độ nổi khối tốt hơn hẳn so với 4K.
Ảnh trích xuất từ video 8K |
Ảnh trích xuất từ video 4K |
Nếu nhìn ở bức ảnh toàn cảnh, sẽ hơi khó để nhận ra sự khác biệt về độ nét giữa video 8K và 4K. Tuy nhiên, chỉ cần zoom lên một chút, bạn sẽ thấy các chi tiết trong video 8K hiện lên rõ ràng, sắc nét hơn nhiều. Càng ở mức zoom lớn, video 8K càng thể hiện rõ sự vượt trội. Ngay cả khi phóng lớn lên đến 4 – 6 lần, video 8K vẫn cho độ nét tốt. Tôi có thể nhìn rõ biển số xe, logo của chiếc ô tô trong video 8K. Còn với video 4K, điều này hoàn toàn không thể.
Ảnh zoom lớn 6 lần từ video 8K |
Ảnh zoom lớn 6 lần từ video 4K. |
Ở khung cảnh khác, một góc TP.HCM nhìn từ nóc tòa nhà chung cư nơi tôi đang sống cũng hiện lên căng nét, chi tiết và sống động. Các chi tiết ở rìa hình vẫn được tái tạo rõ ràng, giúp tôi có thể đọc tốt số điện thoại trên tấm biển quáng cáo ở góc video.
Ảnh trích xuất từ video 8K |
Ảnh trích xuất từ video 4K. |
Ảnh zoom lớn 6 lần từ video 8K |
Ảnh zoom lớn 6 lần từ video 4K |
Điều này có thể lý giải được bởi với độ phân giải lên tới 7680x4320 pixels, khi phóng lớn 6 lần, video 8K vẫn cho ra hình ảnh độ phân giải 1280x720 pixels, tương đương mức HD 720p. Trong khi đó, video 4K với số điểm ảnh là 3840x2160 pixels, khi zoom lớn 6 lần, độ phân giải chỉ còn 640x360 pixels, tương đương mức SD 360p. Nếu zoom lớn 2 hay 4 lần, video 8K sẽ cho ra các video 4K hay Full HD, đảm bảo độ sắc nét, rất hữu dụng cho công đoạn hậu kỳ, cắt crop khung hình.
Đây cũng là điểm Samsung đặc biệt nhấn mạnh khi quảng bá về tính năng quay video 8K trên S20. Thay vì chụp ảnh, bạn có thể sử dụng khả năng quay video 8K, sau đó trích xuất khung hình để có được bức ảnh độ phân giải tới 33MP mà không sợ lỡ mất khoảnh khắc.
Bạn có thể quay cảnh toàn bằng video 8K |
Sau đó hậu kỳ phóng lớn lên 2 lần để có cảnh cận mà vẫn đạt chất lượng 4K sắc nét |
Như vậy, chỉ với một cú bấm máy, bạn vừa có thể chụp ảnh, vừa quay phim với chất lượng tốt, thay vì phải thực hiện từng việc riêng lẻ như trước. Lưu ý là chỉ khi sử dụng tính năng trích xuất khung hình, ảnh từ video 8K mới có độ phân giải 33MP. Nếu sử dụng tính năng chụp ảnh trong lúc quay, ảnh chỉ có độ phân giải 9MP (4000x2252 pixels) mà thôi.
Bên cạnh đó, video 8K dễ dàng zoom lớn, cắt crop khung hình mà vẫn giữ được chất lượng tốt, đủ sắc nét và chi tiết để sử dụng trong hầu hết tình huống, cả với khi cần in ảnh kích thước lớn hay trình chiếu trên các TV 55 – 65 inch.
Màu sắc, độ sáng của các video 8K cũng nhỉnh hơn 4K. Hình ảnh khi quay 8K trên S20 Ultra cho màu sắc tươi tắn, rực rỡ hơn, nhất là ở các gam màu nóng như đỏ, vàng, cam. Dải sáng (Dynamic Range) cho chất lượng tốt. Tôi đã thử ngay quay 8K trong các tình huống ngược sáng mạnh, hướng thẳng mặt trời, và S20 Ultra vẫn thu được trọn vẹn các chi tiết, gần như không bị lốp sáng ở phần nền, trong khi vẫn giữ được màu sắc, độ sáng của chủ thể chính.
