Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Năm 2020, châu Á sẽ trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu

TTXVN 06:26 06/01/2020

Theo dự báo của giới phân tích về nền kinh tế thế giới trong năm 2020. Châu Á sẽ trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giá dầu thế giới có nguy cơ giảm, đồng tiền số phát triển…

Theo chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu David Mann của Standard Chartered, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng vừa phải và ổn định trong năm 2020 với tốc độ tăng trưởng ước tính đạt 3,3%, cao hơn một chút so với mức dự kiến 3,1% của năm 2019. Đáng chú ý, châu Á sẽ trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nếu không có động lực châu Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 chỉ đạt 1%.


Standard Chartered cho rằng có 4 nguyên nhân giúp kinh tế châu Á trở thành bệ đỡ, mang tới viễn cảnh tươi sáng hơn cho kinh tế toàn cầu. Thứ nhất là tác động tích cực từ các biện pháp nới lỏng tiền tệ mà nhiều nước châu Á đã thực thi trong năm 2019. Thứ hai là trợ lực từ môi trường tài chính của Trung Quốc và Ấn Độ đối với kinh tế. Thứ ba là môi trường thương mại năm 2020 dự báo sẽ tốt hơn năm 2019, đặc biệt là khả năng cải thiện môi trường hoạt động của ngành điện tử. Thứ tư là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung năm 2020 được kỳ vọng sẽ đón nhận thông tin tích cực nhiều hơn so với năm 2019.

Cuối tháng 10/2019, Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey cũng công bố báo cáo trong đó chỉ rõ nếu thế kỷ 19 được gọi là “Thế kỷ châu Âu hóa”, thế kỷ 20 là thế kỷ “Mỹ hóa” thì hiện nay là “Thế kỷ châu Á hóa”. Cơ sở của nhận định trên là sự tăng trưởng liên tục về thị phần của châu Á trên phương diện thương mại, vốn, nhân lực, tri thức, giao thông, văn hóa, tài nguyên… của thế giới, thúc đẩy sự chuyển dịch trọng tâm toàn cầu về châu Á.

Cụ thể là thị phần thương mại hàng hóa của châu Á 10 năm trước chỉ chiếm 1/4 toàn cầu, nhưng nay đã tăng lên và chiếm gần 1/3. Gần như cùng thời gian, số lượng hành khách châu Á sử dụng giao thông hàng không đã tăng từ 33% lên 40%, trong khi tỉ lệ vốn lưu thông ở châu Á đã tăng từ mức chỉ chiếm 13% lên 23% toàn cầu. Đáng chú ý, sự lưu thông về vốn đã trợ giúp các thành phố ở châu Á phát triển.

Trong số 30 thành phố lớn nhất toàn cầu hiện nay, châu Á có 21 thành phố. Trong số 10 thành phố được du khách đến thăm nhiều nhất, châu Á chiếm 4 thành phố. Rất nhiều thành phố có độ nổi tiếng không cao ở châu Á giờ đây lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư. Ví dụ, tăng trưởng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các ngành nghề có hàm lượng chất xám cao ở thủ đô Yangon của Myanmar đã đi từ con số 0 của năm 2007 lên 2,6 tỷ USD trong năm 2017; Thành phố Bekasi của Indonesia cũng đang trỗi dậy, trở thành trung tâm của ngành công nghiệp xe hơi và xe gắn máy, được mệnh danh là “Deitroit phiên bản xứ Vạn đảo”…

Dòng vốn đổ vào các quốc gia châu Á không chỉ đến từ ngoài khu vực, vốn đầu tư trong khu vực cũng đang thúc đẩy châu Á phát triển, giúp chuỗi cung ứng khu vực ngày càng hoàn thiện. Hiện nay có khoảng 60% hoạt động thương mại hàng hóa của châu Á đang diễn ra trong nội bộ khu vực. Quy mô huy động vốn và đầu tư ở châu Á cũng đang được tăng cường, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu vốn của các công ty khởi nghiệp trong khu vực. Ngoài ra, khoảng 74% lao động lưu thông ở châu Á đang được thực hiện ngay trong khu vực, tạo ra hiệu ứng tích cực cho tiến trình nhất thể hóa châu Á.

Thế giới tiến vào “Thế kỷ châu Á” trước tiên là nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc và Ấn Độ. Nếu căn cứ vào sức mua, Trung Quốc hiện chiếm 19% tổng lượng kinh tế toàn cầu, tăng hơn 2 lần so với mức 7% của năm 2000, còn Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, với tổng lượng kinh tế lớn gấp 2 lần Đức hoặc Nhật Bản.

Bên cạnh đó, “Thế kỷ châu Á” còn được hình thành nhờ những đóng góp không nhỏ của các quốc gia vừa và nhỏ. Nếu căn cứ vào sức mua, năm 2020, Indonesia hy vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới và trước năm 2023 sẽ vượt qua Nga, trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới. Việt Nam cũng là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á, tới năm 2023 dự kiến sẽ vượt qua nhiều quốc gia trong bảng xếp hạng kinh tế tính theo sức mua, trong đó có cả Bỉ và Thụy Sỹ.

Link gốc : https://infographics.vn/nhung-du-bao-ve-kinh-te-the-gioi-nam-2020/14891.vna

Bạn đang đọc bài viết Năm 2020, châu Á sẽ trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu tại chuyên mục Tiêu dùng quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiêu dùng quốc tế