Nhà đầu tư chịu thiệt lớn vì Vinafood 2 làm ăn thua lỗ
Tại Đại hội cổ đông bất thường của Vinafood 2 diễn ra ngày 29/2/2020 vừa qua, ông Đỗ Ngọc Khanh, đại diện cổ đông chiến lược sở hữu 33,74% vốn điều lệ (trong đó có Tập đoàn T&T Group) kiến nghị HĐQT, Ban giám đốc Vinafood 2 chậm nhất đến cuối tháng 4 phải xây dựng các mục tiêu, chiến lược cụ thể cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tiếp theo. Ông Khanh cũng yêu cầu, các mục tiêu, chiến lược này phải được báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và các cổ đông chiến lược ngay sau đại hội, với mục tiêu để Vinafood 2 nhanh chóng ổn định sản xuất, giảm lỗ hòa vốn trong giai đoạn 2020 - 2021 và bắt đầu có lãi từ năm 2021 - 2022.
Theo ông Khanh, việc Vinafood 2 kinh doanh thua lỗ kéo dài như trong thời gian vừa qua sẽ dẫn tới nguy cơ mất vốn của các cổ đông, mất vốn Nhà nước nếu không có các biện pháp, giải pháp đồng bộ, hành động cụ thể, quyết liệt.
Đây là động thái quyết liệt mới nhất của cổ đông chiến lược T&T Group với Vinafood 2 sau quãng thời gian thua lỗ kéo dài thời gian vừa qua. Thực tế, khi doanh nghiệp này tham gia vào cổ phần hóa doanh nghiệp lương thực lớn nhất miền Nam, những khó khăn không phải chưa được báo trước.
Quay trở lại trước năm 2018, thời điểm Vinafood 2 được cổ phần hóa, theo báo cáo đến cuối tháng 6/2017, công ty có tổng tài sản 8.799 tỷ đồng và khoản vay nợ dài hạn 3.770 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty là 3.885 tỷ đồng và lỗ lũy kế 912 tỷ đồng. Báo cáo kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2017 công ty lỗ 118 tỷ đồng. Kinh doanh bết bát là thế, vậy nên dù là doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, nhưng Vinafood 2 chỉ có tìm được 2 nhà đầu tư chiến lược trong nỗ lực cổ phần hóa là Tập đoàn FPT và Tập đoàn T&T Group. Trên thực tế, FPT bỏ cuộc ngay từ khi xuất phát khi nộp không đủ hồ sơ để T&T Group “bất đắc dĩ” một mình một ngựa về đích. Thế nhưng, dù có cổ đông chiến lược “bạo vì tiền” như T&T Group nhưng doanh nghiệp “mạnh vì gạo” là Vinafood 2 vẫn tiếp tục thua lỗ trong những năm tiếp theo.
Tại kỳ kế toán đầu tiên của công ty sau khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần vào giai đoạn từ 9/10-31/12/2018, với việc trích lập dự phòng tổn thất cho tài sản thiếu chờ xử lý cũng như trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi, Vinafood 2 đã ghi nhận khoản lỗ ròng 1.485 tỷ đồng.
Trong giai đoạn từ 1/1 đến 8/10, mặc dù đạt doanh thu hơn 15.000 tỷ đồng nhưng Vinafood 2 cũng chỉ lãi ròng 16 tỷ đồng. Lý do của việc này là các khoản phải thu của Vinafood 2 đã phát sinh từ giai đoạn trước tuy nhiên đến khi chuyển sang công ty cổ phần mới được trích lập dự phòng đầy đủ.
Tính đến 31/12/2018, Vinafood 2 đang có lỗ lũy kế gần 2.000 tỷ đồng dẫn đến vốn chủ sở hữu chỉ còn 3.357 tỷ đồng trên vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng.
Sang đến năm 2019, theo báo cáo tài chính tại đại hội cổ đông bất thường, công ty mẹ Vinafood 2 bị lỗ hơn 160,8 tỉ đồng. Tổng cộng lỗ lũy kế đến hết năm 2019 là hơn 1.996 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu hết tháng 12.2019 là 3.235,7 tỉ đồng.