Ảnh trích xuất từ video 8K |
Ảnh trích xuất từ video 4K. |
Ảnh zoom lớn 2 lần từ video 8K |
Ảnh zoom lớn 2 lần từ video 4K |
Điều này có thể hiểu được bởi khi quay 8K ngược sáng, S20 Ultra vẫn hỗ trợ thuật toán HDR realtime để cải thiện dải sáng. Lưu ý rằng đây chỉ là thuật toán HDR, không phải video HDR bởi S20 Ultra không hỗ trợ quay video HDR hay HDR10+ ở độ phân giải 8K.
Hình ảnh video 8K khi quay ngược sáng mạnh, hướng thẳng mặt trời |
Một điểm tiện lợi là S20 Ultra cho phép chỉnh sửa các video 8K ngay trên điện thoại. Bạn có thể cắt ngắn bớt đoạn video thừa, chỉ lấy những đoạn nào cần thiết nhất, sau đó upload thẳng lên YouTube. Dù vậy, nếu thêm các hiệu ứng màu, chèn text, vẽ tay hay sticker, máy sẽ chỉ lưu được ở chất lượng 4K.
Video 8K có thể chỉnh sửa, cắt dựng ngay trên S20 Ultra, không cần chuyển sang máy tính |
Nhưng với video, chỉ nét và đẹp thôi là chưa đủ
Độ nét, chi tiết, màu sắc, dải sáng rất ấn tượng là vậy nhưng video 8K trên S20 Ultra vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
Ngay từ khi chuyển sang chế độ 8K, bạn sẽ nhận ra ngay khung hình không còn mượt mà như khi quay 4K hay Full HD nữa. Điều này đến từ 3 yếu tố.
Thứ nhất, khi quay 8K, S20 Ultra chỉ có tốc độ khung hình tối đa 24fps, thay vì 30 hay 60fps như khi quay 4K và Full HD. Tốc độ khung hình 24fps thực tế vẫn được đa số các bộ phim điện ảnh ngày nay sử dụng, tạo ra hiệu ứng cinematic nhưng vấn đề là video 8K của S20 Ultra bị hiện tượng rớt khung hình (drop frame). Hình ảnh nhiều lúc giảm xuống chỉ còn 12FPS, nhất là khi di chuyển, lia máy, hay có đối tượng chuyển động, gây ra hiện tượng giật hình, kém mượt mà.
Thứ hai, S20 Ultra bị crop khung hình 1.5X khi quay 8K. Điều này giống như khi bạn đang zoom lên gấp rưỡi so với quay 4K thông thường. Khung hình sẽ cận hơn, tiêu cự lớn hơn tương đương mức 39mm, đồng nghĩa với việc dễ rung hơn chỉ với một chuyển động nhỏ.
Cuối cùng, không có bất kỳ tính năng chống rung nào, kể cả là chống rung kỹ thuật số cho video 8K. Thực tế, tôi đã rất khó khăn vất vả mới có thể cầm tay không mà vẫn quay được những đoạn video 8K tương đối mượt mà với S20 Ultra. Phần lớn thời gian, tôi phải nhờ đến sự trợ giúp của gimbal hay tripod. Và ngay cả khi gắn lên gimbal, bạn cũng cần hết sức nhẹ nhàng, tránh di chuyển, lia máy nhanh do video 8K của S20 Ultra dễ bị hiện tượng, giật,méo hình jelly effect.
Để có thể quay được video 8K một cách mượt mà trên S20 Ultra, bạn sẽ cần đến các thiết bị hỗ trợ như gimbal hay tripod |
Tiếp đó, trong quá trình quay 8K trên S20 Ultra, tôi nhận ra máy còn tồn tại nhiều vấn đề khác.
Đầu tiên là tốc độ lấy nét tự động bị giảm sút đáng kể so với khi quay 4K hay Full HD, máy cũng thường lấy nét sai và việc chuyển nét cũng kém mượt mà. Đôi khi S20 Ultra còn không thể tự động lấy nét được vào chủ thể, dù chúng đã nằm ở chính giữa khung hình. Tôi thường phải chọn điểm lấy nét thủ công bằng cách chạm tay vào màn hình.
