Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Forbes nói gì về sự ra đời trường Đại học VinUni của Tập đoàn Vingroup?

FORBES/NĐT 12:06 19/01/2020

Sự ra đời của VinUni giúp khắc phục tình trạng thiếu hụt tài năng lãnh đạo ở Việt Nam

Khát vọng của VinUni là tạo ra đột phá trong chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam, hướng tới đẳng cấp thế giới. Nhằm hiện thực hóa khát vọng này, Vingroup sẽ đầu tư xây dựng VinUni dựa trên các chuẩn mực cao nhất về nghiên cứu, giảng dạy, việc làm và triển vọng quốc tế.

Đại học VinUni

Nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng khoảng 7% trong năm nay, được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Chủ nhà máy từ các khu vực phát triển hơn ở châu Á đang tiết kiệm được tiền ở Việt Nam nhờ vào nguồn lao động với chi phí thấp, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa là lao động có tay nghề thấp.

Hiện tại, khi nhiều công ty quyết định mở rộng quy mô, họ phát triển văn phòng hành chính và nhân viên R&D. Điều đó có nghĩa là sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm cho các kỹ thuật viên, nhà tiếp thị và trợ lý cho nhà quản lý. Tuy nhiên rất nhiều trong số các công ty đó gặp phải sự thiếu hụt lao động lành nghề vì các trường học tại Việt Nam đang không dạy những gì mà sinh viên thực sự cần.

Đối với tình hình như vậy, tập đoàn Vingroup tại Việt Nam đã đưa ra một giải pháp cho vấn đề này. Vingroup đã nhận được phê duyệt vào tháng 12 để vận hành trường đại học của riêng họ. Trường đại học này được xây dựng tại Hà Nội với mức đầu tư lên đến 151 triệu USD.

Đại học VinUni, dự định sẽ tìm kiếm những giảng viên hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới để đào tạo sinh viên, qua đó đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các tập đoàn lớn về nguồn lao động có chuyên môn cao.

"Tập đoàn Vingroup đặt mục tiêu phát triển thành một doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực về công nghệ và dịch vụ, với sự tập trung nhiều hơn cho công nghệ. Chúng tôi cần các nhà lãnh đạo và chuyên gia xuất sắc để có thể đạt được mục tiêu đã đề ra. Do đó, về lâu dài, VinUni cần phát triển lực lượng lao động ưu tú cùng với hệ tư tưởng quản lý và phát triển của Vingroup", bà Lê Mai Lan - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết.

Từ năm 2012, Việt Nam đã thuyết phục được các nhà đầu tư nước ngoài rằng đây là một nơi thích hợp để sản xuất hàng xuất khẩu từ phụ tùng xe hơi đến giày thể thao. Tiền lương tối thiểu hàng tháng khoảng 132 USD và đó là điều hấp dẫn đối với những nhà đầu tư. Nhưng mức lương đó là trả cho một công nhân nhà máy chứ không phải là người có thể điều hành văn phòng chính hoặc thiết kế những mặt hàng xuất khẩu đắt đỏ.

Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết Việt Nam đang phải đối mặt với "sự chênh lệch nghiêm trọng giữa giáo dục, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để tìm và giữ một công việc cũng như nội dung giáo dục trong nhà trường và yêu cầu thực tiễn".

Các nhà phân tích trong nước cho biết, các trường đại học công lập chưa thể bắt kịp nhu cầu của các công ty nước ngoài về giáo dục công nghệ và kỹ năng hành chính.

Ông Adam McCarty, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Mekong Economics tại Hà Nội cho biết, "Các trường đại học tại đây đang chậm hơn Thái Lan hàng thập kỷ và chắc chắn các trường đại học tốt nhất ở Trung Quốc đang bỏ xa các trường đại học Việt Nam. Thực tế, nhiều người lao động tại Việt Nam với chuyên môn tốt và tay nghề cao đều đến từ những gia đình giàu có đã gửi họ ra nước ngoài để học".

Ông Murray Hiebert, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ cho biết, "Các trường công lập ở Việt Nam, giống như những nơi khác ở châu Á, khuyến khích học thuộc để vượt qua các kỳ thi thay vì tư duy phê phán hoặc giải quyết vấn đề".

Tổng cục thống kê Việt Nam cho biết số lượng lao động không có tay nghề chiếm tới 77% tổng lực lượng lao động, với sinh viên tốt nghiệp đại học ở mức dưới 10%. Sự phân ly đó đã làm ảnh hưởng đến các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm các quản lý nhà máy, quản lý văn phòng và trợ lý.

Vào đầu tháng 11, VinUni đã công bố mức chi phí đào tạo 35.000 USD/năm cho hệ Đại học và 40.000 USD/năm cho hệ sau Đại học, tương đương với chi phí đào tạo nước ngoài tại Mỹ và Úc. Giai đoạn đầu khi mới thành lập, VinUni sẽ tập trung đào tạo các ngành trong lĩnh vực kinh doanh quản lý, kỹ thuật, máy tính, công nghệ thông tin và sức khỏe...

"Đại học VinUni sẽ tuyển dụng các giáo sư có kinh nghiệm trong các công ty đa quốc gia như một phần của mục tiêu tuyển dụng các giảng viên hàng đầu. Mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi là làm thế nào để đảm bảo chất lượng học tập với đẳng cấp thế giới. Điều này là rất khó khăn, và chúng tôi hiện đang tìm kiếm những cá nhân ưu tú trên toàn thế giới", bà Lê Mai Lan cho biết.

Năm 2017, Đại học Cornell đã ký thỏa thuận giúp phát triển VinUniversity. Ngoài ra, khối trường Ivy League cũng sẽ hỗ trợ VinUni thẩm định cơ sở vật chất, tuyển dụng nhân sự, thiết kế chương trình giáo dục, hợp tác nghiên cứu, đồng thời kiểm định và thẩm định chất lượng các khoá cử nhân đầu tiên của khối giáo dục, kinh doanh, công nghệ.

Đại diện Đại học Cornell cho hay trường sẵn sàng chia sẻ giảng viên, tư vấn tuyển dụng, kinh nghiệm kỹ thuật của các trung tâm giảng dạy xuất sắc. Đồng thời, giảng viên của trường sẽ sang dạy ở ĐH VinUni. Ngược lại, VinUni cũng có thể cử giảng viên sang Mỹ nghiên cứu, học hỏi, tìm hiểu.

Khóa đầu tiên, trường dự kiến sẽ tuyển sinh 300 sinh viên. Ngoài ra, VinUni cũng áp dụng mô hình tuyển chọn toàn diện của trường đại học thuộc khối Ivy League trong tuyển sinh, đánh giá tiềm năng từng cá nhân một cách toàn diện trên các khía cạnh: Kết quả học tập, phẩm chất cá nhân và các hoạt động thực tế thể hiện tính cách lãnh đạo, tư duy nhân văn vì cộng đồng, khả năng tổ chức và kết nối…

Bạn đang đọc bài viết Forbes nói gì về sự ra đời trường Đại học VinUni của Tập đoàn Vingroup? tại chuyên mục Trường học, bệnh viện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Trường học, bệnh viện