Thậm chí, gần 2 năm tính từ thời điểm IPO đã qua đi mà việc quyết toán vốn Nhà nước tại Vinafood 2 vẫn chưa hoàn tất. Điều này cũng có nghĩa là tiến trình cổ phần hóa tại “ông lớn” ngành lương thực này vẫn chưa cán đích, và dẫn đến tình trạng “bình mới, rượu cũ”.
Có hay không việc các nhà đầu tư “nhắm” vào quỹ đất của Vinafood 2?
Vinafood 2 kinh doanh bết bát, nhà đầu tư gặp khó ngay từ khi bắt đầu cổ phần hóa, vậy mục đích thật sự của họ là gì? Phải chăng đích đến là danh mục bất động sản mà Vinafood 2 đang sở hữu trải dài trên cả nước?
Nhưng, đây là điều không khả thi. Bởi lẽ Ủy ban quản lý vốn Nhà nước đang quản lý tới 51% cổ phần của Vinafood 2, nghĩa là mọi chủ trương, quyết định lớn phải được Ủy ban này thông qua. Chủ tịch HĐQT mới được bổ nhiệm của doanh nghiệp này là ông Võ Thanh Hà - Tổ trưởng tổ đại diện vốn Nhà nước tại Vinafood 2. Là một người giàu kinh nghiệm khi đã kinh qua chức vụ quản lý cấp cao tại Sabeco, Vinachem rồi bây giờ là Vinafood 2, chắc chắn ông Hà sẽ có nhiều dự định kinh doanh cho doanh nghiệp này trong thời gian tới thay vì tập trung vào quỹ đất hiện có.
Phần quyết định trong việc khai thác quỹ đất hiện tại cũng không nằm hoàn toàn trong tay tổ đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nó còn bị chi phối bởi các luật hiện hành, trong đó có Luật đất đai. Dù các cổ đông có muốn, không thể tự ý quyết định chuyển đổi các phương án sử dụng đất của doanh nghiệp này.
Vậy làm thế nào để kinh doanh có hiệu quả và giảm thua lỗ?
Tất nhiên, điều này nằm trong kế hoạch của ông Võ Thanh Hà và các cộng sự. Nhưng thực tế, nhìn vào lịch sử của Vinafood 2, có thể thấy các khoản lỗ tập trung ở các khoản đầu tư ngoài ngành nhưng năng lực lãnh đạo điều hành còn hạn chế khiến thua lỗ kéo dài. Hiện tại, các khoản đầu tư này đã được cơ cấu lại nhưng cần phải có thời gian để khắc phục.
Cùng với đó, Vinafood 2 cần phải xác định tập trung vào năng lực cốt lõi của mình là xuất khẩu gạo. Diễn biến liên tiếp, khó lường của thiên tai, dịch bênh COVID-19 vừa là thách thức nhưng lại chính là cơ hội lớn cho một doanh nghiệp cung ứng mặt hàng thiết yếu lâu đời như Vinafood 2.
Một điểm quan trọng không kém, thời điểm hiện nay đã khác, với bộ máy nhân sự mới và đang được trẻ hóa, Vinafood 2 cũng cần phải biết tận dụng tổng thể những thế mạnh mà mình đang có bắt kịp thời cuộc, mở rộng lĩnh vực, để có thể tối ưu được nguồn lực, vật lực, đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp, nâng cao đời sống cán bộ nhân viên. Kinh doanh bất động sản, xăng dầu, bán lẻ…. cũng không phải ngoại lệ, miễn là đáp ứng các yêu cầu của luật pháp và chứng minh được hiệu quả.
Có như vậy, Vinafood 2 mới khiến các cổ đông, nhà đầu tư bớt “phát sốt” vì mình, dần ‘thoát lỗ” và chứng minh được vai trò ‘anh cả’, một thương hiệu lớn quốc gia.
Nguyễn Triệu