Hà Nội, Thứ Tư Ngày 24/04/2024

Những khuyến nghị đáng chú ý cho nền huyết mạch kinh tế

TNCK 08:04 13/01/2020

Bà Jodi West: “Chúng tôi đánh giá cao cơ chế đối thoại chính sách cùng với sự hỗ trợ liên tục của Chính phủ, các bộ và Ngân hàng Nhà nước"

Ðổi mới để ngành tài chính giữ được sự bền vững

Với chủ đề “Thu hút đầu tư cho nền tài chính bền vững, hỗ trợ kiến tạo cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2019, bà Jodi West, Chủ tịch Nhóm Công tác Ngân hàng (BWG), Tổng giám đốc ANZ Việt Nam cho rằng, có hai khía cạnh cần đề cập: Thứ nhất là sự đổi mới cần thiết để đảm bảo tự thân ngành tài chính giữ được sự bền vững;

Thứ hai là sự đổi mới cần thiết trong ngành tài chính nếu Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư để hiện thực hóa tiềm năng quốc gia trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ðối với khía cạnh đầu tiên, theo bà Jodi West, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến những tiến bộ công nghệ làm thay đổi toàn bộ các ngành cũng như nền kinh tế toàn cầu.

Sự thành công của từng doanh nghiệp và từng ngành phụ thuộc vào việc áp dụng thành công các công nghệ mới.

Tuy nhiên, đối với một ngành có quy định chặt chẽ như ngân hàng, tốc độ thay đổi công nghệ được quyết định bởi tốc độ thay đổi các quy định luật pháp.

“Với thay đổi công nghệ đang diễn ra nhanh chóng như hiện nay, đây là một thách thức đối với các cơ quan quản lý trên toàn thế giới”, bà Jodi West nói.

Thực tế, Quốc hội và Chính phủ đã đưa ra định hướng rõ ràng cho Việt Nam trong những năm tới, bao gồm số hóa trên diện rộng;

Thúc đẩy thanh toán điện tử để hiện thực hóa một xã hội không tiền mặt; tăng cường thông tin và an ninh mạng; củng cố hệ thống tài chính.

Tuy nhiên, bà Jodi West cho rằng: “Cần thiết lập các khung pháp lý phù hợp để hỗ trợ các lĩnh vực liên quan tới những thay đổi công nghệ này. Ðể đưa ra những quy định hiệu quả, cần có sự hợp tác và phối hợp giữa các bộ và cơ quan nhà nước như Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước.

Với nhiều tiến bộ đạt được trong những tháng gần đây, chúng tôi khuyến khích Chính phủ đẩy nhanh tốc độ cải cách quy định để đưa Việt Nam ngang tầm với các nước láng giềng trong khu vực và đảm bảo sự bền vững liên tục của ngành ngân hàng”.

Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng bà Jodi West cho biết, Nhóm Công tác Ngân hàng đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã rà soát các quy định của ngành và tiến hành những cải cách quan trọng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện đang xem xét sửa đổi Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (Nghị định số 101/2012) và đánh giá khả năng áp dụng các công nghệ ngân hàng mới như API Mở và hạ tầng thanh toán tập trung.

Nhóm Công tác Ngân hàng ủng hộ các công nghệ như vậy và tin tưởng rằng việc chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp cải thiện chương trình tài chính toàn diện ở Việt Nam và đóng góp vào tăng trưởng GDP.

Liên quan đến vấn đề thứ hai là khả năng thu hút đầu tư của Việt Nam nhằm hiện thực hóa tiềm năng quốc gia trong cách mạng 4.0, bà Jodi West cho rằng, nhu cầu của các nhà đầu tư quan tâm tới môi trường, xã hội và quản trị cũng đang tăng lên, phù hợp với mối quan tâm toàn cầu về môi trường.

“Chúng tôi khuyến khích Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các giải pháp tài chính xanh và quy định cần thiết để thu hút và hỗ trợ các nhà đầu tư nêu trên”, bà Jodi West nói.

Một yếu tố rất đáng chú ý được vị Chủ tịch Nhóm Công tác Ngân hàng - VBF đề cập đến là đầu tư nước ngoài đã có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam trong 20 năm qua và hiện chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều công ty Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, nhu cầu của các nhà đầu tư quốc tế đối với các sản phẩm tài chính tiên tiến hơn tại Việt Nam ngày càng tăng lên.

