Hà Nội, Thứ Ba Ngày 19/03/2024

Tắc nghẽn cục bộ, hàng không chuyển bay đêm

ANTĐ 08:23 18/12/2019

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Hàng không cũng cho rằng, việc hành khách đi lại đông đúc vào dịp Tết cũng có thể gây ùn tắc, do đó "mong nhân dân thông cảm và chia sẻ với những khó khăn của ngành hàng không”

Tăng chuyến bay đêm đến các sân bay nhỏ

Các hãng hàng không nội địa đã lên kế hoạch tăng tải hàng nghìn chuyến bay với hàng trăm nghìn chỗ ngồi dịp cao điểm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Tuy vậy, hiện nay, 2 sân bay lớn là Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã quá tải, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất, khó có thể tăng thêm công suất. Để đáp ứng được nhu cầu của người dân, từ Cục Hàng không Việt Nam đến các Cảng hàng không như Nội Bài, Tân Sơn Nhất và các sân bay địa phương đều lên kế hoạch bay đêm.

Hàng không đang có nhiều thời điểm tắc nghẽn

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết thông tin, dự báo, Tết Nguyên đán năm nay, thị trường hàng không tăng trưởng 9% nên Cục đang phân phối số chuyến bay cho các hãng, trong đó tăng tần suất bay ban đêm đến nhiều sân bay nhỏ trên cả nước. Cục cũng yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) giảm phí dịch vụ sân bay vào ban đêm để khuyến khích hãng hàng không.

Hiện nay, chỉ có một số sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Nha Trang có hoạt động bay đêm với tần suất thấp. "Chúng tôi đã chỉ đạo các hãng và sân bay chuẩn bị nguồn nhân lực, đảm bảo 100% quân số ứng trực trong dịp Tết để phục vụ hành khách", ông Thắng nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Hàng không cũng cho rằng, việc hành khách đi lại đông đúc vào dịp Tết cũng có thể gây ùn tắc, do đó "mong nhân dân thông cảm và chia sẻ với những khó khăn của ngành hàng không”.

Thông tin thêm về việc phục vụ bay đêm để san tải dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HDQT ACV nhìn nhận, dịp Tết Nguyên đán sức ép rất lớn lên hai sân bay quan trọng là Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

“Đặc biệt, sân bay Tân Sơn Nhất đứng trước sức ép lớn là phải tăng được slot. Hiện nay, chúng tôi đã cố gắng áp dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý điều hành bay, hiện đại hóa dây chuyền từ nhà ga đến ngoài sân đậu, đường lăn để nâng được 44 slot/giờ cao điểm, nhưng sắp tới, theo Chỉ thị của Cục Hàng không thì phải tăng lên 46 slot/giờ cao điểm”- ông Thanh chia sẻ.

E ngại hạ tầng tại các sân bay địa phương

Cục Hàng không Việt Nam và ACV cũng đã thống nhất cao, sẵn sàng triển khai phục vụ bay đêm tại tất cả các cảng hàng không có đèn đêm (hiện ngoại trừ sân bay Côn Đảo, Điện Biên và Rạch Giá- Cà Mau chưa có đèn đêm).

“Để triển khai phục vụ các chuyến bay đêm khó nhất là nguồn nhân lực. Phục vụ bay đêm nghĩa là phải trực 24/7, phải đảm bảo đủ nguồn lực, trong khi bay đêm chỉ lác đác vài chuyến nhưng vẫn phải đảm bảo đầy đủ”- ông Thanh cho hay.

Tuy vậy, lãnh đạo ACV cũng khẳng định, ACV đã cam kết với Cục Hàng không, Cục cứ cấp phép bay đêm cho các hãng, ACV sẽ sẵn sàng đáp ứng, phục vụ.

Hiện, tại các sân bay lớn như Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất… bộ phận phục vụ mặt đất đều do các Công ty CP thực hiện, ACV chỉ phục vụ tại các CHK địa phương.

“Vấn đề con người phục vụ đã được chúng tôi xem xét. Mặc dù là cao điểm Tết nhưng không phải cao điểm trên toàn mạng bay, vì vậy, sẽ tổ chức dồn dịch sao cho đủ về con người và trang thiết bị, đảm bảo cam kết với Cục Hàng không Việt Nam rằng, cứ có chuyến bay đêm đến sẽ được phục vụ tốt”- ông Thanh khẳng định.

Bày tỏ về việc bay đêm trong dịp Tết để giảm tải tắc nghẽn hạ tầng tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất, một số hãng hàng không nội địa cho rằng, vấn đề bay đêm hiện đã được các hãng thực hiện. Tuy nhiên, tại các sân bay nhỏ địa phương thì hạ tầng và nhân lực lo ngại không đáp ứng tốt cho các chuyến bay đêm.

Ngân Tuyền (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết Tắc nghẽn cục bộ, hàng không chuyển bay đêm tại chuyên mục Dịch vụ hàng không. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Dịch vụ hàng không