tuy nhiên lợi nhuận vẫn “đì đẹt” quanh mức trên dưới 100 tỷ đồng mỗi năm. Cơ cấu nợ vay phình to, gấp 1,7 lần vốn chủ sở hữu tính đến hết quý I/2021.
Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà Lê Vĩnh Sơn trúng cử đại biểu HĐND TP. Hà Nội
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà (mã: SHI) vừa trúng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Không chỉ ngồi "ghế nóng" tại Sơn Hà, ông Lê Vĩnh Sơn còn Chủ tịch CTCP Phát triển năng lượng Sơn Hà (SHE).
Ngoài ra, ông Lê Vĩnh Sơn là đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội khóa XV nhiệm kỳ 2016 – 2021; Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam – Thành phố Hà Nội; Chủ tịch Chuyên đề Năng lượng sạch của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam.
Theo báo cáo quản trị năm 2020, ông Lê Vĩnh Sơn đang sở hữu hơn 14,6 triệu cổ phiếu SHI - cổ phiếu của Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà (tương đương 15,98% vốn).
Công ty này chính thức trở thành công ty đại chúng khi tham gia thị trường chứng khoán kể từ năm 2009. Đến nay, cổ phiếu SHI đang giao dịch quanh mức 29.750 đồng/cp.
Với hơn 14,6 triệu cổ phiếu SHI đang nắm giữ (tính đến cuối năm 2020), khối tài sản chứng khoán này của ông Sơn có giá trị trên 430 tỷ đồng.
Sơn Hà của ông Lê Vĩnh Sơn kinh doanh thế nào?
Thành lập theo Giấy phép TLDN ngày 17/11/1998 của UBND thành phố Hà Nội, Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà (tiền thân là Công ty TNHH Cơ Kim Khí Sơn Hà) với số vốn điều lệ tại chỉ vỏn vẹn 600 triệu đồng.
Tính đến cuối quý I/2021, vốn góp chủ sở hữu của Sơn Hà đã lên tới 914 tỷ đồng, quy mô vốn chủ sở hữu xấp xỉ 1.400 tỷ đồng.
Cùng với đó, tổng tài sản của công ty tính đến cuối quý I/2021 đạt 4.402 tỷ đồng, giảm nhẹ từ mức 4.504 tỷ ghi nhận hồi đầu năm.
Tuy nhiên nếu so với cuối năm 2017, tài sản của Sơn Hà đã tăng gấp 1,5 lần.
Quy mô vốn, tài sản phình to, nợ phải trả của Sơn Hà cũng tăng nhanh trong những năm gần đây.
Nếu như năm 2017, Sơn Hà của ông Lê Vĩnh Sơn chỉ ghi nhận 2.061 tỷ đồng nợ phải trả thì đến cuối năm 2020 con số này lên tới 3.182 tỷ đồng và giảm nhẹ về mức 3.043 tỷ đồng (quý I/2021). Như vậy, quy mô nợ phải trả cũng tăng xấp xỉ 1,5 lần trong giai đoạn này.
Trong đó nợ vay ngắn hạn tăng 1.322 tỷ lên 2.020 tỷ và nợ vay dài hạn giảm từ 281 tỷ đồng về còn 211 tỷ đồng tính đến cuối năm 2020.
Đến cuối quý I/2021, nợ vay ngắn hạn tiếp tục phình to đạt 2.098 tỷ đồng và nợ vay dài hạn tăng thêm 18 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng nợ vay của Sơn Hà từ năm 2017 đến hết quý I/2021 đã tăng thêm 1,45 lần.
Với quy mô nợ vay lên tới 2.327 tỷ đồng, gấp 1,7 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 53% tổng tài sản.
Về kết quả kinh doanh, doanh thu thuần của Sơn Hà trong quý gần nhất tăng trưởng 41,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 1.498 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu từ bán hàng hóa đạt 834 tỷ đồng và doanh thu bán thành phẩm đạt 694 tỷ đồng, đóng góp hơn 99% tổng doanh thu.
Mảng cung cấp dịch vụ mang lại 5,5 tỷ đồng, nếu so với cùng kỳ năm ngoái giảm 1,5 tỷ đồng về doanh thu. Doanh thu khác tăng mạnh hơn 60 lần so với quý 1/2020, đạt mức 5,4 tỷ đồng.
