Sắp đi học, vẫn chờ sách giáo khoa
Năm học mới sắp bắt đầu nhưng chị Lê Mai Hồng Đào ngụ quận 5, Tp. Hồ Chí Minh vẫn chưa tìm được sách giáo khoa (SGK) lớp 6 cho con.
“Tôi định đưa con đến nhà sách để mua SGK nhưng do giãn cách xã hội nên buộc phải mua online. Tuy nhiên, nhà trường thông báo sẽ bắt đầu học năm học mới từ ngày 6/9 nhưng nay tôi vẫn chưa nhận được SGK dù đã đặt mua từ ngày 20/8”, chị Phương chia sẻ.
Chị Phạm Thị Thanh Mai, phụ huynh trường THCS Nguyễn Trãi, quận Gò Vấp cho hay: “Do địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cộng thêm UBND Tp.Hồ Chí Minh không cho shipper hoạt động tại một số quận huyện, trong đó có Gò Vấp nên các phụ huynh không thể mua được SGK, trong khi nhà sách đang đóng cửa còn mua online thì không ai giao hàng”.
Trước phản ánh của phụ huynh, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc sở GD&ĐT Tp. Hồ Chí Minh cho biết, các đơn vị xuất bản đang tích cực chuyển SGK cho các trường.
Trong đó, hơn 95% SGK từ lớp 3 đến lớp 5 và từ lớp 7 đến lớp 12 đã được giao cho các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn. Chỉ xảy ra khó khăn đối với SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6.
Bởi lẽ, khối lớp 2 và lớp 6 là năm học đầu tiên chọn sách mới theo chương trình phổ thông 2018. Còn lớp 1 thì được chọn lại SGK sau 1 năm triển khai.
Trước phản ánh “SGK chưa nằm trong danh sách hàng hóa thiết yếu nên khó khăn vận chuyển”, Giám đốc Nguyễn Văn Hiếu cho hay, Sở đã kiến nghị với UBND Tp.Hồ Chí Minh hướng dẫn các ban ngành có liên quan để tạo điều kiện cho SGK vận chuyển đến các trường.
Từ đó, phụ huynh có thể đăng ký mua SGK với nhà trường để phòng GD&ĐT quận, huyện quyết định thời gian, sắp xếp cho phụ huynh đến nhận sách theo đúng quy định phòng chống dịch.
Việc phân phối SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6 gặp khó do các trường lựa chọn sách theo chương trình mới. |
Hiện, sở GD&ĐT Tp. đang cố gắng để đảm bảo học sinh có SGK trước ngày 20/9 để bắt đầu năm học. Riêng cấp tiểu học phải sớm hơn là ngày 6 - 18/9.
Đại diện cơ quan này cũng cho biết, bản điện tử của SGK từ lớp 1 đến lớp 12 đều có trên website của Sở và các trường.
Sách điện tử có thay thế được sách giấy hay không?
Đánh giá cao giải pháp sử dụng SGK bản điện tử, anh Nguyễn Văn Trường Giang, phụ huynh trường tiểu học Trương Định, quận 12 cho rằng, khi SGK theo chương trình mới có giá đắt gấp 4 lần sách chương trình cũ thì việc sử dụng SGK bản điện tử sẽ giảm áp lực kinh tế cho phụ huynh.
Tuy nhiên, sau khi cho con sử dụng thử SGK điện tử, anh Giang lại băn khoăn: “Tất cả các NXB đều có SGK điện tử công khai, thế nhưng chỉ là… hình thức, không thể sử dụng được. Nhìn sơ qua thì đẹp nhưng kích thước chữ nhỏ lại nhòe, không thể đọc được, có muốn phóng to cũng không được. Nếu cố lắm, đọc được một hai trang là mỏi mắt”.
Còn chị Vũ Thị Nam Trang ngụ quận Phú Nhuận, Tp.Hồ Chí Minh cho rằng: “Vấn đề có thể nằm ở cảm giác. Dường như khi cầm quyển sách trên tay, trẻ con sẽ thấy chúng đang học nhiều hơn chơi, thay vào đó chiếc iPad lại cho trẻ thấy như đang... chơi nhiều hơn học”.
Trên các diễn đàn, mạng xã hội, hầu hết phụ huynh đều đồng ý rằng, SGK điện tử có hạn chế khi thiết bị laptop, máy tính bảng pin hết pin giữa buổi học.
Chị Nguyễn Thị Hiền, ngụ huyện Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh nêu ý kiến: “Đối với cấp tiểu học, việc sử dụng SGK bản điện tử vẫn cần phải kết hợp với SGK truyền thống. Ví dụ như các môn học như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng anh, Tự nhiên xã hội, Đạo đức mà dạy trên SGK điện tử thì rât tốt.
