Theo quyết định nêu trên, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra; thời hạn thanh tra là 35 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.
Trước đó, ngày 20/4, Thủ tướng đã giao TTCP tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo, làm rõ có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc công khai, minh bạch liên quan đến việc làm thủ tục hải quan và việc đăng ký mở tờ khai hải quan khi xuất khẩu gạo; báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2020.
Cũng trong ngày 20/4, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã ký văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về việc điều tra, xác minh thông tin nghi vấn tiêu cực trong hoạt động xuất khẩu gạo.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay một số cơ quan báo chí, mạng xã hội và một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đặt nhiều nghi vấn tiêu cực trong tổ chức triển khai hoạt động xuất khẩu gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng. Đồng thời, đặt vấn đề có hay không việc trục lợi từ chính sách quản lý hạn ngạch xuất khẩu gạo, tính minh bạch trong việc chấp hành pháp luật về hải quan của cơ quan quản lý nhà nước và của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Để đảm bảo khách quan, minh bạch trong việc quản lý xuất khẩu gạo, Bộ Tài chính đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, điều tra, xác minh làm rõ các nội dung nêu trên, nhằm xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân.
Trong một diễn biến khác, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã có báo cáo kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực thi công vụ, tham mưu các quyết định có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, người dân nhưng đã không đánh giá kỹ tác động. Cụ thể, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ việc Tổng cục Hải quan mở hệ thống thông quan hàng tự động lúc 0h ngày 12/4 có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm hay không và tuân thủ theo đúng pháp luật hay chưa?
Theo Tiền Phong