Vừa qua, Văn phòng chính phủ đã có Thông báo số 155/TB-VPCP ngày 15/4/2020 về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đó, Thủ tướng đồng ý xuất khẩu khẩu trang y tế, trang phục phòng hộ, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch theo nguyên tắc bảo đảm cho nhu cầu trong nước (kể cả dự trữ) và chỉ xuất khẩu cho các nước bị ảnh hưởng nặng của dịch bệnh…
"Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan xử lý nhanh việc này, không để lỡ thời cơ. Bộ Y tế khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nêu trên", người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.
Theo dự thảo tờ trình của Bộ Y tế mới đây, năng lực sản xuất của 47 doanh nghiệp (DN) trong nước có thể lên đến 25,5 triệu chiếc khẩu trang y tế/ngày nếu đủ nguyên liệu sản xuất.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao mua dự trữ 60 triệu chiếc khẩu trang y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, đến nay Bộ Y tế đã ký hợp đồng mua 46 triệu chiếc. Hiện vẫn còn 14 triệu chiếc chưa mua được theo kế hoạch được giao.
Góp ý vào dự thảo tờ trình Chính phủ của Bộ Y tế, Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất hai phương án để vừa đảm bảo cung ứng khẩu trang dự trữ phục vụ trong nước song vẫn tận dụng được thời cơ.
Cụ thể, theo Bộ Tài chính tại dự thảo sửa đổi Nghị quyết số 20/NQ-CP thì DN được phép xuất khẩu khẩu trang y tế khi đã bán hoặc hỗ trợ cơ sở y tế trong nước số lượng tối thiểu bằng 20% số lượng ghi trên tờ khai xuất khẩu và phải đáp ứng điều kiện: Phải trúng thầu và có hợp đồng mua bán với cơ sở y tế hoặc phải có thỏa thuận hỗ trợ khẩu trang y tế giữa doanh nghiệp và cơ sở y tế.
Như vậy, việc thực hiện quy định này sẽ phát sinh một số vướng mắc. Cụ thể, theo Bộ Tài chính, để được xuất khẩu mặt hàng khẩu trang y tế, doanh nghiệp sẽ phải tham gia đấu thầu hoặc thỏa thuận hỗ trợ với các cơ sở y tế.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều doanh nghiệp dệt may chuyển sang may khẩu trang y tế, tạo việc làm cho công nhân nhưng chưa tham gia đấu thầu hoặc thỏa thuận cung cấp cho các cơ sở y tế trong nước. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, doanh nghiệp sẽ mất một khoảng thời gian để đáp ứng điều kiện nêu trên. Điều này không phù hợp với việc tận dụng thời cơ sản xuất, xuất khẩu khẩu trang y tế theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi đó theo Luật Hải quan thì doanh nghiệp có thể mở một hoặc nhiều tờ khai tại một hoặc nhiều chi cục hải quan khác nhau. Doanh nghiệp chỉ cần một trong các chứng từ theo quy định tại điểm 2 của dự thảo sửa đổi Nghị quyết thì có thể được thực hiện xuất khẩu khẩu trang y tế tại nhiều chi cục hải quan khác nhau, dẫn đến cơ quan Hải quan không thể theo dõi được số lượng khẩu trang y tế xuất khẩu theo quy định trên.
Từ những khó khăn vướng mắc nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế lựa chọn phương án tối ưu để trình Chính phủ.
Theo phương án 1, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế để có thể đảm bảo đủ nguồn cung ứng cho dự trữ trong nước trong tháng 5 hay không? Trường hợp có thể đảm bảo thu mua đủ số lượng khẩu trang y tế theo nhiệm vụ được giao trong tháng 5, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Y tế trình Chính phủ cho phép doanh nghiệp được xuất khẩu khẩu trang y tế mà không hạn chế số lượng, không bị ràng buộc về điều kiện xuất khẩu.
Phương án 2, trường hợp thực hiện theo phương án đã được Bộ Y tế đề xuất tại dự thảo Tờ trình báo cáo Chính phủ, Bộ Y tế có văn bản xác nhận số lượng khẩu trang y tế được phép xuất khẩu của từng doanh nghiệp làm cơ sở cho cơ quan Hải quan theo dõi khi thực hiện thủ tục hải quan.
Đồng thời Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm nội dung trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được xuất khẩu khẩu trang y tế dưới hình thức quà biếu, quà tặng, (trường hợp cần hạn chế xuất khẩu thì Bộ Y tế quy định số lượng cụ thể).
Để có cơ sở thực hiện tốt, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn rõ các nước bị ảnh hưởng nặng của dịch là các nước nào.
Theo Tiền Phong