Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Có cần kiểm soát làn sóng doanh nghiệp “ngoại đạo” đầu tư BĐS ?

TDVN 20:28 22/05/2021

Nhiều DN ngoài ngành dịch đã chuyển đầu tư BĐS, tạo ra môi trường cạnh tranh hơn cho thị trường này. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu lại cho thấy sẽ rối loạn thị trường nếu không kiểm soát được làn sóng này

Theo Bộ xây dựng, thị trường bất động sản cho thấy sự phục hồi tích cực vào cuối năm 2020, khi lượng giao dịch và giá bán đều tăng. Sang năm 2021, hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản có động lực tiếp tục tăng trưởng.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý 1/2021, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới tăng mạnh, với 1.733 doanh nghiệp (tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2020); số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh không nhiều, có 694 doanh nghiệp.

Theo ghi nhận, những tháng đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh. Dự báo nguồn cung các dự án bất động sản trong năm 2021 sẽ có sự tăng trưởng nhờ sự tăng tốc của các doanh nghiệp.

Bộ Xây dựng đánh giá, xu hướng các nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản ngày càng nhiều. Đây là kênh đầu tư được cho là an toàn và còn nhiều cơ hội phát triển. Do các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, ngoại tệ không ổn định và đang giao dịch mức cao, lãi suất tiền gửi với mức lãi suất thấp không còn đủ hấp dẫn nguồn tiền tích lũy của người dân.

Thị trường BĐS quý 1/2021 đang trên đà phục hồi

Khi thị trường tài chính đang gặp nhiều bấp bênh, hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid.... BĐS nổi lên thành kênh đầu tư tiềm năng đối với các doanh nghiệp. Chính vì thế, không ít các doanh nghiệp “ngoại đạo” bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực BĐS, tạo thành một làn sóng đầu tư mới.

Có thể điểm tên nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may đã chuyển hướng sang BĐS. Chẳng hạn Đại hội cổ đông 2021 Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) đã xác định sẽ triển khai đầu tư xây dựng ba tòa tháp Thành Công Tower 1, 2, 3 (TC1, TC2, TC3). Trong đó, dự án TC1 được tái triển khai trên khu đất có diện tích 9.898 m2 tại địa chỉ số 37, Tân Thạnh, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh. Dự án này đang thực hiện thủ tục pháp lý.

“Dự án tòa tháp TC1 đang làm thủ tục pháp lý, dự kiến mất khoảng 12 - 15 tháng. Doanh thu và lợi nhuận của mảng bất động sản sẽ được ghi nhận khoảng 2 - 3 năm sau”. - lãnh đạo TCM khẳng định.

Tổng công ty cổ phần thiết bị điện Việt Nam (Gelex) cũng đã công khai chiến lược mới của mình với việc rút khỏi mảng logictics, chuyển hướng sang bất động sản khu công nghiệp. Trước đó, Gelex cũng đã đưa ra kế hoạch thực hiện dự án khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê tại Hoàn Kiếm (Hà Nội)…

Hay là TBS Group doanh nghiệp được sở hữu bởi ông Nguyễn Đức Thuấn. Sau gần 25 năm đi vào hoạt động, Thái Bình Shoes (TBS Group) nổi danh trong ngành giày và sản xuất túi xách.

Mặc dù nắm nhiều quỹ đất lớn nhưng phải đến năm ngoái, TBS Group mới giới thiệu ra thị trường thương hiệu bất động sản TBS Land.

Thực tế trong khoảng 20 năm qua, TBS Group đã xây dựng và phát triển nhiều dự án bất động sản, bắt đầu tư bất động sản công nghiệp phục vụ cho hoạt động sản xuất và dự án nhà ở cho công nhân.

Một dự án của TBS Land

Dòng tiền “ngoại đạo” đầu tư vào BĐS, nên mừng hay lo?

Trao đổi với PV Tạp chí điện tử Doanh Nhân Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định: Vào thời điểm những năm 2007, 2008 khi thị trường BĐS cũng có hiện tượng tăng giá mạnh xuất hiện làn sóng nhiều doanh nghiệp kể cả ngân hàng tham gia vào kinh doanh BĐS.

Hơn 10 năm từ làn sóng đầu tiên, chúng ta thấy xuất hiện làn sóng không mạnh như trước, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành, doanh nghiệp mới) thì tham gia mạnh vào BĐS. Kinh nghiệm từ nhiều đợt sóng BĐS đầu tiên có thể thấy kinh doanh BĐS có lãi lớn kèm theo rủi ro lớn.