Trên bộ ba S20, Samsung lần đầu tiên trang bị tính năng quay video chuyên nghiệp Pro Video cho phép tinh chỉnh nhiều thông số chuyên sâu như ISO, tốc độ màn trập, nhiệt độ màu theo độ K, lấy nét bằng tay...nhưng lại không hỗ trợ video 8K.
Ngoài ra, chỉ có ống kính 108MP là có thể quay 8K. Ống kính góc siêu rộng 12MP, zoom quang 4X 48MP hay camera selfie 40MP của S20 Ultra đều không dùng được khi quay video độ phân giải siêu cao này. Máy chỉ cho zoom số 6X khi quay 8K thay vì lên tới 20X như lúc quay ở các chế độ khác.
Độ nét, chi tiết, màu sắc ấn tượng nhưng video 8K trên S20 Ultra còn cần nhiều yếu tố khác để trở nên thông dụng hơn |
Trong quá trình quay 8K, S20 Ultra nóng lên khá nhanh, nhất là quanh khu vực camera. Trong một số tình huống khi quay ngoài trời nắng gắt, sau khoảng 15 – 20 phút hoạt động, máy thậm chí còn không cho tôi bật ứng dụng camera do quá nóng. Chỉ khi vào trong bóng râm, nghỉ ngơi khoảng vài ba phút, S20 Ultra mới mát trở lại và hoạt động bình thường. Bản thân Samsung cũng đưa ra khuyến cáo về việc không nên quay video 8K quá 5 phút để ngăn hiện tượng quá nhiệt.
1 phút video 8K trên S20 Ultra tốn khoảng 600MB với bitrate khoảng 78Mb/s, nặng gần gấp đôi so với video 4K. Như vậy, với dung lượng bộ nhớ 128GB của S20 Ultra, bạn sẽ quay tối đa được khoảng hơn 200 phút, tương đương 3 tiếng 20 phút. Tiếc là S20 Ultra bản chính hãng không có tùy chọn bộ nhớ trong cao hơn như 256GB hay 512GB nên nếu muốn quay 8K nhiều hơn, bạn cần trang bị thêm thẻ nhớ micro SD, với khả năng mở rộng dung lượng tối đa lên tới 1TB.
Máy không giới hạn thời lượng quay 8K, bạn có thể quay tối đa bao nhiêu phút tùy thích, miễn là còn bộ nhớ. Tuy nhiên, mỗi khi đạt đến dung lượng 4GB, tương đương khoảng 7 phút quay 8K, máy sẽ tự chia file.
Thời lượng pin khi quay 8K sẽ mất khoảng 30% mỗi giờ. Như vậy, nếu quay từ lúc máy đầy pin 100%, bạn sẽ có thể quay được khoảng hơn 3 tiếng một chút.
Lời kết
Chất lượng video 8K của S20 Ultra xét riêng về "nước sơn" như độ nét, chi tiết, màu sắc thật sự ấn tượng, trội hơn hẳn video 4K, và từng khung hình trích xuất hoàn toàn ngang ngửa với ảnh chụp chất lượng cao 33MP, có thể zoom lớn 4 – 6 lần mà vẫn sắc nét. Điều mà trước đó các video 4K vẫn chưa thể làm tốt.
Tuy vậy, video 8K trên S20 Ultra sẽ không dành cho tất cả mọi người, nhất là với người dùng phổ thông bởi những hạn chế về "chất gỗ" như khả năng chống rung, lấy nét, độ ổn định khung hình.... Đối tượng này sẽ hài lòng hơn với các video 4K 60p, hay video Full HD Super Steady 30p siêu chống rung, bởi chỉ cần tay không là đã có những video mượt mà, chất lượng cao.
Video 8K trên S20 Ultra sẽ phù hợp với những nhà sáng tạo nội dung YouTube, Food Blogger hay dân review, làm phim,... những người đòi hỏi chất lượng hình ảnh cao nhất trên smartphone, có đầy đủ các công cụ hỗ trợ như gimbal hay tripod, máy tính cấu hình cao cùng kinh nghiệm nhất định về quay phim, hậu kỳ.
Theo VN Review