Doanh thu tăng mạnh trong khi chi phí tài chính lại đi ngang, các chi phí khác cũng tăng với mức nhỏ hơn. Do đó, lãi sau thuế của Sơn Hà đạt 40,5 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong đó có gần 80% thuộc về công ty mẹ tương đương mức lãi hơn 32 tỷ đồng; con số này trong quý I/2020 chỉ là 102 triệu đồng.
Năm 2021, Sơn Hà của ông Lê Vĩnh Sơn đặt mục tiêu đạt 6.000 tỷ đồng doanh thu và gần 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Như vậy kết thúc quý I công ty đã hoàn thành gần 25% kế hoạch doanh thu và 40,5% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại cả giai đoạn 2015 – 2020 có thể thấy, doanh thu của Sơn Hà không ngừng tăng trưởng dương, bình quân 28%/năm, từ mức 2.317 tỷ đồng (năm 2015) lên 5.360 tỷ đồng (năm 2020).
Quy mô doanh thu lên tới nửa vạn tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp trồi sụt và chỉ "đì đẹt" qua các năm.
Nếu như năm 2015, doanh thu chỉ hơn 2.200 tỷ Sơn Hà đã báo lãi trước thuế 97 tỷ đồng thì tới năm 2020, lợi nhuận trước thuế của công ty này cũng chỉ trên 126 tỷ đồng trong khi doanh thu thuần năm này gấp tới 2,5 lần con số của năm 2015.
Thậm chí, lợi nhuận sau thuế của Sơn Hà tụt xuống dưới mốc 100 tỷ đồng ngay trong năm 2020, trong khi 4 năm liên tiếp trước đó doanh nghiệp đều duy trì lãi sau thuế trên 100 tỷ đồng.
Được biết, Tập đoàn Sơn Hà là thương hiệu sản xuất bồn nước hàng đầu Việt Nam trong nhiều năm qua. Đến nay, mảng kinh doanh này vẫn là hoạt động cốt lõi, đem lại phần lớn doanh thu công ty.
Tuy nhiên, bên cạnh những ngành nghề cốt lõi, doanh nghiệp đang từng bước mở rộng đầu tư 3 lĩnh vực khác gồm nước, năng lượng tái tạo và bất động sản công nghiệp với dự án đầu tiên là khu công nghiệp Tam Dương, Vĩnh Phúc.
Thực ra, bất động sản không phải là lĩnh vực kinh doanh mới với Công ty. Thậm chí, Công ty từng có kinh nghiệm đau thương. Hồi năm 2009, khi doanh nghiệp đổ xô bỏ vốn vào thị trường địa ốc, Sơn Hà cũng từng góp vốn với một số doanh nghiệp để phát triển dự án.
Nhưng rồi thị trường khủng hoảng, giá nhà đất rơi sâu, Sơn Hà gặp rất nhiều khó khăn, "bỏ thì thương, vương thì tốn kém". Công ty đã chấp nhận lỗ 600 tỷ đồng để rút chân khỏi lĩnh vực này.
Trong một sự kiện hồi năm 2018, Chủ tịch Lê Vĩnh Sơn từng chia sẻ: "Tôi hứa với các cổ đông là trong 5 năm sẽ không làm bất động sản. Đến nay đã gần mãn hạn 5 năm đấy nhưng tôi tin là sau 5 năm, tôi vẫn quyết định chưa tham gia vào bất động sản".
Nhưng nay, câu chuyện đã khác.
Theo Sơn Hà, lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi. Ở thời điểm hiện tại, FDI chảy vào Việt Nam liên tục tăng cao, các tập đoàn lớn nước ngoài tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư.
Điều này được thôi thúc bởi sự thành công của các tập đoàn đi trước đầu tư vào Việt Nam như Samsung, Intel Foxconn, LG; môi trường chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng, vị trí địa chính trị của Việt Nam…
Đồng thời, Việt Nam đã, đang và sẽ ký hàng loạt các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương lớn như FTA với Hàn, Nhật, EU hay CPTPP, RCEP…
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cũng đẩy nhanh hơn quá trình chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước có chi phí sản xuất rẻ hơn như Việt Nam.
Gần đây, một điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực là Myanmar gặp khủng hoảng chính trị trong nước khiến các nhà đầu tư ngoại dừng bước. Vì thế, Việt Nam được xem là cái tên được đặt lên bàn cân để cân nhắc.
Với "độ nóng" của đất khu công nghiệp hiện nay, Sơn Hà cho rằng có thể ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đột biến trong 1 – 2 năm chỉ tính riêng dự án khu công nghiệp Tam Dương.