Các trường THCS, THPT tại Tp. Hồ Chí Minh đã chủ động giảng dạy bằng nhiều nguồn tài liệu khác, hạn chế phụ thuộc hoàn toàn vào SGK. |
Còn các môn như Toán và Tiếng Việt, đòi hỏi rèn luyện kỹ năng nhiều thì cần phải kết hợp với SGK giấy. Nét chữ nết người nên việc luyện viết, luyện vẽ bằng tay rất quan trọng, trong khi SGK điện tử không thể phát huy vai trò về điều này”.
Chủ động thích ứng với tình hình mới
Trong hoàn cảnh này, ông Võ Kim Bảo, giáo viên trường THCS Nguyễn Du tại quận 1, Tp.Hồ Chí Minh chia sẻ: “Trên thực tế, việc dạy nguyên mẫu như sách giáo khoa đã không còn quá quan trọng ở một số môn”.
Với một số môn học như Toán, Vật lý, Hóa học..., các giáo viên đã có những giáo án riêng cho chương trình trực tuyến, chỉ cần người học chú tâm vào từng bài giảng là đã có thể lĩnh hội được kiến thức, không nhất thiết phải phụ thuộc vào sách giáo khoa.
Những môn đòi hỏi phải đọc nhiều như Ngữ văn, trong quá trình dạy online, bản thân các giáo viên sẽ trích dẫn những câu, đoạn học quan trọng vào các slide bài giảng.
“Trong bối cảnh bất khả kháng như hiện nay, sự chủ động là rất cần thiết. Trên internet, nguồn tài liệu cho các môn rất nhiều, từ sách giáo khoa, sách tham khảo, các bài chuyên sâu. Hầu hết các bài học đều đã được số hóa, thậm chí một số bài ở dạng video, dạng audio book”, ông Bảo chỉ ra.
Còn ông Nguyễn Thành Phát, Hiệu Trưởng trường THCS Lạc Hồng tại quận 10, Tp. Hồ Chí Minh cho hay: “Phụ huynh và học sinh không nên quá lo lắng nếu không mua được SGK. Không chỉ năm học này mà từ nhiều năm trước, ngành giáo dục đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên, quán triệt tinh thần dạy học bằng nhiều nguồn tài liệu khác nhau”.
Theo đó, giáo viên chủ động soạn giáo án theo hình thức tích hợp kiến thức thành nhiều chủ đề khác nhau, không phụ thuộc thiết kế từng bài học trong SGK.
Năm học 2021-2022, để chuẩn bị triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6, các tổ bộ môn Lịch sử - Địa lý và Lý - Hóa - Sinh (hai môn học mới xuất hiện trong chương trình phổ thông 2018) của trường này đã bàn bạc, thống nhất những nội dung triển khai trong từng chủ đề, đảm bảo yêu cầu về chuẩn kỹ năng, kiến thức cho học sinh theo phân phối chương trình.
Ở cấp THPT, ông Hà Hữu Thạch, Hiệu Trưởng trường THPT Lê Quý Đôn tại quận 3, Tp.Hồ Chí Minh nhận xét: “Hiện nay, các trường đều có đề cương tóm tắt nội dung lý thuyết và các dạng bài tập cho học sinh”.
Để khắc phục khó khăn không mua được SGK, giáo viên sẽ gửi tài liệu nội dung từng bài học cho học sinh tham khảo trước giờ học trực tuyến. Trường hợp học sinh gặp khó khăn về máy móc hay internet thì có thể báo giáo viên chủ nhiệm để được hỗ trợ tài liệu giấy.
Trao đổi với Người Đưa Tin, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cũng xác nhận tình trạng ách tắc phân phối SGK cho các hệ thống nhà sách, cửa hàng bán lẻ và trường học nhiều địa phương phía Nam đang giãn cách xã hội.
Đơn vị đã có công văn gửi tới UBND các tỉnh, thành đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển sách giáo khoa nhằm kịp thời cung ứng đầy đủ cho học sinh, giáo viên trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, NXB Giáo dục Việt Nam chưa nhận được phản hồi của một số địa phương do đang tập trung công tác phòng, chống dịch và siết chặt các quy định của Chỉ thị 16.
Hiện nay, việc phát hành sách trên một số kênh bán hàng trực tuyến của NXB Giáo dục Việt Nam vẫn duy trì nhưng tùy thuộc vào điều kiện cho phép vận chuyển, giao hàng của các địa phương nên sách chưa đến tay học sinh.
Theo Người Đưa Tin