Rất nhiều doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, quan hệ nhưng không có kinh nghiệm vẫn phải rút khỏi thị trường. Nhiều doanh nghiệp bị thu lỗ, trụ lại khá ít doanh nghiệp từ khởi đầu đấy. Có thể kể đến như Vingroup, Sungroup,… thế nhưng số rời đi không phải ít. Vì vậy khi tham gia vào thị trường BĐS thì doanh nghiệp phải xem xét cụ thể - ông Hà cảnh báo.

“Luật pháp không cấm doanh nghiệp vào BĐS, ai có mong muốn kinh doanh đáp ứng đủ các tiêu chí thì có thể thành chủ đầu tư. Nhà nước tạo điều kiện cho tất cả các DN có khả năng, điều kiện tham gia kinh doanh các lĩnh vực nhà nước không cấm, kể các DN nước ngoài cũng khuyến khích tham gia vào thị trường vì có cạnh tranh thì người tiêu dùng mới được hưởng lợi.

Nhưng không phải bất kì DN nào thấy đây là thị trường béo bở, để thành công vì phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu làn sóng không kiểm soát được thì sẽ rối loạn thị trường, tạo ra môi trường kinh doanh không bền vững” - ông Hà nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch VNREA

Cũng theo ông Hà, càng nhiều doanh nghiệp tham gia sẽ tạo ra thị trường cạnh tranh lớn. Nguyên tắc khi có nhiều sự cạnh tranh thì người tiêu dùng được hưởng lợi. Nếu nhiều các thành phần tham gia không có năng lực sẽ ảnh hưởng không tốt tới môi trường kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh.

Có nhiều DN không có thực lực vẫn tham gia, không ít trường hợp lừa đảo, khách hàng chịu thiệt trong các dự án do đơn vị chủ đầu tư không có năng lực thực hiện. Thị trường sẽ tự đào thải thôi, nhưng công tác quản lý nhà nước cần có sự điều chỉnh để lựa chọn các chủ đầu tư có năng lực tham gia thị trường.

Mặt khác, lý thuyết cầu về BĐS còn đang thiếu rất nhiều như nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng,… thiếu nhiều. Tuy vậy vẫn còn BĐS thừa ở những địa điểm không phù hợp.

“Chúng ta vẫn có chỗ thiếu, nhưng vẫn có dự án không có người mua, có người mua nhưng không đưa vào hoạt động vì thiếu kết nối hạ tầng (những dự án đất nền, cỏ mọc nhiều năm nhưng không được xây) thị trường tính toán của nhà nước thì nhu cầu vẫn còn tăng giá nhà tăng cao, chung cư của người thu nhập thấp dưới 25tr hầu như vắng bóng trên thị trường. Tại khu vực HN HCM đang dần vắng bóng giá nhà dưới 25tr/m2 nữa.

“Nhu cầu nhà ở bình dân lớn, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp vẫn còn thiếu. Không thể nói là cung thừa, nhưng vẫn có những dự án để không làm ra không có người ở, đất nền vẫn chưa xây dựng chưa đưa vào sử dụng”. - ông Hà nhấn mạnh.

Thống kê của Bộ xây dựng cho thấy, nguồn cung bất động sản và lượng giao dịch bất động sản theo các báo cáo công bố thông tin thị trường bất động sản của các địa phương từ trong quý 1/2021, cho thấy số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa giao dịch ước tính vào khoảng 3.300 căn. Cho thấy khả năng hấp thụ của thị trường bất động sản trong quý 1/2021 tốt hơn so với cùng kỳ năm 2020 và quý 4/2020.

Nhìn chung, thị trường bất động sản quý 1/2021 vẫn còn khó khăn và có một số biến động, đặc biệt là việc tăng giá mạnh, trong thời gian ngắn của bất động sản đất nền diễn ra cục bộ tại một số khu vực. Tuy nhiên, với nhiều tháo gỡ khó khăn trong cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, cũng như các chỉ số cụ thể cho thấy thị trường bất động sản vẫn đang và sẽ phát triển ổn định.

Mặc dù hiện tượng sốt đất nền mới chỉ diễn ra ở quy mô cục bộ của từng khu vực, dự án nhưng cũng cho thấy dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro của thị trường cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, cần có sự theo dõi kiểm soát và ngăn chặn, xử lý kịp thời của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương để tránh tình trạng lan rộng, mất kiểm soát, trở thành "bong bóng" bất động sản.

Theo Doanh nhân Việt Nam

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/can-kiem-soat-lan-song-doanh-nghiep-ngoai-dao-dau-tu-bds-32676.html?fbclid=IwAR0EKmc4jX69bwo6JD7HpiBWCZd3RydNPMaRITT67hpq8kFep9V9toK6iTQ

Bạn đang đọc bài viết Có cần kiểm soát làn sóng doanh nghiệp “ngoại đạo” đầu tư BĐS ? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp