"Tôi hiểu ra rằng, muốn kiểm soát vấn đề, muốn làm chủ cuộc chơi, cần phải xây dựng thương hiệu của chính mình. Giovanni, thời trang phong cách Ý đã đến với tôi như vậy. Thông qua Giovanni, tôi muốn xây dựng thương hiệu thời trang cao cấp cận xa xỉ của người Việt Nam. Muốn thay đổi vị thế Made in Việt Nam lên đỉnh cao trong chuỗi giá trị toàn cầu” - Chủ tịch Giovanni Group Nguyễn Trọng Phi trải lòng mình với phóng viên bắt đầu từ những sẻ chia chân thành như thế!
Một nhà văn nổi tiếng đã nói, những con đường trên thế gian là do con người ta đi mãi mà thành. Câu nói này có lẽ đúng với quá trình hình thành và phát triển thương hiệu thời trang cao cấp Giovanni của doanh nhân Nguyễn Trọng Phi.
Từ sự tình cờ, doanh nhân Nguyễn Trọng Phi đến với ngành kinh doanh thời trang, rồi bén duyên, yêu và say mê. Tình yêu vồ vập nhưng khờ khạo buổi ban đầu với thời trang đã khiến anh ba lần trả giá rất đắt.
Nguyễn Trọng Phi đã mò mẫm sang Thái Lan, là một trong những thiên đường mua sắm và du lịch của Đông Nam Á lúc giờ. Anh đem những thương hiệu thời trang nổi tiếng của thế giới về bán tại Việt Nam. Khi hàng hóa đang bán tốt, công ty của Thái Lan thấy thị trường Việt Nam tiềm năng nên đã không cho anh bán nữa. Không nản, anh lại đi tìm thương hiệu khác. Nhưng cả hai lần sau này anh đều chuốc lấy thất bại vì sự non nớt trong làm thương mại. Anh nhận được những bài học đắt giá về thị trường, về làm thương hiệu.
“Khi thị trường thời trang cao cấp dịch chuyển từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội với sự xuất hiện của các trung tâm thương mại lớn, trong tay tôi không còn một thương hiệu nào. Lúc đó, khoảng năm 2006”, doanh nhân sẻ chia.
Sau những bài học đắt giá đó, niềm đam mê thời trang hàng hiệu với Nguyễn Trọng Phi vẫn không hề thay đổi. Nhưng tình yêu đó đã chuyển sang một giai đoạn mới. Anh khao khát xây dựng thương hiệu thời trang cao cấp của riêng mình.
Giovanni đến từ niềm đam mê đội bóng đá của nước Ý và thời trang Ý. Cái tên này do một người bạn luật sư tìm giúp. Song để xây dựng được hình hài như ngày hôm nay, Nguyễn Trọng Phi đã trải qua 10 năm lăn lóc từ các hội chợ thương mại, thời trang ở Thượng Hải, đến Ý, rồi Pari…
Thành công nhờ đi ngược xu thế!
Những bước đi của Nguyễn Trọng Phi là “đi ngược với xu thế ngành thời trang Việt Nam” như anh từng nói. Trong khi các công ty Việt Nam chủ yếu là gia công cho nước ngoài thì anh lại đặt nước ngoài sản xuất đem về nước bán. Các công ty khác chú trọng gia công sản xuất, còn anh lại xây dựng thương hiệu trước rồi mới đến sản xuất.
Lúc đó, Nguyễn Trọng Phi đã thành công ở dòng áo sơ mi, polo, cà vạt. Tuy nhiên, anh tham vọng làm mấy chục mặt hàng thời trang. Lúc này, đối tác Thái Lan không đáp ứng nổi những mong muốn này. Anh đành tìm đường sang Trung Quốc, mà theo anh nhận định là nơi nổi tiếng về sản xuất áo khoác, áo len, đồ da. Lại mất thêm 6 năm tìm kiếm, mò mẫm. Anh đã tìm thấy những đối tác tốt nhất Trung Quốc tại Thượng Hải và đặt họ sản xuất với các nguyên liệu nhập khẩu từ châu Âu, Ý, Nhật…
Thương hiệu thời trang Giovanni được đặt sản xuất tại nước ngoài với những nguyên phụ liệu từ những nhà cung cấp tốt nhất thế giới.
