Sau 2 ngày mở cửa hàng đầu tiên, hiện rất đông người Việt vẫn kiên nhẫn xếp hàng từ sáng đến chiều để vào tham quan, mua sắm tại cửa hàng Uniqlo Đồng Khởi (quận 1, TP HCM). Uniqlo chọn ra mắt thị trường Việt Nam đúng dịp mua sắm cuối năm, và thương hiệu thời trang nổi tiếng đến từ Nhật Bản này có vẻ như đang khẳng định vị thế vốn đã được lòng người dùng Việt nhiều năm nay.
Cửa hàng Uniqlo đầu tiên tại Việt Nam đặt tại trung tâm mua sắm Parkson Lê Thánh Tôn, nằm tại góc đường Đồng Khởi và Lê Thánh Tôn. "Ông lớn" thời trang Nhật Bản cho biết cửa hàng tại Việt Nam là cửa hàng kiểu mẫu lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với 3 tầng, tổng diện tích hơn 3.000 m2. Hôm qua (7/12), một ngày sau khi chính thức mở cửa đón khách, Uniqlo Đồng Khởi vẫn tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ người dùng Việt Nam. Từ đầu ngày đến tận đêm khuya, để được vào mua hàng, khách phải "rồng rắn" xếp hàng dài vài trăm mét, vòng trong vòng ngoài thành 4 lớp, thậm chí, "vòng vây" này gấp 2 lần so với hôm khai trương.
Trong ngày đầu tiên, Uniqlo cho biết có khoảng 2.000 khách hàng có mặt trải nghiệm mua sắm. Số lượng khách ngày thứ hai có thể cũng không kém hơn, hoặc thậm chí vượt mốc trên bởi tình cảnh lũ lượt kéo đến và xếp hàng không khác ngày đầu tiên. Nhiều người cho biết họ phải chờ gần 1 giờ đồng hồ mới có thể trải nghiệm không gian bên trong lẫn mua sắm tại cửa hàng thời trang Uniqlo của người Nhật vừa có mặt tại Việt Nam. "Hôm khai trương, bọn mình phải xếp hàng từ rất sớm, nhưng vẫn đến sau nhiều người. Tổng thời gian chờ đợi cho đến khi chính thức bước chân vào cửa hàng là hơn 2 tiếng.
Mình chủ yếu tranh thủ mua hàng khuyến mãi, tổng hoá đơn gần 2 triệu đồng", Thanh Vân - sinh viên năm cuối chuyên ngành truyền thông của một trường đại học lớn cho biết. Một ngày sau khai trương, cũng xếp hàng chờ đợi như Thanh Vân, Thúy Ngọc - nhân viên văn phòng tại quận 1, đã sắm được một vài chiếc áo chuẩn bị cho Tết tới. Chị cho hay đã quen thuộc với thương hiệu thời trang này, nên khi có mặt tại Việt Nam, bắt buộc phải đến trải nghiệm.
Zara và H&M Việt Nam đang kinh doanh ra sao?
Còn nhớ 3 năm trước, cửa đầu tiên của Zara khai trương tại trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi, hàng nghìn người cũng lũ lượt xếp hàng vào trải nghiệm. Thời điểm đó, Zara gần như là "ông lớn" thời trang nhanh quốc tế đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Một năm sau, cũng tại trung tâm thương mại này, H&M chính thức có mặt với cửa hàng đặt cạnh Zara. Lại thêm một "cơn sốt" về thời trang nhanh nữa với người Sài Gòn, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ.
Thời điểm đó, khoảng trống trước trung tâm thương mại này nằm cạnh đường Đồng Khởi đông kín người, chỉ để chờ là những vị khách đầu tiên bước vào của H&M đầu tiên. Sau "cơn sốt" tuần trăng mật đầu tiên, số lượng khách đến Zara và H&M vơi dần, ngoại trừ những dịp mua sắm như cuối năm, Tết, dịp Black Friday hoặc khuyến mãi. Tuy nhiên, doanh thu tại thị trường Việt Nam vẫn mang lại cho Zara và H&M không hề nhỏ. Ra mắt sau nhưng với tốc độ mở rộng khá nhanh, tính đến nay H&M đã có tổng cộng 8 cửa hàng tại Việt Nam ở 3 thành phố lớn là TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.
Theo báo cáo thường niên của H&M, tính đến cuối năm 2018, doanh thu tại thị trường Việt Nam mang lại cho hãng hơn 760 tỉ đồng. Doanh thu năm này tăng gấp hơn 3 lần so với doanh thu năm 2017. Báo cáo cũng cho biết khoản lợi nhuận của H&M tại Việt Nam trong năm 2018 là hơn 10 tỉ đồng. Nhưng, kết quả kinh doanh của H&M vẫn là chưa là gì so với Zara. Tại Việt Nam, Zara được phân phối bởi tập đoàn Mitra Adiperkasa của Indonesia. Năm 2017, một loạt thương hiệu khác của tập đoàn này cũng được phân phối bên cạnh Zara, là Massimo Dutti, Pull & Bear và Stradivarius.
