Hà Nội, Thứ Năm Ngày 18/04/2024

Vì sao ông chủ Uniqlo đánh giá cao tiềm năng của ngành thời trang Việt Nam?

TDVN 15:44 07/12/2019

Tỷ phú giàu nhất Nhật Bản Tadashi Yanai đã đánh giá rất cao tiềm năng của thị trường thời trang Việt Nam, tại sao vậy?

Sáng 6/12, Uniqlo chính thức "tham chiến" thị trường bán lẻ thời trang Việt Nam bằng cửa hàng đầu tiên rộng 3.100 m2 tại quận 1, TP HCM. Trong buổi gặp gỡ với truyền thông, ông Tadashi Yanai, Nhà sáng lập kiêm CEO của Fast Retailing, tập đoàn sở hữu thương hiệu Uniqlo nhấn mạnh Việt Nam là thị trường tiềm năng nhất và cũng là cơ sở sản xuất quan trọng hàng đầu của hãng.

"Đối với chúng tôi, Việt Nam là thị trường vô cùng quan trọng. Chúng tôi muốn có sự chuẩn bị thật chu đáo để không có bất cứ thất bại nào trong việc mở cửa hàng ở Việt Nam" - Ông Tadashi Yanai khẳng định.

Ông Tadashi Yanai, Nhà sáng lập kiêm CEO của Fast Retailing, tập đoàn sở hữu thương hiệu Uniqlo.

Tỷ phú giàu nhất Nhật Bản Tadashi Yanai đã đánh giá rất cao tiềm năng của thị trường thời trang Việt Nam, tại sao vậy?

Thị trường sôi động, tăng trưởng mạnh mẽ

Sự xuất hiện liên tục của các thương hiệu không chỉ cho thấy tiềm năng lớn của ngành bán lẻ thời trang Việt Nam mà cuộc chạy đua cạnh tranh giành thị phần trong lĩnh vực này cũng đang nóng lên từng ngày.

Cùng với sự đổ bộ của các thương hiệu toàn cầu như Zara, H&M, Pull & Bear, Stradivarius… hoạt động khởi nghiệp, mua bán sáp nhập, mở rộng của các doanh nghiệp ngành thời trang Việt Nam càng lúc càng sôi động.

Dù nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp hoặc thậm chí biến mất sau thời kỳ phát triển nhanh chóng nhưng cũng không ít thương hiệu mới với tư duy mới, cách làm mới xuất hiện và nhanh chóng được người tiêu dùng chú ý.

Tính trung bình, người Việt chi tới 1,8 tỷ đồng mỗi ngày để mua các thương hiệu thời trang ngoại. Ví dụ như theo báo cáo tài chính của Zara Việt Nam, doanh thu năm 2018 vượt 1.700 tỷ đồng. Trong khi với 4 cửa hàng vào năm 2018, H&M đã đem về cho mình hơn 658 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với mới khai trương.

Ước tính, giá trị tiêu dùng hàng dệt may Việt Nam mỗi năm đạt khoảng 5-6 tỉ USD, tương đương gần 120.000-140.000 tỉ đồng. Các doanh nghiệp cho rằng thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều, bởi trên thị trường hiện nay hàng không rõ xuất xứ, hàng nhái, hàng xách tay… cũng được tiêu thụ mạnh mẽ, đặc biệt ở những vùng nông thôn.

Theo báo cáo quý II-2018 của Nielsen, thị trường thời trang Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng 15 – 20%/năm.

Theo nghiên cứu của Seedcom, quy mô ngành thời trang Việt Nam dự kiến sẽ đạt con số 7 tỷ USD vào năm 2023. Do dó, thị trường sắp tới được dự báo sẽ tiếp tục sôi động hơn bởi sự cạnh tranh của các ông lớn, cũng như mở rộng độ phủ bằng việc gia tăng chuỗi cửa hàng trên toàn Việt Nam.

Điều đó cho thấy, Việt Nam hiện nay đang là “miếng bánh” của nhiều thương hiệu thời trang quốc tế, và Việt Nam sẽ còn tiếp tục chứng kiến sự đầu tư của những “đại gia” ngoại đầu tư vào lĩnh vực này trong tương lai.

Tiềm năng về yếu tố con người

Nói về tương lai phát triển của Uniqlo tại thị trường Việt Nam, ông Tadashi Yanai không chỉ đánh giá cao tiềm năng thị trường, mà ông còn quan tâm đến yếu tố con người. Ông cho hay với cửa hàng đầu tiên này, ông và cộng sự đã mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu phát triển thị trường nhằm đảm bảo không có bất cứ thất bại nào xảy ra trong việc kinh doanh tại Việt Nam.

Ông chủ Uniqlo Tadashi Yanai đích thân đón khách tại cửa hàng vào ngày khai trương.

"Tôi cho rằng Việt Nam là đất nước có tiềm năng rất lớn cả về dân trí lẫn sự chăm chỉ, cần cù lao động, chịu thương chịu khó của người dân.

Về mặt lịch sử cũng vậy, quốc gia của các bạn đã trải qua rất nhiều gian khổ. Các bạn đã có thể thắng được những cuộc chiến tranh trước đây với nhiều nước lớn mà chúng tôi không làm được điều đó.

Cho nên với một quốc gia có bề dày lịch sử và những điều kiện như tôi vừa kể, tôi đặt rất nhiều hy vọng vào Việt Nam" - Ông giải thích.

Ông cũng đã từng nói rằng ông tôi rất ngạc nhiên khi thăm thủ đô của Việt Nam. Ông chia sẻ: "Thành phố này thật đẹp, sạch sẽ và an toàn. Tôi chắc rằng, đây là nơi mà chúng tôi có thể tìm thấy nhiều khách hàng ủng hộ sản phẩm của mình".

Có thể thấy thông điệp thương hiệu của Uniqlo luôn gói gọn trong một tầm nhìn rõ ràng: “Uniqlo là một công ty Nhật Bản hiện đại truyền cảm hứng cho thế giới ăn mặc theo xu hướng giản dị”.

Hình ảnh cửa hàng Uniqlo Đồng Khởi được giới thiệu trên website.

Chiến lược mà công ty đã thực hiện cho Uniqlo đến nay chính là hoàn toàn “không chạy theo thời trang” như các đối thủ cạnh tranh khác đang làm. Quần áo của thương hiệu thời trang này rất đơn giản, thiết yếu nhưng phổ quát, cho phép người mặc có thể tự do kết hợp chúng theo phong cách cá nhân của họ.

Gần đây, sự thất thế của các thương hiệu thời trang nhanh trên thị trường Việt Nam đã cho thấy thị hiếu thời trang của người Việt đang thay đổi, hướng đến tính bền, giản dị và tiện dụng, thay vì chạy theo xu hướng. Và điều đó là những gì mà Uniqlo đang hướng tới.

Có thể thấy, sự đón nhận của người Việt đối với thương hiệu trên là tín hiệu đáng mừng đầu tiên của Uniqlo khi bắt đầu cuộc đua giành thị phần tại Việt Nam.

Theo Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Bạn đang đọc bài viết Vì sao ông chủ Uniqlo đánh giá cao tiềm năng của ngành thời trang Việt Nam? tại chuyên mục Ấn tượng doanh nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Ấn tượng doanh nhân