Để chủ động hơn, năm 2016, Nguyễn Trọng Phi quyết định chuyển nhà máy sản xuất về Việt Nam. Lúc đó, nhiều người can ngăn vì e ngại thương hiệu Giovanni có xuất xứ Việt Nam sẽ giảm phần nào giá trị. Nhưng anh tin, anh sẽ chứng minh cho người Việt Nam thấy, họ mua giá trị sản phẩm chứ không phải xuất xứ. Năm 2017, anh mời chuyên gia Ý chuyên về tư vấn xây dựng thương hiệu để phát triển thương hiệu cho Giovanni. Chuyên gia này đã giúp cho thương hiệu đi lên một tầm cao mới.
Những mặt hàng thời trang cao cấp cận xa xỉ được khách hàng trong nước hồ hởi đón nhận bởi giá của nó hợp lý hơn so với hàng hiệu xa xỉ của thế giới. Người tiêu dùng Việt Nam rất thông minh và tư duy về hàng hóa cũng như mua sắm đã hoàn toàn thay đổi.
“Trước kia, túi xách Giovanni xuất xứ từ Ý có giá khoảng 17 triệu đồng thì nay sản xuất tại Việt Nam có giá 12 triệu đồng. Trong khi đó, hàng hiệu xa xỉ của thế giới có giá có khi lên đến vài trăm triệu đồng. Bởi vì họ bán thương hiệu, còn chúng tôi bán giá trị thực của sản phẩm”.
Hướng tới thương hiệu toàn cầu
Hiện nay, Giovanni sở hữu khoảng 60 dòng sản phẩm thời trang gồm trang phục, phụ kiện, đồ da. Ông chủ của nó muốn đặt những nền móng đầu tiên cho phân khúc thời trang cao cấp tại Việt Nam, muốn truyền đam mê cho thế hệ trẻ về ước vọng xây dựng thương hiệu toàn cầu.
Nguyễn Trọng Phi mong muốn, thay đổi vị thế Made in Việt Nam lên đỉnh cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Vì theo anh, Việt Nam là cái rốn của ngành dệt may, da giày nhưng chủ yếu là gia công và phần lớn là xuất khẩu. Vì vậy, giá trị rất thấp.
Với quyết tâm đó, Nguyễn Trọng Phi quyết định xây dựng nhà máy tiếp theo sản xuất đồ da với tầm cỡ thế giới. Nhà máy được đặt ở tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài việc xây dựng thương hiệu cho Giovanni, anh muốn giải quyết việc làm cho người lao động ở quê mình và muốn đào tạo họ trở thành lớp doanh nhân mới.
Cùng với việc xây dựng nhà máy là chuyển đổi số. Năm tới, công nghệ 4.0 sẽ được vận dụng vào các hoạt động. Khách hàng có thể nhìn thấy Giovanni được sản xuất như thế nào và tương tác với đội ngũ kỹ thuật, có thể đặt hàng đơn chiếc cho công dân toàn cầu và ship đến tận nơi.
Tuy nhiên, để trở thành thương hiệu toàn cầu, chỉ có sự nỗ lực của doanh nghiệp là chưa đủ mà cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ cho những doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm. Chỉ có như vậy, người Việt Nam mới nâng cao vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đó chính là tự tôn dân tộc, là khát vọng của tất cả những người Việt Nam chân chính.
Trong những giá trị đó, kinh tế tư nhân càng ngày càng được đánh giá cao. “Thời điểm này đang là vàng với kinh tế tư nhân bởi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với quốc tế bằng các hiệp định thương mại tự do. Đó chính là môi trường bình đẳng để cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước cũng như ngoài nước. Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đã chứng minh được điều này”, doanh nhân Nguyễn Trọng Phi chia sẻ về những đóng góp của doanh nghiệp tư nhân.
Gia đình tốt, xã hội tốt thì Việt Nam sẽ tốt lên mỗi ngày
Đó là điều doanh nhân Nguyễn Trọng Phi mong muốn truyền lại những giá trị, những khát vọng cho lớp doanh nhân kế tiếp. Theo anh, doanh nhân không chỉ làm cho riêng mình, gia đình tốt, xã hội tốt thì Việt Nam sẽ tốt lên mỗi ngày. Anh tin, lớp trẻ với khát vọng lớn lại được học hành, đào tạo bài bản và kế thừa những giá trị sẽ làm được những điều phi thường hơn lớp doanh nhân trước.
"Hiện nay, sự nhìn nhận của nhà nước với vai trò của kinh tế tư nhân với đất nước đã khác xưa. Điều này sẽ tạo đà cho doanh nghiệp Việt Nam vươn tầm thế giới. Tuy nhiên, để đi đến khát vọng toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam nói chung cần vượt qua những thách thức như trình độ kỹ thuật, trình độ quản lý, tài chính, chính sách hỗ trợ từ nhà nước…”, doanh nhân Phi chia sẻ.