Theo số liệu của VIRAC, kết thúc năm 2016, sau chưa đến 4 tháng kinh doanh và chỉ với 1 cửa hàng, Zara Việt Nam đã đạt doanh thu 321 tỉ đồng, lãi trước thuế 38 tỉ đồng. Tính bình quân, cửa hàng Zara Việt Nam bán được gần 3 tỉ đồng. Sang năm 2017, doanh thu của toàn hệ thống Mitra Adiperkasa tại Việt Nam đã tăng vọt lên hơn 1.100 tỉ đồng, gồm doanh thu của 2 cửa hàng Zara và các thương hiệu mới.
Năm ngoái, doanh thu từ thị trường Việt Nam đem về cho tập đoàn này khoảng 1.970 tỉ đồng, riêng Zara Việt Nam đóng góp gần 90%, tức gần 1.700 tỉ đồng. Nếu tính trung bình mỗi ngày, 2 cửa hàng Zara Việt Nam bán được 4,6 tỉ đồng. Về lợi nhuận, năm 2018, Zara Việt Nam đạt 98 tỉ đồng lãi trước thuế, tương đương 6% doanh thu. Uniqlo có lập nên kì tích?
Chỉ sau vài năm đến Việt Nam, doanh thu của Zara và H&M đã thuộc hạng khủng, đó là lí do khiến nhiều thương hiệu thời trang quốc tế nhòm ngó đến thị trường Việt. Đơn cử, danh sách các thương hiệu thời trang nhanh quốc tế có mặt tại Việt Nam, mới đây đã thu hút thêm "ông lớn" thời trang toàn cầu lớn nhất của Australia - Cotton:On, với hệ thống hơn 1.400 cửa hàng tại 19 quốc gia cũng chính thức gia nhập thị trường Việt Nam với cửa hàng đầu tiên mở tại quận 2.
Chậm chân hơn, nhưng tỉ phú giàu nhất Nhật Bản - ông Tadashi Yanai đang thể hiện mong muốn có ngay cửa hàng Uniqlo thứ 2 tại Hà Nội sau cửa hàng đầu tiên ở TP HCM, và sẽ có hơn 100 cửa hàng Uniqlo tại Việt Nam trong 10 năm tới. Theo thống kê từ Statista, quy mô thị trường quần áo Việt Nam năm 2019 ước tính 5,6 tỉ USD, với mức tăng trưởng kì vọng 8,8%/năm, giai đoạn 2019-2023.
Đáng chú ý, 97% doanh thu thị trường đến từ những mặt hàng quần áo bình dân, không phải hàng cao cấp (non-luxury goods). Điều này hoàn toàn phù hợp với các thương hiệu thời trang nhanh thế giới đã và đang có mặt tại Việt Nam. Trong khi đó, PwC từng đưa ra nhận định Philippines và Việt Nam là hai thị trường có tỉ lệ chi tiêu cho hàng tiêu dùng/GDP cao nhất trong khu vực.
Dự kiến tới năm 2030, tỉ lệ này tại Việt Nam là 36,6%. Thời trang nhanh là một trong mặt hàng được PwC đưa ra về xu hướng tiêu dùng của người Việt. Một khảo sát hồi năm ngoái của Nielsen cho thấy người Việt đứng thứ ba thế giới về chuộng hàng hiệu, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Và cũng không thể phủ nhận, Zara, H&M vốn là thời trang bình dân tại các nước nhưng khi đến Việt Nam, các thương hiệu trên đã tạo ra cơn sốt, nhất là giới trẻ vốn chuộng thời trang và phong cách.
Với quy mô dân số đông, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ với thu nhập ngày càng cao, và sẵn sàng chi tiêu cho những sản phẩm có thương hiệu, vì vậy, thời trang nhanh cũng được xem là một "miếng bánh" hấp dẫn tại thị trường Việt Nam. Tuyên bố không phải thời trang nhanh, ông chủ Uniqlo khẳng định Đông Nam Á đang là một thị trường lớn của thương hiệu này, và Việt Nam được xem là có tiềm năng lớn nhất. Như vậy, "ông lớn" thời trang Nhật Bản đã kì vọng rất nhiều vào Việt Nam, doanh nghiệp phải mất nhiều năm hoàn thành kế hoạch, chiến lược trước chính thức đặt chân vào và chọn mặt bằng đối diện 2 đối thủ lớn là Zara và H&M.