“Sự đổi mới trong lĩnh vực tài chính là cần thiết để tiếp tục thu hút đầu tư, là nguồn lực cần thiết để Việt Nam hiện thực hóa tiềm năng của quốc gia trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhóm Công tác Ngân hàng cam kết hỗ trợ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong quá trình xây dựng các quy định cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng bền vững và xây dựng hệ thống ngân hàng tiên tiến và hiện đại”, bà Jodi West chia sẻ.

Và Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Trước những kiến nghị của BWG, ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các ngân hàng Việt Nam coi chuyển đổi số là bước đi chiến lược trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Các ngân hàng đã chủ động nghiên cứu các công nghệ có tác động mạnh, tiềm năng ứng dụng to lớn trong hoạt động ngân hàng và tích cực triển khai ứng dụng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Cơ quan quản lý đã nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý hướng tới hỗ trợ hoạt động thanh toán, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin an toàn, bảo mật, an ninh an toàn giao dịch điện tử, tích cực hỗ trợ thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển của các công ty công nghệ tài chính.

“Những nỗ lực, kết quả của ngành ngân hàng trong năm qua đã được lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chính phủ và các tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới cũng như cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao”, ông Vũ nhấn mạnh.

Với Nhóm Công tác Ngân hàng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, các vụ, cục có liên quan đã chủ động và tích cực phối hợp, trao đổi, hướng dẫn và xử lý các nội dung khuyến nghị theo hướng làm rõ về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan (nếu vấn đề Nhóm nêu có liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành).

Ðến nay, về cơ bản, các 12 khuyến nghị của Nhóm, trong đó có 2 khuyến nghị cần sự tham gia của các bộ, ngành, 10 khuyến nghị trong phạm vi thẩm quyền của cơ quan quản lý, đã được hai bên thống nhất định hướng xử lý.

“Ðối với những điểm còn vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách, Ngân hàng Nhà nước luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến và kịp thời trao đổi, giải đáp, hướng dẫn khi có đề nghị của Nhóm Công tác Ngân hàng”, ông Vũ nói.

Cũng theo ông Vũ, đối với một số vấn đề cần sự tham gia quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành như các quy định yêu cầu chữ ký kế toán trưởng liên quan đến Luật Kế toán (Bộ Tài chính) và Luật Giao dịch điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông);

Vấn đề định giá theo giá trị thị trường liên quan đến nguyên tắc hạch toán kế toán hiện chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ Tài chính...

“Ðối với một số vấn đề khác được nêu tại Diễn đàn, cũng như trong tài liệu của Diễn đàn, Ngân hàng Nhà nước sẽ ghi nhận và sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để làm việc với các đối tác nghiên cứu, xử lý”, ông Vũ nhấn mạnh.

Về hợp tác với Nhóm Công tác ngân hàng trong thời gian tới, theo ông Vũ, Ngân hàng Nhà nước mong muốn Nhóm tiếp tục hỗ trợ, tham gia đóng góp cho cơ quan quản lý trong hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với lĩnh vực ngân hàng, xây dựng phát triển các phương tiện thanh toán mới, ngân hàng số…

“Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận được những yêu cầu, khuyến nghị, của các hiệp hội và nhóm công tác khác thuộc Diễn đàn như Nhóm Công tác Ðầu tư và thương Mại, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc… về các nội dung liên quan đến lĩnh vực ngân hàng. Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp, chia sẻ của các nhóm và Hiệp hội.

Tuy nhiên, để tạo sự chủ động cũng như để có thời gian nghiên cứu, đánh giá, đề nghị các nhóm và Hiệp hội khi phát sinh vấn đề, trao đổi, làm việc trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước”, ông Vũ nhấn mạnh.

Link gốc : https://tinnhanhchungkhoan.vn/thoi-su/nhung-kien-nghi-dang-chu-y-cho-huyet-mach-nen-kinh-te-310713.html

Bạn đang đọc bài viết Những khuyến nghị đáng chú ý cho nền huyết mạch kinh tế tại chuyên mục Nhà nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Nhà nước